Mới đây, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã thông báo đưa cổ phiếu PNC của CTCP Văn hóa Phương Nam vào diện tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 16/6/2016. Lý do là PNC thường xuyên vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Trước đó, PNC đã bị HOSE nhắc nhở về việc chậm công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2015 lần 3 và báo cáo thường niên năm 2015 lần 2 vào ngày 12/5/2016. Đồng thời, cổ phiếu PNC cũng nằm trong diện bị cảnh báo do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2015 là con số âm.
Điều đáng chú ý tại doanh nghiệp này chính là việc xin gia hạn nộp báo cáo tài chính thường xuyên diễn ra trong năm 2015. Đây cũng là năm mà những bất đồng, mâu thuẫn giữa các thành viên HĐQT Công ty lên đến đỉnh điểm, không chỉ tranh cãi gay gắt tại Đại hội mà còn “tố” nhau trên truyền thông.
Cụ thể, nhóm cổ đông đại diện hơn 60% vốn của PNC (trong đó có 2 thành viên HĐQT) muốn bầu lại toàn bộ HĐQT và bổ nhiệm lại Tổng giám đốc. Đồng thời, nhóm cổ đông này cũng cho rằng, HĐQT hiện tại hoạt động không hiệu quả khiến PNC lỗ lũy hơn 60 tỷ đồng (tính đến 31/3/2015), mất đến 54% vốn điều lệ.
Các vấn đề tranh cãi giữa nhóm cổ đông lớn và các thành viên HĐQT còn lại (trong có Chủ tịch HĐQT Phan Thị Lệ) xuất phát từ tỷ lệ sở hữu vốn của PNC tại Công ty liên doanh Megastar, từ đó mở ra hàng loạt những chất vấn của cổ đông về các hợp đồng vay 400.000 USD và 7 triệu USD của PNC, khoản thu nhập 600.000 USD trong năm 2014. Nhóm cổ đông lớn cũng đặt ra nghi vấn lãi ảo lỗ thật (trên báo cáo tài chính năm 2014, PNC không bị lỗ và thoát án hủy niêm yết).
Khi HĐQT PNC có kế hoạch phát hành 10 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho CTCP Xuất nhập khẩu Bình Tây (Bitex) với giá 11.100 đồng/cổ phiếu, nhóm cổ đông lớn đã không đồng ý vì mức giá rẻ, gây thiệt hại cho Công ty và đề nghị đưa vào biên bản cuộc họp nội dung phát biểu: “HĐQT đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ Công ty”. Nhóm cổ đông đại diện khoảng 62% cổ phiếu có quyền biểu quyết dự họp cũng yêu cầu PNC phải thực hiện chào bán công khai 10 triệu cổ phần trên và không tiếp tục uỷ quyền cho HĐQT tìm đối tác.
Trong năm 2015, công ty mẹ PNC vẫn lỗ hơn 6 tỷ đồng. Quý I năm nay, Công ty tiếp tục lỗ ròng gần 2 tỷ đồng. Với tình trạng liên tục vi phạm quy định về công bố thông tin và những vấn đề nội tại của doanh nghiệp vẫn chưa giải quyết triệt để, hoạt động kinh doanh của Công ty thua lỗ, PNC đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.
Việc cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc, dù được đưa xuống giao dịch trên sàn UPCoM sẽ khiến cổ phiếu của doanh nghiệp kém thanh khoản, thậm chí đóng băng thanh khoản. Một số cổ đông nhỏ PNC phản ánh, họ lo lắng khoản đầu tư này rất có thể sẽ trở thành “mảnh giấy kỷ niệm”.
Câu chuyện với cổ đông nhỏ PNC cũng diễn ra tại nhiều doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm công bố thông tin, sau đó cổ phiếu được đưa lên giao dịch trên UPCoM vẫn tiếp tục lặp lại lỗi cũ. Và tất nhiên, những cổ phiếu này không có thanh khoản. Trước đó, CTCP Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc (KTB) và CTCP Luyện kim Phú Thịnh (PTK) cũng đã bị hủy niêm yết bắt buộc, do liên tục bị nhắc nhở về các lỗi như chậm công bố thông tin bất thường, chậm nộp báo cáo quản trị công ty, chậm công bố báo cáo tài chính định kỳ... Rõ ràng, những lỗi này không quá khó để doanh nghiệp khắc phục, nhưng vẫn liên tục vi phạm.
Mặc dù cơ quan quản lý đã có các cấp độ xử lý hành vi vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin của doanh nghiệp, nhưng dường như đây vẫn chỉ là biện pháp mang tính “cảnh báo nhẹ” cho NĐT, chứ chưa thể bảo vệ được NĐT. Thị trường chứng khoán được xem là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp, góp phần hoạt động hiệu quả cho doanh nghiệp, nhưng có những doanh nghiệp sau khi đạt được mục tiêu của mình lại quên đi trách nhiệm với cổ đông thì quả là đáng trách.