Cơ hội lớn phát triển ngành dược phẩm phát minh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều nước trên thế giới đang trong cuộc đua thu hút đầu tư từ ngành dược phẩm phát minh, nhằm mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội cho chiến lược phát triển bền vững quốc gia. Ông Emin Turan, Chủ tịch Pharma Group, trao đổi về những cơ hội dành cho Việt Nam.
ng Emin Turan, Chủ tịch Pharma Group ng Emin Turan, Chủ tịch Pharma Group

Thu hút đầu tư từ các công ty hàng đầu trong lĩnh vực dược phẩm phát minh là cuộc đua của các quốc gia trên toàn cầu, đặc biệt tại khu vực ASEAN. Ông có thể cho biết đâu là lý do? Những lợi ích to lớn cho việc phát triển ngành dược phẩm phát minh mang lại cho các quốc gia là gì ngoài việc thu hút FDI?

Thực tế chứng minh, việc phát triển bền vững của một quốc gia cần dựa vào nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ngành khoa học đời sống được nhận định là một trong những động lực chính của nền kinh tế thế kỷ XXI nhờ những tiến bộ to lớn như trong công nghệ sinh học và các lĩnh vực liên quan, vì nhu cầu ngày càng tăng của xã hội trong việc giải quyết các vấn đề về chăm sóc sức khỏe.

Trong tất cả các ngành nghề, dược phẩm phát minh là ngành có đầu tư vào đổi mới sáng tạo cao nhất. Trong giai đoạn 2013 - 2023, ngành dược phẩm phát minh đầu tư trên 1.000 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Các khoản đầu tư này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực y tế thông qua các bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ đăng ký bởi ngành dược phẩm phát minh, mà có giá trị lan tỏa rộng khắp sang nhiều ngành nghề khác, từ đó góp phần việc tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia. Đây chính là lý do vì sao thu hút đầu tư từ ngành dược phẩm phát minh là ưu tiên của nhiều quốc gia trên toàn cầu.

Đồng thời, không thể bỏ qua các lợi ích kinh tế - xã hội to lớn từ ngành dược phẩm phát minh đối với chiến lược phát triển bền vững của một quốc gia. Trong đó, ba đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ chiến lược phát triển này chính là bệnh nhân, Chính phủ và ngành dược phẩm. Điều này đã được chỉ ra cụ thể trong một báo cáo đánh giá tác động của ngành dược phẩm phát minh tại Việt Nam do KPMG thực hiện vào năm 2022.

Lợi ích mang lại cho bệnh nhân chính là việc tăng cường khả năng tiếp cận nhanh chóng đến các giải pháp chăm sóc sức khỏe tiên tiến, an toàn, từ đó góp phần cải thiện chăm sóc y tế, hỗ trợ tốt hơn cho họ. Đây cũng là kim chỉ nam trong hoạt động, là mục tiêu chung của tất cả các công ty thành viên Pharma Group.

Đối với Chính phủ và ngành dược sẽ là các lợi ích từ hợp tác công - tư, đảm bảo bền vững hệ thống tài chính y tế; phát triển ngành dược phẩm nội địa; thúc đẩy tăng cường nhân lực chất lượng cao, các hoạt động R&D trong nước, đồng thời hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ sinh học hàng đầu khu vực.

Là đại diện cho ngành dược phẩm phát minh, với kinh nghiệm 25 năm hoạt động tại Việt Nam, Pharma Group đánh giá thế nào về quá trình phát triển của ngành cho đến thời điểm hiện tại? Việt Nam có những yếu tố cạnh tranh ra sao để tham gia vào cuộc đua phát triển ngành dược phẩm phát minh so với khu vực?

Hơn 2 thập kỷ qua, Chính phủ đã xây dựng các chính sách, tạo điều kiện góp phần thúc đẩy quá trình phát triển ngành y tế nói chung, dược phẩm nói riêng. Đặc biệt, mục tiêu được đặt ra tại Nghị quyết số 29-NQ/TW là phát triển ngành công nghiệp sinh học trở thành ngành mũi nhọn, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Với sự tăng trưởng kinh tế liên tục, ngành dược phẩm phát minh tại Việt Nam có nhiều cơ hội rõ nét, nhằm củng cố vị thế trong việc đóng góp và đồng hành cùng các khát vọng phát triển của Việt Nam như đã được định hướng tại Nghị quyết 29.

Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực nhằm thu hút đầu tư vào ngành này, bao gồm sự ổn định về chính trị, hạ tầng xã hội, vị trí địa lý. Việt Nam là điểm sáng trong khu vực về phát triển kinh tế với thị trường nội địa tiềm năng với 100 triệu dân, cũng như việc chủ động hội nhập sâu rộng, thể hiện qua việc tham gia trên 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những FTA thế hệ mới như EVFTA, UKVFTA, CPTPP…

Thu hút đầu tư vào ngành y dược mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội. Nhiều quốc gia trong khu vực đã bắt đầu có hành động. Việt Nam cần ý thức được sự cạnh tranh đầu tư từ các quốc gia khác để đẩy nhanh quá trình thu hút đầu tư.

