Cổ đông sáng lập không góp đủ số cổ phần đã đăng ký: vấn đề và hệ quả

(ĐTCK-online) CTCP Hương Sơn thành lập năm 2003 với 4 cổ đông sáng lập A, B, C và D, với số vốn điều lệ đăng ký là 80 tỷ đồng được chia thành 80.000 cổ phần (mệnh giá mỗi cổ phần là 1 triệu đồng). Cổ đông A đăng ký góp 50%, tương đương 40.000 cổ phần; cổ đông B đăng ký góp 25%, tức 20.000 cổ phần; cổ đông C góp 15%, tức 12.000 cổ phần; cổ đông D góp 10%, tức 8.000 cổ phần.
Các nhà đầu tư cần thận trọng trong việc nhận chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông sáng lập. Các nhà đầu tư cần thận trọng trong việc nhận chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông sáng lập.

Sau 2 năm hoạt động, ĐHCĐ của Công ty ra nghị quyết tăng vốn điều lệ lên 160 tỷ đồng, tức tăng thêm 80 tỷ đồng với 80.000 cổ phần mới; và các cổ đông hiện tại đã đăng ký như sau: A: 40%, tức là 32.000 cổ phần; B: 30%, tức là 24.000 cổ phần; còn C và D đều 15%, tức 12.000 cổ phần mỗi cổ đông. Như vậy, sau lần quyết định tăng vốn điều lệ nói trên, cơ cấu sở hữu theo số cổ phần đăng ký mua như sau: A (45%), B (27,5%), C (15%) và D (12,5%).

Tuy vậy, cho đến giữa năm 2007 (sau gần 4 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh), mỗi cổ đông chỉ đóng góp thực tế khoảng 2 tỷ đồng, tương đương 2.000 cổ phần theo mệnh giá. Như vậy, số cổ phần mà họ thực sự thanh toán chỉ bằng khoảng 1/20 số cổ phần họ đăng ký mua (tức là bằng 1/20 tổng số cổ phần được quyền phát hành).

Sau đó, cổ đông D muốn rút khỏi Công ty và chào bán cho các cổ đông còn lại tổng số cổ phần đã đăng ký mua với giá 3 triệu đồng/cổ phần, gấp 3 lần so với giá trị danh nghĩa. Tuy vậy, họ không thống nhất được về việc mua cái gì? Mua số cổ phần đã góp hay mua lại "quyền mua"? Các cổ đông còn lại đã thống nhất quyết định trả lại cho cổ đông D tổng số vốn đã góp là 2 tỷ đồng cộng thêm 3 năm lãi suất ngân hàng, đồng thời "thu lại" số cổ phần mà cổ đông D đăng ký mua chia cho 3 cổ đông còn lại. CTCP Hương Sơn đã chuyển trả số tiền đó vào tài khoản của cổ đông D tại ngân hàng. Như vậy, các cổ đông đã lấy tiền của Công ty để thanh toán số cổ phần mua lại từ cổ đông D. Tuy nhiên, cổ đông D đã từ chối chuyển nhượng với giá trị nói trên và chuyển trả lại CTCP Hương Sơn cả "gốc" và "lãi".

Các sai phạm chủ yếu trong trường hợp này là:

- Các cổ đông đã không thanh toán hết số cổ phần đăng ký mua ngay khi đăng ký thành lập Công ty theo quy định của pháp luật.

- Khi các cổ đông chưa thanh toán hết số cổ phần đã đăng ký, tức là Công ty chưa sử dụng hết số cổ phần được quyền phát hành để huy động vốn, thì đã quyết định phát hành thêm cổ phần mới. Trong trường hợp này, về bản chất, có thể nói Công ty đã bán chịu cho cổ đông theo mệnh giá với tỷ lệ không tương xứng với tỷ lệ sở hữu, trong khi giá thị trường có thể cao hơn.

- Có sự nhầm lẫn cố ý hoặc vô tình giữa số cổ phần đã phát hành và số cổ phần được quyền phát hành. Tổng giá trị danh nghĩa của số cổ phần được quyền phát hành đã được đăng ký thành vốn điều lệ, trong khi đó, vốn điều lệ là giá trị danh nghĩa của số cổ phần đã phát hành.

- Về bản chất, cổ đông D đã chuyển nhượng "quyền mua" như là chuyển nhượng cổ phần. Tuy vậy, có sự nhầm lẫn về khái niệm "quyền mua" được quy định trong Luật Doanh nghiệp. "Quyền mua" theo quy định của Luật Doanh nghiệp phát sinh khi công ty phát hành thêm cổ phần mới, và cổ đông hiện hữu đương nhiên được quyền ưu tiên mua trước tương ứng với tỷ lệ góp vốn. Đó là "quyền mua được mua trước" và nếu cổ đông không góp thêm vốn, thì có quyền chuyển nhượng quyền mua đó cho người khác; còn khi đã đăng ký, nghĩa là đã cam kết mua, thì phải thanh toán đủ giá trị cổ phần đã cam kết đó.

