Cổ đông...dự khuyết

(ĐTCK-online) Hôm trước, vợ chồng thằng cháu đến nhà mời cưới. Chuyện vốn chẳng có gì đáng nói. Trai lớn dựng vợ, gái lớn lấy chồng. Cữ cuối Đông, mưa phùn gió bấc tê tái thế này, người ta càng có nhu cầu về một tổ ấm. Nhưng hai đứa này thì có chút khác người.
(Ảnh minh họa: Internet) (Ảnh minh họa: Internet)

 Chẳng biết Tây học hay sống gấp nhưng ở với nhau đã 4 - 5 năm, con đẻ ra đã nói láo thành thần, thế mà chẳng cưới hỏi, trầu cau gì cả. Bố mẹ hai bên hết giận dỗi, gây sức ép đến dọa dẫm từ mặt mà chúng vẫn nhơn nhơn: “Các cụ cổ hủ, yêu nhau mới quan trọng, chứ còn dăm chục mâm cỗ với cái giấy đóng mộc của ủy ban phường thì nghĩa lý gì”.

Thấy bảo, ông anh, bà chị mình phải đến tận nhà chúng năn nỉ: trăm sự nhờ anh chị giúp cho. Đi ăn cưới nhà khác nhiều quá rồi, giờ chúng mày cũng phải cho bố mẹ trả nợ miệng chứ...

Kể đến đấy, thằng cháu cười khà khà bảo, chú có thấy các cụ nhà cháu bôn thành bệnh rồi không. Bây giờ ai tính đi ăn cưới, người ta đi mừng cưới chứ. Lệ cũ khó bỏ, cưới xin là ngày vui mà nhân vật chính mệt như tra tấn. Riêng cái chuyện gửi thiếp mời thế này, bọn cháu mất gần cả tuần thì còn làm ăn gì!

Đã hứa chắc như đinh đóng cột rằng, cuối năm dù bận bịu nhưng sẽ đến xem đám cưới cả trâu cả nghé nó thế nào, thế mà trước khi ra về, ông cháu vẫn gãi đầu, gãi tai: trước hôm cưới 3 ngày, nếu chú đến được thì điện thoại để cháu còn... biết đường đặt cỗ!

Úi giời ơi, còn hiện đại thế cơ à. Tôi bây giờ có tuổi, ăn một miếng là no cả ngày, cứ bớt cái suất ấy đi cho nhẹ gánh anh chị...

Thằng cháu về rồi mà cứ tẩn mẩn nghĩ mãi. Dẫu thông cảm rằng, mấy đứa này đặt tiệc ở khách sạn năm sao, mỗi bàn dăm bảy triệu bạc, không tính toán kỹ là lỗ to. Nhưng mời là việc của chủ, đến là việc của khách chứ nhỉ? Mình người nhà dễ thông cảm, chứ cứ hình dung ra cảnh mời xong rồi dặn, ông có đến không để tôi còn gạch sổ, xem ra nó cứ sường sượng...

Vừa rồi lại có chuyện dẫu chẳng phải cưới xin nhưng cũng dính dáng đến mời mọc. Nguyên là có người kể rằng, đến dự ĐHCĐ của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (VEC). Mới mon men đến cổng thì được người có trách nhiệm bảo rằng, nếu không đăng ký trước thì miễn dự họp, nếu họp thì miễn phát biểu, miễn biểu quyết. Mà còn nữa, không phải cứ đăng ký là xong, vị nào dắt túi dưới 5.000 cổ phần thì đừng xớ rớ đến cửa hội trường...

Từ xưa mình đã biết, ông bà chủ cũng có dăm bảy loại. Có loại được trọng vọng xe đưa, xe đón, đến đại hội cũng ngồi hàng đầu. Lại có loại khăn gói quả mướp, đến chậm là đứng ngoài. Chuyện này thì cũng chỉ biết trách cái lẽ đời. Xưa nay, “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” mà. Nhưng bây giờ có cả chuyện chỉ nghe không nói thì đúng là cám cảnh. Phen này, thị trường nhà mình lại có thêm khái niệm mới, nhưng nên là “cổ đông một nửa” hay “cổ đông... dự khuyết” đây?

