Có gì ở KPF mà VC3 muốn thâu tóm? (Bài 2): Đà tăng phi mã của KPF

(ĐTCK) Sau hơn 1 năm rưỡi kể từ ngày lên sàn lẹt đẹt dưới tham chiếu, giá cổ phiếu KPF của CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (tiền thân là CTCP Tư vấn dự án quốc tế KPF - sàn HOSE) bất ngờ tăng phi mã từ cuối tháng 11/2017, tăng gần 750% chỉ sau chưa đầy 3 tháng.
Dự án Prime - Prime Resorts and Hotels mà Công ty Cam Lâm đang làm chủ đầu tư

Kể cả sau khi đã giảm cùng với xu hướng thị trường, còn mức giá khoảng 32.000 đồng/CP hiện nay, VC3 cũng sẽ phải chi hàng trăm tỷ đồng để nắm giữ được 51% cổ phiếu của KPF. Điều gì khiến VC3 sẵn sàng chi mạnh tay đến vậy?

Trong số trước, Báo Đầu tư Bất động sản đã có bài phản ánh về sự lòng vòng trong việc tăng vốn của KPF trước khi lên sàn. Cũng trong thời điểm trước và sau khi lên sàn, cổ đông sáng lập của KPF đã đồng loạt rút lui và cổ phiếu này cũng liên tục sụt giảm, về mức giá trên dưới 5.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu như trước thời điểm niêm yết, Ban lãnh đạo KPF từng chia sẻ, việc niêm yết chính là bước đệm quan trọng để doanh nghiệp này thăng tiến trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng ngay cuối năm 2016 - năm đầu tiên lên sàn, kết quả kinh doanh của KPF đã thụt lùi đáng kể.

Theo đó, tổng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ dù tăng 14% (tương đương tăng hơn 20 tỷ đồng), nhưng lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ lại giảm tới gần 31% (tương đương giảm 7,5 tỷ đồng).

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm tới 43,1% (tương đương gần 8,9 tỷ đồng), xuống còn 11,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 43,7% (tương đương giảm 7,15 tỷ đồng) xuống còn 9,19 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý, cùng với việc sụt giảm lợi nhuận, trong năm 2016, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của KPF cũng chuyển từ dương sang âm khi gia tăng mạnh các khoản phải thu. Trong khi đó, việc chi đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác tiếp tục làm lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư tiếp tục âm mạnh hơn.

Tình hình hoạt động tiếp tục ảm đảm trong 3 quý đầu tiên của năm 2017, khi tính đến hết quý III/2017, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm tới 64,7% xuống so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ còn vỏn vẹn 2,97 tỷ đồng.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn 427,1 triệu đồng, giảm tới 93,86% so với cùng năm trước và lợi nhuận sau thuế cũng giảm 95%, chỉ còn vỏn vẹn 277,97 triệu đồng.

Tình hình kinh doanh của KPF chỉ bắt đầu cải thiện kể từ quý IV/2017 khi Công ty bán cổ phần và thanh lý một số khoản đầu tư tài chính trước đây tại Phú Gia Hà Nam, Tam Hà và Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Phú Gia.

Nhờ đó, mặc dù doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh giảm so với năm 2016, nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh lại tăng mạnh gần 69,5%, lên hơn 20,78 tỷ đồng. Qua đó, kéo lợi nhuận sau thuế của cả năm 2017 lên mức 16,48 tỷ đồng, tăng 70,77% so với cuối năm 2016.

Đặc biệt, dù lợi nhuận sau thuế năm 2017 tăng mạnh so với năm 2016 nhưng lại thấp hơn đáng kể so với năm 2015 và EPS cũng chỉ ở mức 953 đồng/cổ phiếu, thấp hơn mức 1.047 đồng/cổ phiếu của năm 2015, nhưng giá cổ phiếu KPF lại có mức tăng phi mã.

Cụ thể, bắt đầu tư ngày 21/11/2017 khi KPF thông báo chuyển nhượng Phú Gia Hà Nam cho Tập đoàn Bắc Đô thì ngay ngày hôm sau (22/11/2017), giá cổ phiếu KPF cũng bắt đầu tăng dựng đứng, từ mức 5.320 đồng/cổ phiếu lên tới mức cao nhất 45.000 đồng trong phiên 12/1/2018, tương đương mức tăng gần 746%.

Cần nói thêm, giai đoạn thoái vốn khỏi các khoản đầu tư tài chính, tạo được dòng tiền kinh doanh nổi bật trong quý IV/2017 và đợt tăng phi mã của cổ phiếu gắn liền với việc thay đổi mạnh về cơ cấu cổ đông nắm giữ của KPF.