- Các cổ đông còn lại đã lạm dụng, lấy tài sản của Công ty để phục vụ cho lợi ích riêng của mình. Cụ thể là, đã có ý định lấy tiền vốn của Công ty thanh toán số cổ phần mà họ dự định mua lại từ cổ đông D.

Hệ quả của những vi phạm nói trên thực sự là nghiêm trọng, thể hiện trên một số số điểm sau đây:

Một là, gây nhầm lẫn nghiêm trọng đối với chủ nợ và các bên có liên quan khác. Có thể nói, các cổ đông đã cố tình lừa dối khách hàng và các bên có liên quan khác. Bởi vì, trước pháp luật và bên thứ ba, Công ty có vốn điều lệ 160 tỷ đồng và có thể cho rằng, các cổ đông đã góp đủ số cổ phần và chịu trách nhiệm trong phạm vi giá trị số vốn đã góp đó vào Công ty nhưng trên thực tế, các cổ đông mới chỉ góp khoảng 1/20 số đó mà thôi và do đó, họ chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi giá trị cổ phần đã thanh toán, tức khoảng 8.000 cổ phần với trị giá danh nghĩa 8 tỷ đồng.

Hai là, các cổ đông đã gây nhầm lẫn, thậm chí lừa dối những cổ đông tiềm năng, người muốn trở thành cổ đông của Công ty. Nếu những nhà đầu tư tiềm năng nhận chuyển nhượng từ các cổ đông hiện hữu, thì họ có thể nhận chuyển nhượng "các cổ phần bị giả mạo" bởi vì trên thực tế, Công ty chưa phát hành các cổ phần đó, nên chúng chưa tồn tại trên thực tế.

Ba là, có sự chênh lệch rất lớn giữa cơ cấu sở hữu thực góp và cơ cấu sở hữu theo số cổ phần đăng ký. Vậy, trên thực tế, quyền lực và quyền lợi của cổ đông sẽ thực hiện theo cơ cấu nào? Đây là nguyên nhân phổ biến của tranh chấp nội bộ cổ đông trong CTCP, nhất là các công ty có được sự thành công nhất định và có tiềm năng phát triển khả quan.

Bốn là, Công ty đã mất đi tất cả số thặng dư vốn, khi phát hành thêm cổ phần mới. Số thặng dư vốn đó "rơi vào tay" cổ đông, mà đáng ra là tài sản của Công ty. Qua đó, Công ty mất đi số vốn cần thiết để đầu tư phát triển. Ví dụ, đối với cổ đông D, nếu chuyển nhượng thành công 20.000 cổ phần, trong đó chỉ có 2.000 cổ phần thực sự là của cổ đông D, 18.000 cổ phần còn lại thuộc loại chưa phát hành là của Công ty. Nếu giá chuyển nhượng là 3 triệu đồng/cổ phần, thì Công ty trên thực tế có thể bị mất 36 tỷ đồng thặng dư vốn. Nếu cả bốn cổ đông đều chuyển nhượng cho các nhà đầu tư khác như trình bày trên đây, thì Công ty có thể bị chiếm đoạt 304 tỷ đồng (Công ty chỉ thu về được số vốn cổ phần tối đa là 160 tỷ đồng, trong khi đó, số vốn thực thu về qua phát hành cổ phần mới có thể nhiều hơn nhiều lần như trình bày trên đây). Do đó, nguy cơ thất bại của dự án này là rất lớn, và giá cổ phần về lâu dài của Công ty có thể giảm xuống đáng kể. Nghịch lý ở đây là Công ty có thể sẽ thất bại, nhưng các cổ đông sáng lập vẫn có thể "thành công".

Trường hợp trình bày trên đây là khá phổ biến đối với các CTCP thành lập mới và có thể tạo ra những hệ quả tiêu cực đối với công ty và các bên có liên quan. Vì vậy, cơ quan đăng ký kinh doanh cần lưu ý phân biệt được số cổ phần đã phát hành và số cổ phần được quyền phát hành trong đăng ký vốn điều lệ của CTCP, đồng thời giám sát để cổ đông sáng lập phải đóng đủ số cổ phần họ đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày đăng ký kinh doanh. Các nhà đầu tư cần thận trọng trong việc nhận chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông sáng lập, đảm bảo nhận được cổ phần thật, chứ không phải cổ phần giả mạo. Công ty và cổ đông cần ý thức rằng, cổ phần là tài sản của công ty và là công cụ để huy động vốn, chỉ khi cổ phần được phát hành và được thanh toán đủ, thì nó mới là tài sản của cổ đông; tất cả những cổ phần chưa phát hành trong mọi trường hợp đều là của công ty, không thể "phân phát" dưới mọi hình thức số tài sản này của công ty cho các cổ đông.

Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tin cùng chuyên mục