Ngoại trừ lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam còn tồn tại một số vấn đề cần quan tâm (10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng âm 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái), các yếu tố vĩ mô khác vẫn đang trên đà hồi phục và có nhiều chuyển biến tích cực. Chẳng hạn, chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp 10 tháng đầu năm 2009 tăng 7% so với cùng kỳ năm 2008; riêng tháng 10, chỉ tiêu này tăng 11,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi nhiều quốc gia khác vẫn đang phải đối diện với khó khăn do nền kinh tế bị ảnh hưởng mạnh bởi đợt suy thoái vừa qua thì Việt Nam đảm bảo được mức tăng GDP khá cao. Từ mức tăng 4,5% trong quý II, GDP của Việt Nam đã tăng lên 5,8% trong quý III, đẩy mức tăng trong 9 tháng đầu năm lên 4,6%.
Song song với những chuyển biến tích cực của nền kinh tế vĩ mô, các yếu tố vi mô tại phần lớn DN niêm yết cũng đã được cải thiện đáng kể. Trên 2 sàn đã có 330 DN công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2009. Trong đó, có 77 DN có kết quả doanh thu đạt 80 - 100% kế hoạch năm. Đặc biệt, 24 DN có kết quả doanh thu 9 tháng đầu năm đạt trên 100% kế hoạch năm. Xét về chỉ tiêu lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm, có 98 DN đạt trên 100% kế hoạch lợi nhuận năm, 56 DN đạt 80 - 100% kế hoạch năm. Số DN có kết quả kinh doanh không thuận lợi chỉ ở con số 17; theo tiến trình hồi phục của nền kinh tế Việt Nam và thế giới, phần lớn các DN này có triển vọng khả quan trong quý IV.
Diễn biến của TTCK lẽ ra phải gắn liền với những thay đổi của nền kinh tế, chuyển biến hoạt động của các DN niêm yết, nhưng trong khi các yếu tố cơ bản về vĩ mô, vi mô vẫn đang thể hiện chiều hướng tích cực, thì chỉ số chứng khoán lại điều chỉnh giảm mạnh. Theo tôi, những diễn biễn nghịch lý này là do:
Thứ nhất, vào thời điểm VN-Index chạm đỉnh mốc 620 điểm, nhiều NĐT lớn tỏ ra quan ngại trước ngưỡng nhạy cảm của thị trường nên đã hiện thực hóa nhuận ở phần lớn danh mục đầu tư, rút dần ra khỏi thị trường để chờ cơ hội mới. Điều này làm cho một lượng tiền khá lớn tạm thời rời khỏi giá trị giao dịch hàng ngày.
Thứ hai, những diễn biến phức tạp của TTCK thế giới, đặc biệt là sự tụt dốc của thị trường Mỹ trong tuần trước đã tác động mạnh đến tâm lý vốn đang tiềm ẩn nỗi sợ hãi của nhiều NĐT trên TTCK Việt Nam.
Thứ ba, giá trị giao dịch liên tục tăng cao, có phiên lên đến trên 9.000 tỷ đồng (trên 2 sàn), có phần đóng góp từ việc các định chế tài chính cung cấp hạn mức tín dụng cho NĐT. Khi thị trường có dấu hiệu điều chỉnh, các tổ chức trên đã nhanh chóng siết chặt lại hoạt động này, gây ra áp lực buộc NĐT phải bán cổ phiếu để trả nợ.
Thứ tư, nhiều người đầu tư theo phân tích kỹ thuật, khi thị trường liên tục xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ đã trực tiếp tạo ra nỗi sợ hãi cho họ, khiến họ nhanh chóng bán ra để bảo toàn vốn.
Thứ năm, động thái bán ròng của khối ngoại có tác động không nhỏ đến tâm lý của một bộ phận NĐT trong nước với suy nghĩ "các cầu thủ ngoại đang dự tính từ bỏ sân chơi".
Cuối cùng, sau khi phần lớn kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của các DN đã được công bố, những kết quả khả quan đã được phản ánh gần hết vào giá cổ phiếu giá, nên nhiều NĐT cho rằng, thị trường không còn sức bật trong ngắn hạn. Do đó, họ đẩy mạnh bán ra, đồng thời đứng ngoài thị trường theo dõi và chờ đợi cơ hội mới.
Dĩ nhiên, sau 2 tuần giao dịch đầy biến động, nhiều NĐT kém may mắn đã không thể thoát kịp để bảo toàn thành quả mà họ đã nhọc công gây dựng gần 1 tháng trước đó. Đối với các NĐT mới bước chân vào thị trường, sự mất mát này đã làm chùng lại bước chân của họ.
Tuy nhiên, với mức giảm mạnh của các chỉ số chứng khoán trong gần 2 tuần qua, phần lớn cổ phiếu đã được thiết lập ở một mặt bằng giá mới, có thể nói là đang khá hợp lý để đầu tư.
Xét về mặt vĩ mô, cho đến thời điểm này, gói kích cầu thứ nhất của Chính phủ đã làm tốt vai trò cứu nguy nền kinh tế trong đợt suy thoái cuối năm 2008, đầu năm 2009. Việc Chính phủ triển khai gói kích cầu thứ hai với mục đích tiếp sức cho một số lĩnh vực còn khó khăn sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế đi vào quỹ đạo tăng trưởng ổn định. Do đó, TTCK điều chỉnh giảm là cơ hội để NĐT cơ cấu lại danh mục đầu tư với các mức giá hợp lý hơn.
Phiên giao dịch ngày 5/11, NĐT đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của hàng loạt cổ phiếu trên 2 sàn. VN-Index chốt phiên ở 555,54 điểm, tăng 18,01 điểm (+3,5%), HNX-Index đạt 190,27 điểm, tăng 5,28 điểm (+2,85%). Tuy nhiên, do tính thận trọng trước những diễn biến khó đoán của thị trường, đồng thời phần lớn cổ phiếu đang ở mức giá khá thấp nên nhiều NĐT có sẵn cổ phiếu không tiếp tục bán ra. Cho nên, dù thị trường tăng điểm mạnh, nhưng tính thanh khoản trên 2 sàn vẫn không thể đột phá. Vẫn còn hơi sớm để khẳng định xu hướng điều chỉnh của thị trường đã kết thúc. Nhưng sau nhiều phiên biến động, lượng tiền giao dịch từ đòn bẩy tài chính đã giảm đi đáng kể. NĐT hiện đang thực hiện giao dịch với phần lớn là lượng tiền "tươi" trong tài khoản, điều này sẽ là yếu tố hỗ trợ cho sự ổn định của thị trường. Ngoài ra, diễn biến trong 2 phiên gần đây cho thấy, ở vùng 530 - 540 điểm, nhiều NĐT cho là mức hợp lý để bắt đáy, nhất là khi TTCK thế giới có diễn biến tích cực hơn. Về mặt kỹ thuật, vùng 525 - 530 điểm là khu vực hỗ trợ mạnh trong trường hợp xu hướng điều chỉnh còn tiếp diễn. Với mức giá cổ phiếu hiện tại, thị trường đang mở ra cơ hội đối với NĐT theo giá trị, NĐT vừa mới tham gia thị trường.