Cơ hội ấm lại phân khúc cao cấp

(ĐTCK) Đề xuất mở rộng chính sách cho người nước ngoài mua nhà nếu được thông qua sẽ góp phần giải quyết đáng kể lượng tồn kho, nhất là phân khúc cao cấp.
Cơ hội ấm lại phân khúc cao cấp

>> Xuất khẩu bất động sản, ý kiến người trong cuộc

Những thay đổi lớn

Sau gần 5 năm kể từ khi Nghị quyết 19/2008/QH12 của Quốc hội quy định về chương trình thí điểm cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, đến nay mới chỉ có 126 trường hợp người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, phần lớn trong số này là kết hôn với công dân Việt Nam. Kết qua này so với 80.000 người nước ngoài (chưa kể Việt kiều) đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam là quá “khiêm tốn”.

Theo phân tích của Công ty CBRE, kết quả “khiêm tốn” này xuất phát từ nguyên nhân chính là rào cản từ chính sách, cũng  như giá mua nhà vẫn còn khá cao so với chi phí thuê nhà, nên hầu hết các tổ chức nước ngoài vẫn chuộng hình thức thuê.

 Cơ hội ấm lại phân khúc cao cấp ảnh 1

Mở rộng chính sách cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ giúp giải quyết tốt bài toán tồn kho bất động sản cao cấp - Ảnh: Lê Toàn

 

Để gỡ nút thắt chính sách, Bộ Xây dựng mới đây đã đưa ra những đề xuất theo hướng thông thoáng hơn cho đối tượng là người nước ngoài, Việt kiều được mua nhà và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Một số thay đổi đáng chú ý như thay vì người nước ngoài chỉ được mua căn hộ chung cư, còn được mua nhà liên kế, biệt thự.

Về tổ chức, ngoài doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản, thêm nhiều đối tượng người nước ngoài có thể mua nhà tại Việt Nam như các quỹ đầu tư nước ngoài, ngân hàng nước ngoài, các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (trừ các tổ chức ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ).

Về cá nhân, đề nghị cho phép tất cả đối tượng được cấp visa vào Việt Nam từ 3 tháng trở lên được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (trừ những người đang làm việc ở các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ).

Ngoài ra, người nước ngoài cũng được bán, tặng, cho nhà ở thuộc sở hữu của mình sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở. Trường hợp bán nhà ở trước thời hạn 12 tháng phải nộp thuế thu nhập gấp 2 lần so với mức thuế thu nhập phải nộp theo quy định hiện hành.

Về số lượng sản phẩm, Bộ đề xuất đưa ra 2 phương án là có thể được mua và sở hữu nhà ở không hạn chế về số lượng, hoặc chỉ được mua, sở hữu không quá 2 căn hộ, nhà ở riêng lẻ.

 

Hướng mở cho hàng tồn kho

Theo các chuyên gia bất động sản, việc mở rộng chính sách cho người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam như đề xuất của Bộ Xây dựng nếu được thông qua chắc chắn sẽ kích thích thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc cao cấp.

Ông Phùng Chu Cường, Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Phú Long cho rằng, nhu cầu mua nhà ở của người nước ngoài làm ăn và sinh sống tại Việt Nam và Việt kiều hiện nay là rất lớn. Mặt khác, hiện tại các doanh nghiệp bất động sản trong nước có nhiều dự án đáp ứng đủ điều kiện của các chuyên gia nước ngoài đang dư cung, trong đó, có nhiều dự án trước đó từng có nhiều khách hàng tìm thuê mua là các chuyên gia người nước ngoài, Việt kiều, nhưng họ rất khó tiếp cận vì rào cản chính sách. Vì vậy, đề xuất lần này của Bộ Xây dựng có khả năng mang lại một luồng gió mới, làm ấm lại thị trường bất động sản, nhất là phân khúc cao cấp.

Còn theo ông Huỳnh Anh Dũng, giảng viên cao cấp Hội đồng chuyên gia bất động sản Hoa Kỳ, hàng tồn kho đang là vấn nạn của thị trường bất động sản Việt Nam. Nếu thời gian tới, chính sách thu hút dòng vốn người nước ngoài, kiều bào cởi mở hơn, sẽ góp phần giải quyết được hàng tồn kho, bởi nhu cầu mua nhà của các đối tượng này khá lớn, nhất là Việt kiều.

“Chỉ tính cộng động người Việt đang sinh sống tại nước ngoài cũng đã có khoảng 5 triệu người, trải rộng trên 100 quốc gia khắp thế giới. Nếu tính theo độ tuổi các thế hệ kiều bào đang sinh sống tại nước ngoài, thì thế hệ F2 có độ tuổi từ 48 - 65 chiếm khoảng 38%. Đây là độ tuổi mà kiều bào đã định cư lâu năm, ổn định về tài chính, con cái đã trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định. Với độ tuổi này, một số lượng không nhỏ kiều bào đều mong muốn được “lá rụng về cội”, trở về quê hương sau bao nhiêu năm bôn ba, tần tảo, làm lụng. Chính đối tượng này sẽ giải quyết rất hiệu quả câu chuyện hàng tồn kho của thị trường hiện nay”, ông Dũng đánh giá.

Tăng Triển
Tăng Triển

Tin cùng chuyên mục