Ông đánh giá thế nào về cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Anh?
Sau khi rời Liên minh châu Âu (EU), Anh sẽ phải đẩy mạnh hợp tác thương mại với nhiều thị trường khác để bù đắp lại (nếu có) sự sụt giảm của thị trường EU. Hiện nay, Anh thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác.
Dù không còn là thành viên của Liên minh châu Âu, nhưng Anh đã có FTA với Việt Nam (UKVFTA), do đó, doanh nghiệp có thể tranh thủ được cơ hội hợp tác tại thị trường Anh thông qua hiệp định này.
Năm nay, Anh hướng tới tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hướng sang thị trường châu Á - Thái Bình Dương.
Việc tăng cường hợp tác với các thị trường khác, đặc biệt là thị trường mới nổi sẽ giúp các sản phẩm của Anh cạnh tranh hơn, doanh nghiệp của Anh vươn xa hơn, thông quá đó dư địa tăng trưởng lớn hơn.
Đó là mục đích của họ và cũng là cơ hội hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam, bởi khi tăng cường hợp tác với những thị trường mới thì cũng đồng thời mở cửa thị trường của họ với các sản phẩm của chúng ta.
Theo ông, đâu là những lĩnh vực tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Anh?
Hiện nay, Anh đã mở cửa trở lại bình thường và chuẩn bị cho thời kỳ hậu Covid-19, còn Việt Nam cũng đang triển khai từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19. Trong bối cảnh đó, vấn đề đặt ra với doanh nghiệp và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài hiện nay không phải là làm ăn kinh tế trong thời buổi dịch bệnh, mà là làm ăn kinh tế trong thời buổi hậu dịch bệnh.
Anh xác định, sau đại dịch Covid-19 là cơ hội để tập trung tăng cường hợp tác. Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, Anh đang xây dựng một loạt công cụ. Trong đó, cơ quan đầu tư quốc tế Anh được tăng cường để hỗ trợ huy động vốn đầu tư, cơ quan hỗ trợ xuất khẩu được nâng tầm để thúc đẩy xuất khẩu.
Các lĩnh vực mà Anh chú trọng gồm kết cấu hạ tầng, tăng trưởng xanh bền vững, kinh tế số và khoa học kỹ thuật. Trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý những lĩnh vực trên, bám vào những định hướng này và phải chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Một lĩnh vực tiềm năng với thị trường Anh cũng cần nhắc tới là nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp chất lượng cao.
Trước đây, chúng ta xuất sản phẩm đó, nhưng giá trị gia tăng thấp, thì bây giờ phải đi vào những thị trường, phân khúc giá trị gia tăng cao. Đấy chính là cơ hội của chúng ta. Đại sứ quán đang đồng hành và hỗ trợ một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp như trái cây, thủy sản…
Có thể nói, Vương quốc Anh là trung tâm trung chuyển của thế giới nên tiềm năng, cơ hội tại thị trường Anh là rất lớn.
Vậy các doanh nghiệp trong nước cần làm gì để nắm bắt cơ hội, thưa ông?
Muốn tăng cường hợp tác, đặc biệt là xuất khẩu sang Anh, quan trọng nhất vẫn là chất lượng, bởi đây là thị trường khó tính. Việc họ mở cửa thị trường với chúng ta chỉ là điều kiện cần, còn để trở thành điều kiện đủ, thì chúng ta phải đáp ứng nhu cầu của họ.
Doanh nghiệp nếu muốn “vươn ra biển lớn”, cần sự đồng hành của các cơ quan chức năng, các bộ, ngành và đặc biệt là cơ quan đối ngoại. Để có thể hỗ trợ doanh nghiệp, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đã nghiên cứu rất kỹ nhu cầu của địa phương và doanh nghiệp, cũng như nghiên cứu kỹ thị trường nước sở tại.
Phương châm mà Đại sứ quán đưa ra là “Kết nối, kết nối và kết nối”. Đây đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên và trọng tâm của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cũng như những đơn vị của Bộ Ngoại giao.
Đại sứ quán có thể hỗ trợ các doanh nghiệp chuẩn bị một cách bài bản để gia nhập thị trường Anh. Chúng tôi có những chuyên gia ở bản địa, có thể tư vấn giúp doanh nghiệp Việt Nam. Khi bước vào thị trường mới, việc đầu tiên mà doanh nghiệp cần làm là phải nghiên cứu, học hỏi. Chúng tôi đã và đang kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các hội chợ, triển lãm tại địa phương, quảng cáo kết nối sản phẩm để thông qua đó kết nối với đối tác.