Cơ hội không chia đều cho công ty chứng khoán

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán sôi động trở lại với thanh khoản tăng mạnh từ đầu năm tới nay là cơ hội để khối công ty chứng khoán (CTCK) gia tăng nguồn thu từ mảng môi giới và cho vay ký quỹ. Tuy nhiên, cơ hội thị trường không chia đều cho tất cả và cạnh tranh giành thị phần đang ngày càng gay gắt hơn.
Ngoài lãi suất margin, phí giao dịch hấp dẫn thì sự hỗ trợ của môi giới đóng vai trò quan trọng với quyết định mở tài khoản của nhà đầu tư tại CTCK

Cạnh tranh khốc liệt

Quyết định mở tài khoản đầu tư tại một CTCK chịu tác động của nhiều yếu tố, như phí giao dịch, lãi suất cho vay margin, hệ thống phần mềm giao dịch, chất lượng tư vấn...

Nhà đầu tư tổ chức hoặc nhà đầu tư cá nhân nước ngoài, đối tượng khách hàng có sự chuyên nghiệp trong đầu tư, thường thì họ quan tâm nhất đến những yếu tố như quản trị rủi ro, hệ thống giao dịch và mức phí của CTCK khi mở tài khoản đầu tư.

Vì vậy, các CTCK trong top đầu luôn có lợi thế trong thu hút những đối tượng khách hàng tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, với nhà đầu tư cá nhân trong nước, ngoài yếu tố như mức phí, lãi suất vay margin hấp dẫn, giao dịch thuận tiện thì sự hỗ trợ của nhân viên môi giới (broker) đóng vai trò rất quan trọng. Vậy nên, mới có chuyện, không ít nhà đầu tư sẵn sàng chuyển sang giao dịch tại CTCK khác khi môi giới "ruột" ở CTCK cũ đầu quân cho công ty này.

Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu, bởi bất kỳ nhà đầu tư nào cũng mong muốn hiệu quả đầu tư tốt nhất. Trên thực tế, nhiều broker có khả năng phân tích kỹ thuật và cơ bản rất tốt, am hiểu doanh nghiệp, thường đưa ra những tư vấn chuẩn cho nhà đầu tư.

Gặp broker tư vấn tốt thì thậm chí vấn đề phí giao dịch và lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ (margin) không còn là yếu tố quá quan trọng với nhà đầu tư.

Nhận thấy những nhu cầu đó, mỗi CTCK có một chiến lược hoạt động phù hợp với định hướng của công ty mình. Việc đầu tư cho hệ thống giao dịch ngày càng được các CTCK, đặc biệt là những công ty có quy mô lớn chú trọng và được giới đầu tư phản hồi tốt về các tiện ích thích hợp. Đồng thời, các CTCK cũng ra sức chiêu mộ broker giỏi để gia tăng tài khoản giao dịch tại công ty. Cũng có CTCK cạnh tranh bằng lãi suất margin.

Theo chia sẻ của một môi giới kỳ cựu, trong Top 10 CTCK có thị phần lớn nhất hiện nay, lãi suất cho vay margin đang dao động quanh mức 12 - 14%/năm, nên khó cạnh tranh nhau bằng lãi suất. 

Hầu hết các CTCK đều có danh mục cổ phiếu được cho vay ký quỹ, những cổ phiếu này đều được cho vay theo quy định và được CTCK đánh giá kỹ càng để tránh rủi ro. Tuy nhiên, với những cổ phiếu có tính thị trường cao, nhưng lại không được nhiều CTCK cấp margin do e ngại rủi ro, thì những nhà đầu tư ưa thích lướt sóng sẽ tìm kiếm những CTCK có cấp margin để mở tài khoản giao dịch.

Do vậy, ở một số CTCK nhỏ cũng cạnh tranh nhau thông qua danh mục margin, danh mục càng rộng thì càng có cơ hội thu hút những nhà đầu tư này mở tài khoản giao dịch.

Thực tế cho thấy, nhiều broker đang làm chính cho CTCK này cũng cộng tác thêm với những CTCK khác, để khi khách hàng có nhu cầu vay margin ở những mã cổ phiếu “tương đối rủi ro”, họ sẽ giới thiệu sang mở tài khoản ở những CTCK đó sử dụng dịch vụ. Đây cũng là một cách giữ chân khách hàng.

Và rủi ro

Ở các CTCK quy mô nhỏ hơn, một chuyên gia phân tích cho biết, cuộc chạy đua cho vay khá khốc liệt. Thậm chí, họ chấp nhận cho vay với cổ phiếu của doanh nghiệp không thuộc danh mục được cấp margin theo công bố của công ty. Tài sản đảm bảo là cổ phiếu của chính doanh nghiệp, thường sẽ ở tài khoản của các cá nhân ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Mọi chuyện sẽ suôn sẻ nếu cổ phiếu đó tăng giá, trường hợp tệ hơn là giảm giá đến một tỷ lệ nào đó thì CTCK có thể yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm tài sản đảm bảo trong thời gian nhất định, nếu không thì short sell.

Tuy nhiên, không phải khi nào cũng thuận được như vậy. Đẩy mạnh cho vay margin, trong khi kiểm soát rủi ro không tốt đã khiến một số CTCK chịu mất mát lớn. Ví dụ điển hình là trường hợp cho vay margin với cổ phiếu như BII, NHP… đã khiến một CTCK mất gần trăm tỷ đồng.

Vị chuyên gia phân tích cho hay, với một số cổ phiếu rơi quá sâu, CTCK có bán cũng không bán được khi mà thanh khoản cổ phiếu đã không còn, chỉ có thể ôm đống cổ phiếu giấy.

Chỉ số VN-Index đã lập lại mức đỉnh trong vòng gần 10 năm trở lại đây, nhưng bối cảnh kinh doanh của các CTCK đã khác rất nhiều. Không còn thời cứ mở CTCK là thắng. Thị trường đã có sự sàng lọc mạnh mẽ, số lượng CTCK đã giảm đi nhiều và ưu thế cạnh tranh sẽ thuộc về những CTCK có quy mô vốn lớn, bộ máy nhân sự chuyên nghiệp và có hệ thống quản trị rủi ro tốt.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục