Cơ hội lớn để Việt Nam lựa chọn tăng trưởng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chia sẻ này đã được PGS. TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng tại hội thảo “Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình” do CafeF tổ chức sáng 22/11/2023 tại Hà Nội.
Ảnh: Shutterstock. Ảnh: Shutterstock.

Theo Ban Tổ chức, cam kết Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam là rất thách thức, tương đương với cam kết của các nước phát triển đưa ra. Tuy nhiên, đây cũng là nguồn cảm hứng để các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận để thúc đẩy phát triển xanh.

Theo ông Thiên, để thay đổi một mô thức phát triển đòi hỏi nguồn lực lớn, trong đó, nguồn lực chuyển đổi là tốn kém nhất và Việt Nam có thể cần tới 200 – 300 tỷ USD cho việc này.

Ông Thiên cho hay, cam kết, tầm nhìn đã có, nhưng quan trọng là phải thực thi sao cho hiệu quả. Về mặt giải pháp, Việt Nam sẽ cần vượt qua được môi trường kinh tế thâm dụng lao động, lao động rẻ và tận dụng tài nguyên quá nhiều, cùng với đó là thay đổi phương thức sống, đẩy mạnh giáo dục bảo vệ môi trường.

Một nội dung khác cũng được ông Thiên đề cập, đó là việc cần có các tiêu chí, tiêu chuẩn khung, từ đó các cơ quan, doanh nghiệp áp dụng, vận hành theo.

Ông Nguyễn Công Thịnh trình bày tham luận

Ông Nguyễn Công Thịnh trình bày tham luận

Theo ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng, các công trình xây dựng trên thế giới phát thải khoảng gần 40% tổng lượng khí thải carbon, trong đó, lượng carbon vận hành công trình chiếm khoảng 28% và hơn 11% phát thải từ quá trình sản xuất vật liệu xây dựng.

Ông Thịnh cho biết, Việt Nam đã trải qua khoảng 15 năm phát triển các công trình xanh. Đến hết quý III/2023, Việt Nam có 305 công trình xanh, một con số còn khá khiêm tốn. Trong 305 công trình xanh tại Việt Nam thì chỉ có khoảng 10 công trình của nhà đầu tư trong nước, còn lại phần lớn là các công trình của nhà đầu tư nước ngoài (chủ yếu thuộc phân khúc văn phòng). Do đó, để chuyển đổi xanh hiệu quả, Việt Nam cần có quy định bắt buộc cho việc xây dựng nhà máy, xí nghiệp, sản phẩm, thay vì để nhà đầu tư tự nguyện như hiện nay. Ngoài ra, cần có lộ trình chi tiết, phân kỳ cụ thể hơn cho các chặng (đến 2030, đến 2035…), cùng với đó nên có bước chuyển, từ phát thải thấp rồi mới đến Net Zero.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp kinh doanh mảng du lịch – dịch vụ, bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, Tổng giám đốc Sun Hospitality Group cho rằng, du lịch phát triển đúng hướng sẽ giúp nền kinh tế chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh”. Đơn cử như tại Quảng Ninh, tỉnh đang đặt mục tiêu giảm dần hoạt động khai khoáng, hướng mạnh sang lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Đi kèm với đó là việc kêu gọi đầu tư hàng loạt các công trình trọng điểm, tạo lực đẩy cho “ngành công nghiệp không khói” tăng tốc. Chỉ trong 5 năm từ 2013 - 2018, Quảng Ninh đã thu hút 100 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư 110.000 tỷ đồng và bước đầu thu quả ngọt từ sự chuyển biến này.

Cũng chia sẻ về xu hướng giao thông xanh trong vận tải, đại diện Xanh SM cho biết, trung bình doanh thu của một xe taxi và xe máy điện của GSM hiện đang bằng một xe xăng, trong khi chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng chỉ bằng 1/3 so với xe xăng. Doanh thu từ thị trường taxi điện ước tính khoảng 600 triệu USD, xe ôm là 2,5 tỷ USD/năm.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển xanh trong lĩnh vực bất động sản, đại diện Gamuda Land cho biết, doanh nghiệp này coi giá trị cốt lõi để có được thành công đó là phát triển gắn với bảo tồn thiên nhiên. Thực tế này đã được triển khai tại các dự án ở Hà Nội và TP.HCM của Gamuda Land. Theo đó, chủ đầu tư luôn áp dụng nhiều phương pháp tiên tiến để bảo tồn thiên nhiên, như trồng cây trong vườn ươm, xử lý nước thải theo chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng mặt trời, dùng hệ thống lọc nước mưa để sử dụng tưới tiêu cho cây trồng…

Bình Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục