Cơ hội không chia đều cho mọi doanh nghiệp

Năm 2012, theo chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua, tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống TCTD sẽ vào khoảng 15% - 17%, không vượt quá 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Chính sách thắt chặt tiền tệ dự báo sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2012 Chính sách thắt chặt tiền tệ dự báo sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2012

Con số này cho thấy, năm 2012, chính sách thắt chặt tín dụng sẽ tiếp tục được thực hiện như năm 2011.

Trong khuôn khổ hẹp, cơ hội cấp tín dụng và tiếp cận tín dụng sẽ không chia đều cho các ngân hàng và các doanh nghiệp. Điều này có thể được hình dung từ bây giờ qua định hướng và hành động cụ thể của NHNN trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và trong hoạt động tái cấu trúc hệ thống NHTM thời gian gần đây.

Cho vay phát triển nông nghiệp - nông thôn, cho sản xuất hàng xuất khẩu, cho công nghiệp phụ trợ, cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và cho 4 nhóm đối tượng phi sản xuất như tinh thần đã nêu trong công văn 8844/NHNN-CSTT ngày 14/11/2011 là những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong năm 2012. Mặc dù đây không phải là những lĩnh vực có độ rủi ro cao, nhưng lại là lĩnh vực đòi hỏi chi phí hoạt động lớn do phần lớn là các khoản vay nhỏ lẻ.

Để đẩy dòng chảy tín dụng theo hướng mong muốn như trên, NHNN có thể sẽ có ưu tiên về mức dự trữ bắt buộc, hoặc sẽ dành một phần tiền cung ứng cho tái cấp vốn để các TCTD cho vay nông nghiệp và phát triển nông thôn (đó là tuyên bố của người đứng đầu NHNN).

Trong bối cảnh trên, ưu thế sẽ thuộc về NHTM có mạng lưới phân bố rộng khắp trên địa bàn cả nước, đặc biệt trong các vùng địa bàn nông nghiệp nông thôn (mạng lưới rộng khắp tạo thuận lợi cho cả công tác huy động vốn, lẫn cho vay các khoản vay nhỏ), có năng lực thẩm định và quản trị rủi ro trước, trong và sau khi cho vay.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, vị thế trong chuỗi giá trị của ngành hàng và năng lực công nghệ sẽ là lợi thế cạnh tranh. Các biện pháp chính sách đã, đang và sẽ tiếp tục được triển khai nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng nội tệ và đặc biệt là nỗ lực hướng các dòng vốn đầu tư của toàn xã hội, cũng như dòng vốn tín dụng ngân hàng chảy vào các khu vực sản xuất kinh doanh, sẽ tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất và thương mại tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng với mức lãi suất hợp lý trong năm 2012.

Tuy nhiên, tận dụng được cơ hội hay không là còn tùy thuộc vào năng lực của từng doanh nghiệp, đó là khả năng duy trì được thị trường tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ, cũng như khả năng chống chịu những biến động giá cả khó lường của các nguyên liệu đầu vào. Điều đó được xác định bởi năng lực công nghệ và vị thế của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của từng ngành và lĩnh vực cụ thể.

Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, năm 2012 vẫn tiếp tục là một năm khó khăn trong việc cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, cũng như tiếp cận đến nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Việc loại bỏ 4 nhóm bất động sản ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất sẽ giúp làm nhẹ bớt gánh nặng của khối dư nợ bất động sản hiện có đối với các NHTM, nhưng để cung ứng các khoản vay mới cho lĩnh vực này lại là vấn đề khác.

Trước hết, do vấn đề kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và cho vay, nhu cầu về bất động sản khó có thể gia tăng trở lại nhờ các khoản vay tín dụng ngân hàng trong thời gian tới.

Thứ hai, là những khó khăn nội tại của bản thân các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh bất động sản (việc đầu tư dàn trải theo kiểu "xí phần", vấn đề pháp lý của các dự án...) hầu như vẫn chưa được cải thiện.

Cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng với mức lãi suất hợp lý hơn trong năm 2012 là một thực tế, nhưng tận dụng được cơ hội hay không còn tùy thuộc vào sức mạnh và khả năng nội tại của từng doanh nghiệp. Do vậy, thay vì đầu tư theo kiểu "nhóm, ngành", nhà đầu tư cần phải có cơ chế và phương thức để "sàng lọc" được doanh nghiệp phù hợp.

Phạm Kinh Luân
Phạm Kinh Luân