Mặc dù BĐS rất khó khăn, đang trông chờ tín hiệu nới lỏng tiền tệ của Chính phủ, nhưng nhiều khả năng Chính phủ vẫn quyết liệt ổn định kinh tế và từng bước tái cấu trúc theo hướng tăng trưởng bền vững.
Do vậy, nhận định các chính sách và giải pháp của Chính phủ trong năm 2012 vẫn thiên về kiểm soát tiền tệ, chuyển hướng dòng vốn vào khu vực nông nghiệp và sản xuất, hạn chế dòng vốn vào BĐS với mức tăng trưởng tín dụng dự kiến trong khoảng 15 - 17%.
Với nhận định trên thì BĐS sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2012. Nhiều khả năng giá vàng thế giới không tăng như năm 2011, cộng thêm sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, kênh đầu tư vàng sẽ kém hấp dẫn. Lãi suất huy động cũng từng bước giảm về 12%.
Như vậy, kênh chứng khoán vừa có những khó khăn chung về sự thắt chặt tiền tệ và tình hình kinh doanh của DN vẫn phải nỗ lực vượt khó. Nhưng ngược lại, các kênh đầu tư khác đều kém hấp dẫn, trong khi kênh chứng khoán sẽ trực tiếp hưởng lợi sớm nhất từ sự ổn định dần dần của nền kinh tế, cộng thêm giá chứng khoán đã thấp kỷ lục vào cuối năm 2011.
Điều này cho thấy, nhiều khả năng chứng khoán khó khăn trong 2 quý đầu năm và có đợt tăng đầu quý III/2012. Trong giai đoạn đầu năm 2012, do nền kinh tế đang khắc phục các vấn đề nợ xấu của ngân hàng, nguồn vốn vẫn hạn chế và thiếu vắng dòng vốn nước ngoài nên TTCK vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Mặc dù vậy, khả năng ngưng giảm và đi ngang sẽ xuất hiện vào cuối quý I và tình hình sẽ được cải thiện vào cuối quý II, khi lãi suất huy động thực sự giảm về dưới 12% cùng với CPI được kiểm soát tốt.
Với diễn tiến này cùng với việc thiết lập được cơ chế dẫn vốn vào khu vực sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, nông nghiệp và tiêu dùng thì rất có thể Chính phủ sẽ có đợt cung tiền ra để hỗ trợ kinh tế phát triển. Giai đoạn này giúp chứng khoán có động lực đi lên vào đầu quý III/2012, mặc dù đà tăng khó có thể mạnh mẽ.
Do vậy, giai đoạn quý I/2012 là cơ hội tốt để đầu tư chứng khoán. Nên ưu tiên đầu tư những cổ phiếu các ngành sản xuất - kinh doanh có doanh số tốt như xuất khẩu thuỷ sản, sản xuất công nghiệp, hàng tiêu dùng, thương mại với giá đã giảm sâu vào cuối năm 2011.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Việt Nam năm 2012 sẽ có mức tăng trưởng 6,1%, CPI tăng dưới 12%, nhập siêu 8 tỷ USD, chỉ số công nghiệp tăng tăng khoảng 12%, giải ngân vốn FDI khoảng 7 tỷ USD. |