Có gì ở KPF mà VC3 muốn thâu tóm? (kỳ cuối): Nước cờ hoàn hảo của ông chủ Cam Lâm

(ĐTCK) Từ một cổ phiếu èo uột không mấy người quan tâm, cổ phiếu KPF (sàn HOSE) của CTCP Đầu tư tài chính Hoàng Minh (tên gọi cũ là CTCP Tư vấn dự án Quốc tế KPF) bất ngờ lột xác với sự xuất hiện của Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm. Hiện nay, KPF đang là mục tiêu thâu tóm của CTCP Xây dựng số 3 - Vinaconex 3 (VC3 - sàn HNX).
Phối cảnh Dự án Prime - Prime Resorts and Hotels do Cam Lâm làm chủ đầu tư

Gập ghềnh

Thành lập năm 2009 với vốn điều lệ ban đầu là 5 tỷ đồng, KPF hoạt động trong lĩnh vực cung ứng vật liệu xây dựng, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, công nghiệp, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Năm 2010, KPF quyết định chuyển từ lĩnh vực tư vấn sang cung ứng vật liệu xây dựng. Để có nguồn vốn tài trợ cho hoạt động kinh doanh mới, cuối năm 2011, KPF tăng vốn từ 5 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng.

Từ năm 2012 đến nay, KPF hoạt động trên 3 lĩnh vực: (I) khai thác cát sông Hồng phục vụ công trình san lấp hạ tầng, liên kết xuất khẩu cát nước mặn, kinh doanh thương mại ngành hàng vật liệu xây dựng; (II) phát triển dự án nông nghiệp công nghệ cao, xuất nhập khẩu nông sản; (III) góp vốn đầu tư dự án bất động sản.

Đầu năm 2016, KPF quyết định niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE), nhưng quá trình tăng vốn trước khi lên sàn của doanh nghiệp này gây chú ý và thắc mắc cho nhiều nhà đầu tư. Theo đó, năm 2015, KPF thực hiện tăng vốn lên 156 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để cấn trừ các khoản công nợ liên quan đến 3 cổ đông sáng lập, phát sinh từ năm 2014. Tuy nhiên, sự khó hiểu ở việc, các khoản công nợ này không được thuyết minh rõ ràng.

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh chỉ “đẹp” trong 2 năm trước khi lên niêm yết, sau đó sụt giảm mạnh khiến cổ phiếu KPF lao dốc. Cụ thể, năm 2016 - năm đầu tiên lên sàn, dù tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 14%, nhưng lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của KPF lại giảm tới gần 31%, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm tới 43,1% và lợi nhuận sau thuế giảm 43,7%, xuống còn 9,19 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý, cùng với việc sụt giảm lợi nhuận, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của KPF cũng chuyển từ dương năm 2015 sang âm năm 2016 khi các khoản phải thu gia tăng mạnh. Trong khi đó, việc chi đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác tiếp tục làm lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm mạnh hơn.

Tình hình hoạt động của KPF tiếp tục ảm đạm trong 3 quý đầu của năm 2017, khi tính đến hết quý III/2017, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm tới 64,7% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ còn vỏn vẹn 2,97 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cũng chỉ còn 427,1 triệu đồng, giảm tới 93,86% so với cùng năm trước và lợi nhuận sau thuế giảm 95%, chỉ còn vỏn vẹn 277,97 triệu đồng.

Lột xác nhờ đại gia

Giữa lúc không biết sẽ đi đâu về đâu khi kết quả kinh doanh thụt lùi, nhà đầu tư KPF như kẻ “chết đuối vớ được cọc” khi cổ phiếu KPF bất ngờ tăng phi mã, từ mức giá trên dưới 5.000 đồng, leo thẳng một mạch lên 40.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 1 tháng, từ 22/11/2017 đến 12/1/2018. Hiện nay, cổ phiếu này đã hạ nhiệt và giao dịch ở vùng giá 30.000 đồng/cổ phiếu.

Trong lúc thị trường chưa kịp hiểu điều gì đang diễn ra, thì xuất hiện thông tin KPF thay một loạt dàn lãnh đạo. Cụ thể, các cổ đông sáng lập như ông Đoàn Minh Tuấn, ông Nguyễn Thế Anh, bà Nguyễn Thanh Hoa và người có liên quan đều đã rút lui, thay vào đó là các cổ đông mới là ông Kiều Xuân Nam, ông Vũ Đức Toàn, ông Nguyễn Hoài Anh, bên cạnh một cổ đông lớn khác cũng mạnh tay thâu tóm và gia tăng tỷ lệ sở hữu như ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, ông Đặng Quang Thái, bà Lại Thanh Huyền.

Cùng với việc thay thế hàng loạt cổ đông cũ, KPF cũng tiến hành thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết làm ăn không hiệu quả như Phú Gia Hà Nam, Tam Hà và Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị Phú Gia. Trong khi đó, KPF tiến hành mua và nắm giữ cổ phần chi phối tại Công ty TNHH Cam Lâm.

