Ổn định sản xuất
Trao đổi tại cuộc tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đưa đất nước phát triển bền vững" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Báo Nhân dân tổ chức hôm 10/12, ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK cho rằng, trong bối cảnh hiện nay điều quan trọng trước hết là ổn định sản xuất nhằm tránh ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng. Cùng với đó là xử lý cán cân thanh toán và ngoại tệ, hướng vào cải cách dài hạn nhằm đón bắt thời cơ sau khi vượt qua giai đoạn khó khăn. Cần tăng cung, kích cầu, hỗ trợ về thuế, giãn thu thuế cho DN, trong đó có DN nhỏ và vừa gặp khó khăn nhưng có tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó là hỗ trợ các tổ chức tín dụng lớn có khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế. Về phía ngân hàng, cần tiếp tục giảm lãi suất để DN dễ tiếp cận hơn. Mặt khác, cần có chính sách tỷ giá linh hoạt, làm sao để nhà đầu tư nước ngoài thấy việc nắm tiền đồng cũng có lợi nên sẽ hạn chế tình trạng rút vốn và khuyến khích DN trong nước xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần rà soát kỹ nợ đọng của các ngân hàng để có hướng xử lý kịp thời.
Về các giải pháp cho TTCK, ông Bằng kiến nghị một điểm rất đáng chú ý. Đó là đẩy mạnh việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ, bởi đây là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả trong bối cảnh ngân hàng đang dư tiền. Trên thực tế, để có nguồn chi tiêu cho Chính phủ, bên cạnh nguồn từ thu ngân sách, việc huy động qua kênh phát hành trái phiếu chiếm tỷ trọng không nhỏ. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tổng số vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu chính phủ trong 10 tháng năm 2008 chỉ đạt 52% kế hoạch, trong đó phát hành thông qua hệ thống Kho bạc Nhà nước đạt 42% kế hoạch và phát hành qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam đạt 82% kế hoạch năm. Như vậy, trong tháng cuối cùng của năm, cần đẩy nhanh việc phát hành trái phiếu chính phủ vì đây là thời cơ tốt. Thêm vào đó, việc phát hành trái phiếu chính phủ sẽ hạn chế việc rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Thay vì mua trên thị trường thứ cấp (chủ yếu do nhà đầu tư nước ngoài bán ra), các ngân hàng sẽ mua trái phiếu chính phủ qua hình thức đấu thầu.
Một giải pháp nữa đó là đẩy mạnh cổ phần hoá nhằm huy động nguồn lực tài chính và quản trị cho DN. Tuy nhiên, việc cổ phần hoá cần đổi mới, hướng đến nhà đầu tư chiến lược và bán theo phương thức thỏa thuận. Theo ông Bằng, việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư bằng cách mua cổ phần cùng các thoả thuận với DN cũng là hình thức đầu tư trực tiếp nên hạn chế nguy cơ rút vốn.
Ông Bằng có kiến nghị rất đáng chú ý là cần nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngân hàng, bởi hiện tại ngân hàng 100% vốn nước ngoài đã hiện diện tại Việt Nam. Về chính sách thuế thu nhập đối với chứng khoán, ông Bằng cho biết, Bộ Tài chính đang xem xét, xử lý.
Đẩy mạnh cải cách
Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho rằng, nhằm kích thích nền kinh tế, Chính phủ đang có chủ trương hỗ trợ DN, vậy thì đối với các DN đã thực hiện cổ phần hoá nên có sự điều chuyển nguồn thặng dư vốn sau khi đấu giá lần đầu về DN, vì đó là nguồn lực tương đối lớn và rất cần thiết vào thời điểm này. Ông Tuân cho biết, hiện nay mới thực hiện cổ phần hoá các DN nhỏ, còn nhiều tổng công ty chưa cổ phần hóa nên cần thiết có quy định rõ ràng, hợp lý trong việc phân chia nguồn thặng dư vốn từ đấu giá cổ phần lần đầu. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nguồn thặng dư vốn là của nhà đầu tư nên được để lại DN sử dụng cho đầu tư phát triển.
Theo ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội, trong bối cảnh hiện nay vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá DN nhà nước, không nên vì giá cổ phiếu xuống thấp mà làm chậm quá trình này. Bởi không chỉ xã hội hóa nguồn lực tài chính, mà việc xã hội hóa quản trị là điều rất cần thiết đối với các DN nhà nước.
Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý không nên can thiệp vào thị trường (đẩy chỉ số VN- Index đi lên) tạo lợi thế cho nhà đầu tư nước ngoài rút vốn. Nên để thị trường tự điều tiết và đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá và cấu trúc thị trường theo hướng minh bạch hóa và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Theo ghi nhận của ĐTCK, không ít ý kiến cho rằng, thị trường điều chỉnh cũng là cơ hội để đẩy mạnh cải cách. Khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến giá chứng khoán tại nhiều thị trường giảm sâu. Điều này tạo áp lực cạnh tranh với TTCK Việt Nam vì khi giá chứng khoán cùng ở mặt bằng thấp, nhà đầu tư thế giới sẽ cân nhắc bỏ vốn vào những thị trường minh bạch, thể chế hoàn chỉnh bảo vệ quyền lợi của họ. Chính vì thế, trong bối cảnh hiện nay, những văn bản pháp lý không quá phức tạp và tốn kém nên đẩy nhanh hoàn thiện. Trong đó quan trọng nhất là hướng vào quản lý thị trường như giám sát sử dụng vốn của các DN, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để các công ty đại chúng minh bạch hóa thông tin, tuân thủ các chuẩn mực kế toán, kiểm toán. Nên cân nhắc triển khai một số công cụ phái sinh nhằm hỗ trợ thị trường.