Cơ hội giải ngân khi thị trường điều chỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Chỉ số VN-Index tuần qua dao động quanh ngưỡng 1.260 điểm với thanh khoản suy giảm. Điểm số có thể giảm thêm, nhưng sẽ tạo ra cơ hội tích lũy cổ phiếu hấp dẫn.
Cơ hội giải ngân khi thị trường điều chỉnh

VN-Index có ngưỡng hỗ trợ gần nhất tại 1.230 điểm

Tuần giao dịch thứ hai sau kỳ nghỉ lễ, thị trường chứng khoán giao dịch trở lại với áp lực bán lan tỏa, phản ánh tâm lý thận trọng của nhiều nhà đầu tư. Thị trường đang trong giai đoạn đánh giá và cơ cấu danh mục, chuẩn bị cho 3 tháng cuối năm.

Sau khi có nhịp tăng khá mạnh trong mùa công bố báo cáo tài chính quý II/2024, VN-Index kể từ đầu tháng 8 có diễn biến giằng co theo hướng giảm trong vùng 1.250 - 1.300 điểm, cuối tuần qua đóng cửa tại 1.251,71 điểm.

Đáng lưu ý, giá trị giao dịch trung bình tiếp tục giảm, xuống 10.000 - 11.000 tỷ đồng/phiên, giảm hơn 30% so với trước kỳ nghỉ. Điều này cho thấy, tâm lý thị trường vẫn còn thận trọng, VN-Index có khả năng sẽ lùi về ngưỡng hỗ trợ 1.230 điểm, thậm chí 1.200 điểm.

Mặc dù vậy, chính sách kích thích kinh tế trong nước đang dần mang lại kết quả rõ ràng hơn, hứa hẹn nâng đỡ thị trường giai đoạn cuối năm. Do đó, các nhịp điều chỉnh xuống vùng ngưỡng hỗ trợ có thể tạo cơ hội cho nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, tận dụng nền vĩ mô dần cải thiện.

Trong thời gian tới, nhà đầu tư ngắn hạn cần chú ý đến sự dịch chuyển của dòng tiền, ưu tiên giải ngân vào các cổ phiếu thu hút dòng tiền lớn. Một số nhóm ngành có triển vọng tăng bao gồm nhóm chứng khoán với kỳ vọng hưởng lợi từ khả năng nâng hạng thị trường (SSI, HCM, VCI), nhóm ngân hàng (MBB, STB) nhờ tăng trưởng tín dụng và cải thiện chính sách pháp lý, nhóm bất động sản (KDH, NLG, VHM) với cơ hội phục hồi nhờ hành lang pháp lý thông thoáng hơn.

Hạ tầng - Kỳ vọng từ giải ngân đầu tư công tăng tốc

Năm 2024 là năm thứ tư trong kế hoạch triển khai vốn đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Hiện tại, lượng vốn phân bổ cho giai đoạn 2024 - 2025 khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Trong đó, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của Chính phủ khoảng 657.000 tỷ đồng, tăng 12% so với mức thực hiện năm 2023 và khoảng 62% sẽ được phân bổ cho các công trình hạ tầng giao thông. Có thể thấy, định hướng đầu tư công trong giai đoạn tới vẫn đang được tập trung vào phát triển mạng lưới giao thông và hạ tầng.

Gần đây, tốc độ phát triển hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới cao tốc được đẩy nhanh hơn rất nhiều so với giai đoạn trước năm 2020. Chỉ riêng trong năm 2023, cả nước đã hoàn thiện và đưa vào khai thác gần 500 km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài của hệ thống cao tốc Việt Nam lên hơn 1.800 km. Số ki-lô-mét đường cao tốc được hoàn thiện trong 3 năm trở lại đây là gần gấp đôi so với 10 năm trước đó, cho thấy mức độ đầu tư lớn của Chính phủ trong việc cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông.

Trong các giai đoạn trước, đầu tư công của Chính phủ có tác động đến nhiều ngành kinh doanh nói riêng, nền kinh tế nói chung. Đầu tư cơ sở hạ tầng trong nhiều năm đóng vai trò là một công cụ thúc đẩy các ngành nghề như xây dựng, bất động sản, tài chính tăng trưởng, từ đó hiệu ứng được lan tỏa qua các ngành nghề khác trong nền kinh tế.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư công được giải ngân hơn 40% kế hoạch năm, tương đối chậm, nhưng tốc độ hiện tại vẫn đang tương đồng với các năm trước. Có một đặc điểm trong giải ngân đầu tư công ở Việt Nam là 2 quý đầu năm, tốc độ giải ngân thường chậm, nhất là đối với các dự án hạ tầng và có xu hướng tăng tốc trong những tháng cuối năm trước khi tiệm cận mục tiêu đề ra.

Với xu hướng đó, việc ghi nhận doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp xây dựng trong ngành hạ tầng thường tăng tốc ở 2 quý cuối năm. Điều này giúp kết quả kinh doanh quý III và IV/2024 của các doanh nghiệp hạ tầng như CII, C4G, HHV được kỳ vọng cải thiện.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Chứng Khoán KAFI

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục