Có hay không tình trạng đảo nợ tràn lan?

(ĐTCK) Trong khi Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa lên tiếng có hay không việc đảo nợ trong gói hỗ trợ lãi suất (HTLS) thì các chuyên gia kinh tế khẳng định chắc chắn có hiện tượng đảo nợ, thậm chí tỷ lệ đảo nợ khá lớn trong tổng số 218.424 tỷ đồng HTLS đã được các ngân hàng giải ngân tính đến cuối tuần qua.
Số tiền hỗ trợ lãi suất giải ngân đến thời điểm này đã lên đến 220.000 tỷ đồng. Số tiền hỗ trợ lãi suất giải ngân đến thời điểm này đã lên đến 220.000 tỷ đồng.

Theo TS. Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển, những người làm chính sách không biết có hiện tượng đảo nợ hay không do "họ chưa bao giờ là người đi vay cũng như người cho vay". Nếu đứng ở cương vị người cho vay hoặc người đi vay thì gói HTLS 17.000 tỷ đồng là cơ hội "trời cho" để cơ cấu lại các khoản nợ cũ đã vay với lãi suất cao trước đây. Ông Quang A khẳng định, tỷ lệ đảo nợ không dưới 70% số dư nợ HTLS đã cho vay.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Vũ Thành Tự Anh, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cũng thẳng thắn nhìn nhận, tỷ lệ đảo nợ trong gói HTLS có thể nói là rất lớn. "Số tiền HTLS giải ngân đến thời điểm này đã lên đến 220.000 tỷ đồng, cộng với các khoản vay không HTLS thì tổng dư nợ vào khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Nếu tất cả các khoản vay này đều đi vào sản xuất - kinh doanh thì tổng dư nợ phải tăng 16%, nhưng trên thực tế dư nợ chỉ tăng 2%. Vậy, số dư nợ 14% còn lại đi đâu, nếu không phải là quay trở lại ngân hàng?", ông Tự Anh đặt câu hỏi. Cũng theo chuyên gia kinh tế này, việc ngân hàng và DN "bắt tay nhau" để "cơ cấu lại nợ cũ" không thể trách được họ. "Chỉ có điều, khi Chính phủ sử dụng 1 tỷ USD với mong muốn kích cầu tín dụng để chống suy giảm kinh tế, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tiêu dùng và xuất khẩu mà không kích được cầu, hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn hết sức khó khăn, số lượng lao động mất việc tiếp tục gia tăng… thì cần phải xem lại hiệu quả của gói kích cầu này", ông Tự Anh nói.

Một trong những mục tiêu lớn nhất mà gói kích cầu hướng tới là hỗ trợ trực tiếp DN để giảm số lao động bị sa thải. Hiện số liệu của cơ quan quản lý nhà nước về lao động là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) và số liệu của các nhà kinh tế có độ "lệch pha" rất  lớn. Theo số liệu được công bố chính thức của Bộ LĐTB&XH thì số lao động bị mất việc do suy giảm kinh tế năm 2008 và cả năm 2009 chỉ vào khoảng 400.000 người. Nhưng chính một cơ quan trực thuộc Bộ LĐTB&XH là Viện Khoa học lao động và xã hội lại khẳng định, nếu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 đạt khoảng 5 - 6% thì số lao động bị mất việc lên đến 494.000 người. "Số liệu của Viện Khoa học lao động và xã hội chưa đáng tin cậy, số liệu ‘chính thức’ lại càng không đáng tin cậy", nhiều chuyên gia kinh tế nói.

Cũng có tiếng nói "đồng thuận" với các chuyên gia kinh tế về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, số liệu trên không chính xác là do các cơ quan nhà nước chỉ thống kê được số lao động làm việc trong khu vực chính thức, không thống kê được số lao động làm việc ở khu vực phi chính thức như lao động làm việc tại các làng nghề và DN "siêu nhỏ". Ngoài ra, nhiều DN nhỏ đóng cửa, sa thải lao động nhưng không báo cáo nên số liệu về lao động bị mất việc không chính xác.

"Nếu muốn biết hiệu quả của gói kích cầu hãy nhìn vào số lao động bị mất việc. Muốn biết mức độ người lao động mất việc ở tình trạng nào, không cần nhìn vào con số báo cáo hay dự báo mà nhìn vào bãi gửi xe tại các DN", ông Tự Anh nói và cho biết, ông đã đi khảo sát 3 khu công nghiệp tại Hà Nội, TP. HCM và Đồng Nai thì thấy số mất việc không thực sự lớn, nhưng bãi gửi xe tại những nơi này trống từ 30 - 50% do ngoài cắt giảm lao động, nhiều DN cho người lao động tạm thời nghỉ việc hưởng 70% lương cơ bản, giảm số ngày làm việc trong tuần, giảm ca làm việc trong ngày.

Theo ông Tự Anh, HTLS là chính sách hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, nhưng nếu tỷ lệ đảo nợ quá lớn rất nguy hiểm, bởi trên thực tế, những DN này đáng lẽ đã bị giải thể, phá sản, khi được HTLS, thực hiện đảo nợ cũng chỉ giúp họ tồn tại lay lắt một thời gian và sẽ trở thành gánh nặng của nền kinh tế.

"Trong cuộc khủng hoảng này, chúng ta phải chấp nhận loại bỏ những DN, dự án yếu kém ra khỏi thị trường thông qua giải thể, phá sản. Rất sai lầm nếu tiếp tục nâng đỡ để các DN này thoi thóp thêm một thời gian nữa. Hiện có tình trạng níu kéo những DN đáng bị giải thể, phá sản thông qua gói HTLS (bằng cách ngấm ngầm cho đảo nợ)", TS. Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết.

Theo ông Ân, tình trạng đảo nợ không phải là hiện tượng mà đã xảy ra phổ biến; không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã xảy ra từ rất lâu. "HTLS không phải là giải pháp mới, bởi trước đây Luật Khuyến khích đầu tư trong nước thực hiện nhiều ưu đãi cho DN từ vốn, mặt bằng, thuế… cũng không loại bỏ được hiện tượng lợi dụng chính sách", ông Ân nói. Vẫn theo chuyên gia kinh tế này, ở góc độ nào đó, những DN tạm thời khó khăn do trước đây phải vay vốn với lãi suất cao thì cho đảo nợ cũng là cần thiết bởi biện pháp này giúp cả ngân hàng lẫn DN lành mạnh hoá được tình hình tài chính, vượt qua khó khăn do suy giảm kinh tế, nhưng nếu đảo nợ tràn lan, đảo nợ cho cả những DN "đáng phải chết" thì cần phải xem xét lại.

Mạnh Bôn
Mạnh Bôn

Tin cùng chuyên mục