Cụ thể, các cổ đông sáng lập như ông Đoàn Minh Tuấn, bà ông Nguyễn Thế Anh, bà Nguyễn Thanh Hoa và người có liên quan, đều đã rút lui, thay vào đó là các cổ đông mới như ông Kiều Xuân Nam, ông Vũ Đức Toàn, ông Nguyễn Hoài Anh, bên cạnh một cổ đông lớn khác cũng mạnh tay thâu tóm và gia tăng tỷ lệ sở hữu như ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, ông Đặng Quang Thái, bà Lại Thanh Huyền.

Cũng cần nói thêm, liên quan đến ông Kiều Xuân Nam, ông Vũ Đức Toàn và ông Đặng Quang Thái, đây là 3 người có liên quan đến một khoản đầu tư mới trong thời điểm quý IV/2017 của KPF là Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm.

Theo đó, ngày 6/12/2017, chỉ ít ngày sau khi các cá nhân này chính thức trở thành cổ đông lớn của KPF, doanh nghiệp này đã nhận chuyển nhượng 45% vốn điều lệ Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm từ chính ông Vũ Đức Toàn và ông Kiều Xuân Nam với giá vốn ghi nhận 67,5 tỷ đồng (tương đương 10.000 đồng/cổ phần).

Nếu so với giá vốn mà các cổ đông này bỏ ra để gom cổ phiếu KPF trước ngày 6/12/2017 (khoảng 32 - 56 tỷ đồng, tương đương mức giá 5.000 - 9.000 đồng/cổ phiếu - ông Kiều Xuân Nam nắm giữ gần 3 triệu cổ phiếu KPF và ông Vũ Đức Toàn nắm giữ khoảng 3,25 triệu cổ phiếu), 2 cá nhân này thu về hàng chục tỷ đồng trong khi thành cổ đông lớn nhất KPF và vẫn nắm quyền chi phối Cam Lâm thông qua cả lượng nắm giữ trực tiếp còn lại (55%) và gián tiếp qua KPF.

Ngoài ra, một thông tin cũng khá đáng lưu ý là ông Đặng Quang Thái, người được bổ nhiệm là Tổng giám đốc KPF vào cuối năm 2017 chính là 1 trong 3 cổ đông sáng lập nên Cam Lâm từ năm 2014 (sau đó tiến hành thoái vốn).

Trở lại câu chuyện thâu tóm của VC3, ngày 22/5, Công ty đã chốt danh sách cổ đông để xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc nhận chuyển nhượng cổ phiếu để sở hữu đến 51% cổ phần KPF. Thời gian thực hiện dự kiến trong tháng 6/2018.

Ở chiều ngược lại, KPF cũng chốt danh sách cổ đông vào ngày 25/5 để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản chấp thuận VC3 mua cổ phiếu để sở hữu đến 51% tổng số cổ phiếu đang lưu hành mà không phải chào mua công khai.

Sau khi lập đỉnh 45.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 12/1/2018, cổ phiếu KPF đã hạ nhiệt, nhưng hiện vẫn đang dao động trên 30.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, VC3 dự kiến sẽ sẽ phải chi tối thiểu khoảng 260 tỷ đồng để thâu tóm KPF.

Theo danh sách cổ đông lớn của KPF hiện nay, 3 cổ đông lớn nhất của KPF là ông Vũ Đức Toàn nắm giữ 3,25 triệu cổ phiếu, tương đương 18,94% vốn điều lệ, ông Kiều Xuân Nam cũng đang sở hữu 3,25 triệu cổ phiếu KPF, tương đương 18,94% vốn điều lệ và cổ đông Nguyễn Ngọc Quỳnh sở hữu 2,25 triệu cổ phiếu, tương đương 13,11% vốn điều lệ. Riêng 3 cổ đông này đã sở hữu 50,99% vốn điều lệ của KPF, tương đương với mức mà VC3 muốn nắm giữ.

Được biết, tại ĐHCĐ thường niên của VC3 diễn ra cách đây không lâu, ông Vũ Đức Toàn đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT Công ty, trong khi đó, ông Kiều Xuân Nam cũng đã được bầu làm Tổng giám đốc của VC3 từ ngày 5/4/2018.

Theo Báo cáo tài chính quý I/2018 của VC3, hiện Công ty có khoảng 138,15 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền - thấp hơn nhiều khoản tài chính dự kiến bỏ ra để mua KPF.

Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm hiện tại đang là chủ đầu tư Dự án Swiss-Belresort Nha Trang (hay Prime - Prime Resorts and Hotels) tại lô đất D14C thuộc Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Khu du lịch sinh thái Prime - Prime Resorts and Hotels trước đây có tên là Cactus Cam Ranh Resort & Spa do liên doanh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện miền Trung và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Vân Phong hợp tác đầu tư xây dựng.

Dự án có tổng diện tích 31 ha, có tổng giá trị đầu tư khoảng 2.100 tỷ đồng, gồm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 triển khai 171 căn biệt thự, nhà hàng, bể bơi, hạ tầng kỹ thuật có giá trị đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2 triển khai khối condotel với giá trị đầu tư khoảng 1.100 tỷ đồng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Ninh Việt
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin cùng chuyên mục