Tính cấp thiết của chuyển đổi số giữa đại dịch Covid-19
Sự trở lại của các làn sóng đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu tiếp tục chịu áp lực, sau đợt suy thoái đáng kể vào năm 2020. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tiến hành với 10.200 doanh nghiệp trên toàn quốc, có 87,2% đơn vị cho biết sẽ chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”.
Kết quả khảo sát 1.564 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng ghi nhận đến 87,9% chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Khoảng 22% còn lại cho biết phải sa thải lao động do tình hình kinh doanh suy giảm. Số lao động buộc phải nghỉ việc xấp xỉ 30% tổng số lao động làm việc tại doanh nghiệp.
Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, làm giảm sút dòng tiền và nhân công…, mà còn gây ảnh hưởng gián đoạn chuỗi cung ứng. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) gần như là “nạn nhân” chính của dịch bệnh.
Có đến 87,2% SMEs bị ảnh hưởng tiêu cực và khoảng 101.700 SMEs đóng cửa/tạm ngừng kinh doanh trong năm 2020 (tăng 13,9% so với năm 2019).
Giữa bối cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, làm sao để bán được hàng, duy trì được nguồn thu là bài toán lớn.
Câu trả lời chính là chuyển đổi số, đưa kênh bán hàng online song song với offline, liên kết nhanh và sâu rộng với các đối tác tạo nguồn thu. Cùng với đó, số hoá hệ thống quản trị cũng giúp tiết kiệm đáng kể chi phí, tăng hiệu suất hoạt động của toàn bộ máy công ty.
Được ví như xương sống của nền kinh tế với tỷ trọng 97% tổng số doanh nghiệp tại thị trường và đóng góp 45% vào tổng GDP năm 2020, hầu hết SMEs quyết tâm chuyển đổi số đóng vai trò then chốt trong và sau đại dịch.
Cơ hội “ghi điểm” cho các doanh nghiệp công nghệ
Nổi lên như “vị cứu tinh” giữa khủng hoảng Covid-19, chuyển đổi số không còn là thuật ngữ mang tính tiên phong, mà là bắt buộc trong thời kỳ mới giúp cho doanh nghiệp có thể nhanh chóng đón đầu “cơ trong nguy” và có những bước bứt phá mạnh.
Năm 2020, ước tính từ công ty chuyên về dữ liệu thị trường và tiêu dùng Statista (Đức), doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam ước đạt 1,12 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2019 (1,1 tỷ USD). Sang năm 2021, Statista dự báo, doanh thu lấy lại đà tăng như thời điểm trước khi đại dịch bùng nổ với 1,18 tỷ USD, và tiếp tục tăng lên 1,43 tỷ USD vào năm 2025.
Dự báo của Fitch Solutions (Anh) thì cho rằng thị trường công nghệ thông tin Việt Nam bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin, phần mềm, phần cứng và thiết bị sẽ tăng trưởng khoảng 17% trong năm 2021, đạt 7,3 tỷ USD.
Tiềm năng của thị trường công nghệ thông tin toàn cầu nói chung và trong nước nói riêng mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp công nghệ. Đặc biệt, nhu cầu chuyển đổi số tăng cao còn giúp các doanh nghiệp kinh doanh phần mềm như FPT, CMG… được hưởng lợi.
Điển hình FPT, là đơn vị dẫn đầu ngành công nghệ thông tin trong nước, chỉ số kinh doanh Tập đoàn liên tục tăng trưởng vượt bậc. Kết thúc 5 tháng đầu năm, FPT ước đạt doanh thu 13.279 tỷ đồng, tăng 18,6% (tương đương 106% kế hoạch); lợi nhuận sau thuế 1.990 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khối công nghệ vẫn là động lực tăng trưởng chính khi đem về 7.417 tỷ đồng doanh thu, tăng 20,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế 1.087 tỷ đồng, tăng 35,1%. Chi tiết, doanh thu và lợi nhuận trước thuế dịch vụ công nghệ thông tin trong nước đạt 1.983 tỷ đồng và 207 tỷ đồng, tăng trưởng lần 46,0% và 251,5%. Doanh thu ký mới của dịch vụ công nghệ thông tin nội địa tăng trưởng 87,5%.
Đối với thị trường nước ngoài, doanh thu ký mới của dịch vụ công nghệ thông tin đạt 7.435 tỷ đồng, tăng 52%. Doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài tăng 13,2%, trong đó doanh thu từ thị trường Mỹ và APAC tăng lần lượt 34% và 23%. Doanh thu chuyển đổi số tăng trưởng 5% nhờ đà tăng từ các công nghệ Điện toán đám mây và Low code.