Việc biến Cam Lâm thành công ty con đã giúp lợi nhuận của KPF có sự cải thiện đáng kể. Cụ thể, quý IV/2017, doanh thu của KPF đạt 44 tỷ đồng, tăng 40% so với quý trước và lớn hơn nhiều so với 2 quý đầu năm. Lợi nhuận sau thuế đạt tới 16,24 tỷ đồng, gấp hơn 70 lần 3 quý đầu năm cộng lại và tăng 293% so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế cả năm 2017, dù doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh giảm so với năm 2016, nhưng lợi nhuận thuần lại tăng mạnh gần 69,5%, lên hơn 20,78 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cả năm 2017 tăng 70,77% so với năm 2016, lên 16,48 tỷ đồng.

Bước sang quý I/2018, việc hạch toán doanh thu từ Dự án Prime - Prime Resorts and Hotels tại Khánh Hòa do Cam Lâm làm chủ đầu tư tiếp tục giúp hoạt động kinh doanh của KPF khởi sắc. Cụ thể, trong quý đầu năm 2018, tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh của KPF đạt hơn 231,56 tỷ đồng, tăng 426% so với quý liền kề và tăng tăng 17,9 lần so với cùng kỳ 2017. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế quý I/2018 tăng lên 18,48 tỷ đồng, tăng gấp 157 lần so với con số vỏn vẹn chỉ 109 triệu đồng của cùng kỳ năm trước.

Trong quá trình tái cơ cấu KPF, một thông tin được nhiều nhà đầu tư và cổ đông của KPF, cũng như VC3 quan tâm là VC3 đã chính thức xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về quyết định nhận chuyển nhượng để nắm giữ trên 51% vốn điều lệ KPF.

Số cổ phiếu dự kiến mua là hơn 8,75 triệu cổ phiếu, giá mua theo kết quả định giá phù hợp với biên độ dao động tại ngày giao dịch. Tổng giá trị dự kiến mua không quá 35% tổng giá trị tài sản ghi trong báo cáo kiểm toán 2017 của VC3, tức không quá 262 tỷ đồng. Phương thức giao dịch là thỏa thuận hoặc khớp lệnh với cổ đông nội bộ và các nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu KPF.

Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bằng văn bản của KPF cũng đã chấp thuận cho VC3 mua cổ phiếu của cổ đông hiện hứu KPF để sở hữu đến 51% vốn điều lệ Công ty.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, danh sách cổ đông nội bộ sẽ chuyển nhượng số cổ phiếu KPF cho VC3 cũng vừa được hé lộ và không ai khác, chính là các lãnh đạo của KPF khi 4 lãnh đạo chủ chốt của KPF đăng ký bán hết số lượng cổ phiếu KPF đang nắm giữ.

Cụ thể, ông Vũ Đức Toàn, thành viên HĐQT KPF bán 3,25 triệu cổ phiếu (18,94%), ông Đặng Quang Thái, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc bán 2 triệu cổ phiếu (11,66%), ông Nguyễn Hoài Anh, thành viên HĐQT bán 2,25 triệu cổ phiếu (13,11%) và ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, thành viên HĐQT bán 2,25 triệu cổ phiếu (13,11%). Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh và Nguyễn Hoài Anh vừa được bầu vào HĐQT KPF từ tháng 1/2018.

Theo chia sẻ của đại diện VC3, xuất phát từ nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động và cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, VC3 muốn nhận chuyển nhượng KPF để sở hữu đến 51% vốn mà không phải chào mua công khai.

Tương tự, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Đặng Quang Thái, Tổng giám đốc KPF cho biết, với ưu thế là một doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây lắp và cũng từng làm chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản trên địa bàn, việc VC3 nắm giữ quyền chi phối KPF sẽ góp phần không nhỏ cho việc triển khai Dự án Prime - Prime Resorts and Hotels, cũng như mang lại kết quả kinh doanh triển vọng cho KPF trong tương lai.

Ngoài việc có sự tham gia hợp lực từ VC3, được biết, Dự án Prime - Prime Resorts and Hotels cũng đã có sự vào cuộc của Swiss-belhotel International limited, chuỗi quản lý khách sạn hàng đầu thế giới đến từ Thụy Sĩ với các tiêu chuẩn thiết kế cực kỳ nghiêm ngặt, cùng tiện ích tối ưu để cho ra đời tổ hợp căn hộ khách sạn.

Theo đó, tập đoàn này sẽ tham gia quản lý và vận hành khai thác 175 căn biệt thự và khối dịch vụ đầu tiên dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2018, dự kiến mang lại doanh thu lên tới 400 - 500 tỷ đồng/năm, với tỷ lệ sinh lời khoảng 30%. Đồng thời, trong giai đoạn 2 với 900 căn condotel của dự án dự kiến triển khai vào cuối quý III/2018, tập đoàn này cũng sẽ tham gia cố vấn và trực tiếp vận hành sau khi đi vào hoàn thiện 18 tháng sau đó.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trang Ninh
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin cùng chuyên mục