Cơ hội cho người tiên phong

Tuần này, giới kinh doanh toàn cầu đang đồ dồn mối quan tâm về Việt Nam, nơi sẽ diễn ra các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các nền kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và cơ quan tham mưu toàn cầu với những doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018).
Cơ hội cho người tiên phong

Lâu nay, WEF vẫn là nơi thảo luận những vấn đề thời đại, thời cuộc. Đương nhiên, đi cùng với đó là những cơ hội mới trong kinh doanh toàn cầu được mở ra.

Lần này, với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và cuộc cách mạng 4.0”, cơ hội kinh doanh không giới hạn, nhưng đi cùng với đó cũng là những thách thức chưa từng có.

Chính trong lúc này, phải nhắc lại câu hỏi mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng đặt ra với bộ máy cũng như với cộng đồng kinh doanh Việt Nam rằng, lợi thế của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã rất rõ ràng, tinh thần kinh doanh của người Việt đang lên mạnh mẽ, nhưng làm thế nào để hiện thực hóa. 

Đây là câu hỏi khó, nhưng không chỉ của riêng Việt Nam.

Về lợi thế, Việt Nam có thị trường tiềm năng lớn về đổi mới sáng tạo với dân số trẻ dồi dào, trong đó 60% dân số dưới 35 tuổi và khoảng 52% dân số sử dụng Internet; đẩy mạnh hội nhập quốc tế thông qua ký nhiều FTA có tiêu chuẩn cao và cùng các nước ASEAN tiến tới thị trường ASEAN thống nhất…

Việt Nam cũng có nhiều chỉ số tiến bộ về công nghệ thông tin, phấn đấu đến năm 2020 sẽ trong Top 10 thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số, với gần 1 triệu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. 

Nhưng, theo báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai “Readiness for the Future of Production Report 2018” do WEF công bố hồi đầu năm, Việt Nam vẫn thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng, các chỉ số liên quan đến đổi mới sáng tạo như nguồn nhân lực có chuyên môn cao, công nghệ nền tảng, đổi mới và sáng tạo còn ở mức thấp, dù được đánh giá ở mức có tiềm năng. Nếu so sánh trong ASEAN, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6.

Thực tế, trong tổng số 100 quốc gia được đánh giá, chỉ có 25 nước sẽ hưởng lợi từ cuộc cách mạng 4.0, chủ yếu các quốc gia thuộc khu vực châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Á - nơi đang chiếm hơn 75% giá trị sản xuất toàn cầu và tiếp tục có khả năng tăng trưởng thị phần trong tương lai.

Hơn 90% các quốc gia còn lại, chủ yếu ở các khu vực Mỹ La tinh, Trung Đông, châu Phi, châu Á được xếp vào hạng yếu kém trong việc chuẩn bị cho cuộc cách mạng này, có nguy cơ rơi vào tình trạng tụt hậu.

Trong bối cảnh này, cơ hội thực sự lớn dành cho những người tiên phong, cho những nền kinh tế sẵn sàng thay đổi tư duy, thay đổi nền tảng để thúc đẩy những mô hình kinh doanh mới, những ý tưởng sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp… 

Cũng có nghĩa là, cơ hội bước chân vào mặt trận mới của dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật… sẽ chia đều cho những doanh nghiệp chấp nhận để lại những hào quang cũ, thậm chí làm mới như những doanh nghiệp khởi nghiệp.

Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đi cùng với hành trình bước vào cuộc cách công nghiêp lần thứ tư trong vai trò những người tiên phong…

Bảo Duy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục