Cổ đông VIP bán cổ phiếu khi thị trường đi xuống: Lợi một người, thiệt hàng nghìn người

(ĐTCK-online) Một trong những nguyên nhân chính khiến giá CP FPT giảm mạnh, gây thiệt hại cho rất nhiều nhà đầu tư cá nhân là thị trường phải tiếp nhận một lượng cung FPT lớn từ nhà đầu tư chiến lược và thành viên Ban lãnh đạo Công ty. Không riêng FPT, cổ đông VIP tại một số DN khác (Tân Tạo, PPG…) vẫn bình thản công bố bán lượng lớn CP trong khi xu hướng chung của cả thị trường là đi xuống.
Ông Đặng Quang Gia. Ông Đặng Quang Gia.

Ông Đặng Quang Gia, chuyên gia chứng khoán, Giảng viên Trường đại học Ngân hàng cho rằng, đây là hành động có thể có lý, nhưng không có tình của các cổ đông này.

Theo thông lệ ở thị trường nước ngoài, các cổ đông lớn trong công ty có được quyền bán khối lượng lớn cổ phiếu khi giá cổ phiếu đang giảm không, thưa ông?

Về lý, việc cổ đông chiến lược, thành viên HĐQT bán cổ phiếu là không sai, nhưng việc họ bán ra một khối lượng lớn vào đúng thời điểm giá cổ phiếu đang xuống là hành động không có tình. Những cổ đông này giữ một khối lượng cổ phiếu lớn, giá rẻ, họ bán không bao giờ lỗ, nhưng hành động bán của họ có tác động cộng hưởng làm giá cổ phiếu giảm mạnh, gây thiệt hại cho hàng ngàn nhà đầu tư cá nhân. Không hợp tình ở chỗ, cổ đông VIP phải nhớ rằng, nhờ những nhà đầu tư cá nhân mua khối lượng lớn mà giá cổ phiếu công ty tăng lên, công ty trở nên nổi tiếng. Như trường hợp FPT, việc bán cổ phiếu của các cổ đông lớn, bán vội bán gấp như vậy (đưa khối lượng bán có ngày tới 1 triệu cổ phiếu) đã gây tâm lý bất ổn cho thị trường. Rốt cuộc, chỉ một người bán được lợi còn những nhà đầu tư bên ngoài mua giá cao hơn bị thua thiệt. Ở nước ngoài, mặc dù luật pháp cho bán, nhưng nếu thị trường đang xuống thì các cổ đông lớn sẽ ngưng bán. Ở Mỹ bất cứ hành động nào của ban giám đốc, HĐQT làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu sẽ bị nhà đầu tư thưa kiện và đa số các vụ kiện này cổ đông bên ngoài đều thắng.

 

Cơ quan quản lý có vai trò gì trong những trường hợp như thế này, thưa ông?

Tôi lấy ví dụ thị trường Mỹ cho phép bán khống, nhưng lại cấm bán khống khi thị trường xuống quá mạnh. Điều này rất có lý, bởi khi một con tàu sắp chìm mà một số người bỏ chạy là chết những người trên tàu, nhất là người bỏ chạy là những người chủ chốt trên tàu, biết rõ về con tàu.

Với thị trường Việt Nam, tôi cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần bảo vệ nhà đầu tư, cần có quy định khi thị trường xuống, lãnh đạo chủ chốt của các DN không được bán làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu đó nói riêng, ảnh hưởng chung đến tâm lý toàn thị trường. Việc  bán phải đúng thời điểm và phải bán từ từ, không ảnh hưởng đến thị trường.

 

Lãnh đạo Công ty FPT cho biết, việc bán một khối lượng lớn cổ phiếu vì mục đích cá nhân, nhưng thực tế nhiều nhà đầu tư lo ngại FPT đã tăng giá ảo và bây giờ nó đang điều chỉnh về mức giá thật?

Theo thông tin tôi có được, tổ chức đầu tư nước ngoài đánh giá cổ phiếu FPT cũng như một số cổ phiếu blue-chip khác rất tốt. Giá cổ phiếu này rớt do bị chi phối bởi tâm lý, bởi quyết định bán sai thời điểm của thành viên HĐQT nên đó là “những thiên thần gãy cánh”. Vừa qua, có những báo cáo của các tổ chức nước ngoài làm TTCK Việt Nam chao đảo nhưng tôi thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua vào nhiều hơn bán ra, có ngày mua gấp 3 đến 4 lần lượng bán ra. Nói thế để nhà đầu tư Việt Nam đừng quá tin vào các bản báo cáo. Hãy bình tĩnh, ổn định tinh thần. Đây là cơ hội mua vào những cổ phiếu blue-chip giá rẻ và giữ ít nhất 6 tháng đến 1 năm. Tôi tin sẽ có lời.

 

Sau khi giá cổ phiếu sụt giảm, báo chí mới phỏng vấn được lãnh đạo FPT về lý do bán ra, trong khi đáng lẽ Công ty phải làm việc này trước để nhà đầu tư hiểu, không hoang mang, phải không ông?

Đúng là Công ty phải trấn an dư luận trước, nói rõ cho nhà đầu tư biết vì sao bán. Nhìn chung hệ thống PR (quan hệ công chúng) của các công ty đại chúng ở ta quá yếu kém. Công ty chỉ chú ý làm sao có lời, mà chưa quan tâm đến ý kiến cổ đông. Như thế chưa đủ, phải tiếp xúc cổ đông xem nguyện vọng của họ là gì. Ở nước ngoài, khi có tin đồn thất thiệt, công ty phải ra thông báo ngay, hoặc khi cổ đông hỏi về một vấn đề có thể đích thân lãnh đạo cao cấp của công ty trả lời.

Còn ở ta, công ty đối xử với cổ đông giống như đem con bỏ chợ, coi thường cổ đông. Gọi đến công ty hỏi thông tin rất khó khăn, nhiều công ty thường lảng tránh cổ đông. Như vậy, cổ đông sẽ bực mình, mất niềm tin và họ sẽ bán cổ phiếu khi giá xuống. Ngược lại, nếu giao tiếp với cổ đông tốt, tạo được niềm tin, họ sẽ giữ lại cổ phiếu khi thị trường xuống giá.

Đấy là lợi ích mà bộ phận PR mang lại, nhất trong bối cảnh TTCK Việt Nam có quá nhiều nhà đầu tư tự chơi. Họ mua bán quá nhanh, theo cảm tính mà không ai tư vấn nên giữ hay nên bán. Cổ phiếu chưa kịp tăng giá đã bán. Vì thế công tác PR của DN càng cần phải làm một cách chuyên nghiệp, chủ động hơn.

Thành Nam thực hiện.
Thành Nam thực hiện.

Tin cùng chuyên mục