Ngẫm ra, cái việc tổ chức ngày đại hội cũng là show diễn của lãnh đạo DN với chốn ba quân. Người ta thường bảo, ở chốn ấy “quan trên trông xuống người ta trông vào”. Chịu vài điều thắc mắc cũng là chuyện bình thường. Cái đạo của người quân tử, cổ nhân đã dạy rằng, “khóc trước người, cười sau người”, thế nên dẫu chịu nhiều điều tiếng cũng là sự bình thường. Nhưng xưa nay, không có lửa làm sao có khói, “mưu hay, chước lạ” của những đầy tớ trong các kỳ ĐHCĐ có kể cả ngày cũng chẳng hết.

Mỗi năm, DN nhà mình lại có nhiều bài mới. Năm ngoái, nhiều DN bồng bế lên non tổ chức đại hội. Chắc vì làm ăn khó khăn quá, càng ít người họp, càng đỡ phải giải trình. Nhà đầu tư nào mà có lòng với TTCK thì bám tàu bám xe, không chỉ “lên Tây Bắc” mà còn “hành phương Nam”, xuôi miền Trung” dự đại hội. Một vài DN còn có “nghệ thuật bịt miệng” rất... vui. Khai mạc đại hội xong, ban lãnh đạo cử một ông (chắc là sức tốt, giọng khỏe) lên đọc liền tù tì từ báo cáo tài chính, phương hướng nhiệm vụ cho đến cam kết thi đua. Đến khi ông này giở sang trang cuối thì trời cũng vừa đứng bóng. Chính ngọ rồi, ông bà chủ nào chẳng muốn nhanh nhanh chóng chóng mà ừ ừ gật gật, rồi chuồn!

Lại nói đến chuyện cưới xin. Hôm rồi có đọc bài báo về đời sống công nhân ở các khu công nghiệp phía Nam. Đến mùa cưới, nhiều cặp chóng mặt vì lo tiền nong cho chuyện hậu cần. Cày đào quần quật cả tháng mới được 1 - 2 triệu bạc, giữa thời bão giá thế này thì đủ vặt mũi đút miệng là may. Thế nên, “có yêu nhau mình về (chung) nhà trọ”, chịu tiếng sống thử... Còn thằng cháu mình là chủ DN, dăm bảy chục triệu tiền cưới với nó chắc chỉ là chuyện vặt mà còn sợ ế cỗ, thì chuyện các DN lo chuyện khách thiếu, khách thừa cũng không lạ. Và kể ra thì những chuyện ì xèo ĐHCĐ cũng là chuyện đến hẹn lại lên. Năm ngoái, ở một đại hội có vị cổ đông, nghe đâu lỗ quá, bán sạch rồi chỉ để lại đúng một lô cổ phiếu để đến dự đại hội làm anh Chí Phèo phá bĩnh cơ mà... mà kể ra thì mỗi cặp vợ chồng cùng lắm cũng chỉ có dăm ba cặp bố mẹ. Đằng này DN có cả ngàn vạn ông bà chủ... Dẫu biết là khó chiều nhưng cái kiểu có đến dự phải báo trước để... “tôi còn đặt bàn” thì cái văn hóa DN trong mắt cổ đông nó cũng vơi đi đôi phần thật.

Nhớ lại ngày bé mê truyện Trạng Quỳnh. Có giai thoại Chúa bị Trạng chơi khăm nhiều quá liền lệnh cho lính đến bậy ra nhà Quỳnh. Quỳnh cầm dao ra bảo lính: Chúa sai các anh đến bậy giữa nhà ta thì cứ việc. Nhưng… lạc chớ kèm bia, anh nào lơ mơ mà nhỡ ra là ta cắt. Lính nghe thấy sợ quá xách quần chạy thẳng... He he..., sợ là phải, đố anh nào làm được đấy. Thế nên, nghĩ cũng thông cảm cho các ông bà chủ nhà bác DN kia. Làm cổ đông… dự khuyết nó cứ tức anh ách như phải nhịn... ấy nhỉ!!!

Phí Trọng Hiếu
Phí Trọng Hiếu

Tin cùng chuyên mục