Được biết, Pharma Group có 22 thành viên là các công ty dược phẩm hàng đầu đến từ các quốc gia như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Ông cho biết, mức độ quan tâm đầu tư của các công ty thành viên tại Việt Nam hiện nay như thế nào?

Kể từ khi Luật Dược 2016 và Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược có hiệu lực, hơn 90% công ty thành viên của chúng tôi đã thành lập pháp nhân, thực hiện quyền nhập khẩu thuốc trực tiếp với vốn đầu tư hàng triệu USD.

Hiện tại, mặc dù khả năng tiếp cận thuốc mới của bệnh nhân Việt Nam đang chỉ ở mức 9% so với mức trung bình 20% trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như có thể nói rằng, chỉ 11 trên 100 bệnh nhân đang tiếp cận dược phẩm phát minh, nhưng chúng tôi lạc quan tin tưởng là nếu hành lang pháp lý được cải thiện, thời gian tiếp cận thuốc mới nhanh hơn, gia tăng tính khả thi và dự báo của quy trình mua sắm, chi trả, thì việc gia tăng trong đầu tư từ các thành viên Pharma Group nói riêng và từ toàn ngành nói chung là điều tất yếu.

Trong một khảo sát gần đây của tổ chức Decision Lab thực hiện với các thành viên Pharma Group và Hiệp hội Các doanh nghiệp dược Việt Nam (VNPCA) cho giai đoạn nửa đầu năm 2023, các doanh nghiệp dược đều bày tỏ triển vọng tương lai tích cực, mặc dù vẫn tồn tại các bất ổn về kinh tế vĩ mô. Điều này chứng tỏ các cơ hội rõ nét cho sự phát triển của ngành một cách bền vững phụ thuộc vào việc cải thiện hành lang pháp lý.

Dựa trên thế mạnh và kinh nghiệm quốc tế, Pharma Group sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào để hỗ trợ phát triển ngành?

Như chia sẻ trước, chúng tôi tin rằng, việc hiện thực hóa các định hướng tại Nghị quyết 29 là cần tập trung cải cách thể chế, xây dựng chính sách nhằm duy trì các khoản đầu tư hiện hữu và thu hút được các khoản đầu tư mới từ ngành dược phẩm phát minh.

Để tìm được hướng đi phù hợp với bối cảnh của Việt Nam và đúng tinh thần “vạn sự khởi đầu nan”, chúng tôi đề xuất thành lập Ban chỉ đạo quốc gia do Phó thủ tướng phụ trách, nhằm xây dựng các kế hoạch hành động để triển khai những định hướng tại Nghị quyết 29 trong lĩnh vực y dược. Ban chỉ đạo này cần có sự tham gia của đại diện tất cả các bên và sẽ xây dựng lộ trình sửa đổi chính sách nhằm thực hiện những mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn.

Giai đoạn 2023 - 2024 được xem là thời điểm cực kỳ quan trọng đối với việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách quan trọng như Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế, tạo nên bức tranh cho ngành y dược trong nhiều năm tới. Pharma Group luôn giữ vững cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong việc tham gia cố vấn, góp ý xây dựng chính sách, cũng như triển khai các chiến lược phát triển ngành thông qua việc chia sẻ thông tin, đề xuất các giải pháp phù hợp thực tiễn và dựa trên kinh nghiệm quốc tế nhằm đẩy nhanh khả năng tiếp cận của người bệnh với các loại thuốc mới, thuốc phát minh, cũng như đảm bảo một môi trường đầu tư bền vững, mang tính dự báo cao hơn.

Với kinh nghiệm và thế mạnh trong lĩnh vực phát minh, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế vào ngày 18/10. Đây là một sáng kiến từ Pharma Group, với mục tiêu tạo ra không gian mở để tất cả các bên liên quan, bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và đại diện ngành y dược cùng trao đổi vai trò của nghiên cứu, tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và hợp tác nhiều bên trong việc xây dựng hệ thống y tế vững mạnh, áp dụng các phát minh, công nghệ mới, nhằm nâng tầm y tế Việt Nam.

Chúng tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng, thông qua việc đối thoại, đóng góp và đồng hành của các bên, cùng khát vọng phát triển của Việt Nam, ngành y dược sẽ đạt được nhiều thành tựu mới, mang lại giá trị kinh tế - xã hội cao và quan trọng hơn hết là chăm sóc tốt sức khỏe người dân.

Bích Thủy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục