Cụ thể hơn, ông Thọ cho biết, tại ĐHCĐ 2015, 2016 của VietinBank đã thông qua giao dịch sáp nhập PGBank vào VietinBank, trên cơ sở phê duyệt của ĐHCĐ, Ban Lãnh đạo VietinBank đã tích cực, khẩn trương thực hiện giao dịch. Trong quá trình triển khai giao dịch sáp nhập, với mục tiêu đảm bảo tốt nhất lợi ích của VietinBank cũng như của cổ đông, Ngân hàng đã cẩn trọng thực hiện soát xét tài chính và định giá PGBank tại nhiều thời điểm…
“Tuy nhiên, VietinBank và PGBank đều có những quan điểm, lập luận riêng để đảm bảo lợi ích cho ngân hàng và cổ đông của mình dẫn tới hai ngân hàng không thống nhất được phương án sáp nhập cũng như các điều khoản liên quan đến giao dịch”, ông Thọ thông tin.
Được biết, ngày 16/6/2017, PGBank đã có công văn gửi VietinBank chính thức đề xuất dừng thực hiện giao dịch sáp nhập tự nguyện. Trong khi đó, VietinBank cần tập trung nguồn lực cho chiến lược phát triển trong thời gian tới, HĐQT VietinBank trình ĐHCĐ phê duyệt việc chấm dứt giao dịch sáp nhâp PGBank vào VietinBank….
"Nếu hợp nhất với PGBank, VietinBank đã dự kiến sẽ thành lập công ty tài chính tiêu dùng nhưng với tình hình hiện nay, VietinBank đã nghiên cứu các phương thức khác như Fintech mở ra nhiều hướng khai thác thác có hiệu quả", ông Thọ nhấn mạnh.
Trên thực tế, cũng trong sáng nay (21/4), câu chuyện sáp nhập PGBank đã diễn ra ở một nơi khác. Tại ĐHCĐ của HDBank, lãnh đạo ngân hàng này đã trình cổ đông phương án sáp nhập PGBank.
Về hoạt động kinh doanh, trả lời các câu hỏi của cổ đông, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank cho biết, quý 1/2018, hoạt động kinh doanh tiếp tục có những bước phát triển bứt phá, mạnh mẽ. Quý 1/2018 là quý đầu tiên tăng trưởng ngay tháng đầu tiên, quý đầu tiên kể cả về quy mô và kết quả.
Cụ thể, tổng tài sản tăng 1,6% đạt 1,112,000 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng khá cao 3,3%, tương ứng là đạt 868 nghìn tỷ đồng cao hơn bình quân chung toàn ngành, huy động nguồn vốn trên 1 triệu tỷ đồng tiếp tục đà tăng trưởng. Lợi nhuận đạt trên 3.000 tỷ đồng tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017, ROA và ROE là 1,12% và 15,32%.
Trước câu hỏi của cổ đông về chiến lược kinh doanh năm 2018, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, HĐQT Ngân hàng đã xác định trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2018, năm kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển của VietinBank với 5 nhiệm vụ chính: thứ nhất, phát triển hoạt động kinh doanh mạnh mẽ và bền vững; thứ hai, tăng trưởng hiệu quả và kiểm soát chặt chẽ chất lượng tài sản, xử lý toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC trong đầu năm 2018; thứ ba, phát triển sản phẩm dịch vụ hiện đại, đặc biệt là dịch vụ ngân hàng thanh toán; thứ tư, chuẩn hóa toàn diện mọi mặt hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, quản trị rủi ro, phát triển cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa công nghệ thông tin theo chuẩn mực quốc tế; thứ năm, quản trị chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống, tạo nền tảng vững chắc hướng tới mục tiêu là ngân hàng đạt chuẩn khu vực vào năm 2020.
Trả lời cổ đông về vấn đề huy động và cho vay, ông Lê Đức Thọ cho biết, việc tăng trưởng nguồn vốn huy động và tín dụng sẽ được Ban lãnh đạo cân đối giữa sử dụng vốn cho vay và đầu tư để quyết định cho vay và huy động, không dư thừa.
Tín dụng của VietinBank thời điểm hiện tại được NHNN giao là 14%. Huy động từ thị thị trường 1 của Ngân hàng dự kiến sẽ huy động từ 10-14% chưa kể các thị trường khác trong nước và ngoài nước. NIM năm 2017 bình quân khoảng 2,6-2,7. Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và hệ thống, áp lực lên NIM khá mạnh mẽ, Ban lãnh đạo đang cố gắng cải thiện NIM.
“Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hiện tại của Ngân hàng là 10% theo Thông tư 36 của NHNN. Ngân hàng tiếp tục duy trì CAR an toàn, tuân thủ theo đúng quy định của NHNN. Nếu tuân thủ theo Basel 2 là 9% vẫn còn dư địa 1%. Cho dù đến năm 2019 phải áp dụng các tiêu chuẩn theo Basel 2, Ngân hàng đã sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn Basel 2. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng đang trình NHNN kế hoạch phân phối lợi nhuận, sau khi có ý kiến của NHNN về vấn đề này, sẽ báo cáo ĐHCĐ để thông qua”, ông Thọ nói.
Về việc nhà đầu tư nước ngoài có thể có cơ hội đầu tư vào VieitnBank nữa hay không? Đại diện Ngân hàng cho biết, hiện tại Ngân hàng không còn "room" nhưng hiện đang có chủ trương thoái vốn nhà nước.
Theo đó, VietinBank có cơ hội giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 65% và đây là cơ hội cho không chỉ VietinBank mà cả các ngân hàng khác đang có vốn Nhà nước nắm giữ có cơ hội tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư không chỉ trong mà còn cả nước ngoài trong tương lai.
Cũng tại ĐHCĐ, ông Thọ thông tin trước ĐHCĐ về tình hình hoạt động kinh doanh năm 2017 và kế hoạch năm 2018. Cụ thể, kết thúc năm 2017, VietinBank tiếp tục tăng trưởng bứt phá, duy trì vị thế là một trong những NHTM cổ phần dẫn đầu về quy mô tổng tài sản, vốn chủ sở hữu và khả năng sinh lời.
Cụ thể, quy mô tổng tài sản hợp nhất của VietinBank tính đến hết năm 2017 đạt 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2016 và đạt 101,2% kế hoạch ĐHCĐ năm 2017. Lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 9.206 tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động tăng 16,2%; dư nợ tín dụng tăng 18% so với năm 2016; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng được kiểm soát ở mức 1,13%; các chỉ số ROAA và ROAE đạt tương ứng là 0,9% và 12,02%.
Đặc biệt, giá cổ phiếu CTG của VietinBank tăng trưởng mạnh mẽ, với trị giá tăng trưởng hơn 100% trong vòng 1 năm qua.
Ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc trình bày trước ĐHCĐ
Bên cạnh đó, hệ thống mạng lưới của VietinBank không ngừng mở rộng. Tính đến hết năm 2017, VietinBank sở hữu 155 chi nhánh và gần 1.000 phòng giao dịch rộng khắp toàn quốc. VietinBank cũng duy trì Văn phòng Đại diện tại Myanmar, 2 chi nhánh ở Đức, Ngân hàng con cùng hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch tại Lào…
Đây là thành công vượt trội, phản ánh nỗ lực và đoàn kết của Ban Lãnh đạo cùng hơn 23.000 cán bộ, người lao động trong toàn hệ thống.
Những thành tựu và đóng góp của VietinBank đã được các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế ghi nhận và tôn vinh ở nhiều danh hiệu và giải thưởng danh giá.
Bước sang năm 2018, hệ thống VietinBank đang hội tụ sức mạnh to lớn nhất; toàn thể Ban Lãnh đạo và cán bộ, người lao động VietinBank đang quyết tâm cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra: tăng trưởng an toàn, bền vững, hiệu quả với một số chỉ tiêu cơ bản như Tổng tài sản tăng 10 - 12% so với năm 2017; dư nợ tín dụng tăng 14% so với năm 2017; tổng nguồn vốn huy động tăng 10 - 14% so với năm 2017; các tỷ lệ đảm bảo an toàn tuân thủ quy định của NHNN; các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động theo phê duyệt của NHNN và thông qua của ĐHĐCĐ, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
ĐHCĐ đã kết thúc với các tờ trình đều được đa số cổ đông thông qua.