Cổ đông Nhật “buông tay” Eximbank?

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều động thái cho thấy, SMBC “buông tay” Eximbank vì những “trục trặc” nội bộ diễn ra triền miên nhiều năm nay.
SMBC đang tìm đối tác thích hợp để chuyển nhượng 15% cổ phần ở Eximbank? SMBC đang tìm đối tác thích hợp để chuyển nhượng 15% cổ phần ở Eximbank?

Đầu năm 2020, tập đoàn tài chính Nhật Bản Sumitomo Mitsui (SMFG) gần như hoàn tất việc đàm phán và chốt giá giao dịch thương vụ lớn nhất của họ ở Việt Nam: mua 49% cổ phần của Công ty Tài chính tiêu dùng FE Credit trực thuộc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với trị giá 1,37 tỷ USD.

Lễ ký kết hợp tác đầu tư giữa hai bên dự kiến diễn ra trong quý II/2020. Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến lộ trình ngưng trệ. Đến tận ngày 28/4/2021, FE Credit và Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBC Sumitomo Mitsui Banking Corporation là ngân hàng trực thuộc SMFG) mới chính thức ký kết thoả thuận hợp tác đầu tư.

Công ty Chứng khoán Bản Việt - đơn vị tư vấn thương vụ trên - cho biết trong bản tin gửi cho khách hàng ngày 13/5/2021 rằng thương vụ vẫn đang chờ phê duyệt theo quy định.

“Theo VPB, giao dịch sẽ hoàn tất trong năm 2021” - bản tin viết.

Ngoài việc chuyển nhượng vốn tại FE Credit, VPB cũng đang tìm kiếm đối tác chiến lượng nội - ngoại lâu dài. Hiện room nước ngoài của ngân hàng còn 10%. Nguồn tin hành lang chưa được xác nhận cho biết, Tập đoàn SMFG tiếp tục là một trong những ứng cử viên đối tác chiến lược để sở hữu 10% room nước ngoài của một ngân hàng trong nước.

Theo quy định trong lĩnh vực ngân hàng Việt Nam, một đối tác tài chính nước ngoài không thể cùng lúc là cổ đông chiến lược sở hữu 15% cổ phần/mỗi ngân hàng của hai tổ chức tín dụng. Như vậy, để có cơ hội trở thành cổ đông chiến lược của một ngân hàng trong nước, SMFG mà cụ thể là ngân hàng con SMBC phải thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu (Eximbank), nơi họ đã đầu tư 225 triệu USD từ năm 2008.

“Buông tay” Eximbank

Cuối năm 2019, thời điểm bắt đầu thương lượng với FE Credit, SMBC đã rút đại diện khỏi Hội đồng quản trị Eximbank. Trước đó, ngày 17/5/2019, SMBC gửi văn bản cho Hội đồng quản trị EIB nêu rõ “từ ngày 18/5/2019, ông Yasuhiro Saitoh không còn là một viên chức, nhân viên, người được uỷ nhiệm hay đại diện của SMBC”. Từ tháng 5/2019 đến tháng 12/2019, trong Hội đồng quản trị EIB còn ông Yutaka Moriwaki. Song từ ngày 9/12/2019, ông này cũng không còn là đại diện theo uỷ quyền của SMBC tại Eximbank.

Trong đại hội cổ đông thường niên 2021 bất thành ngày 27/4/2021, SMBC không cử người tham dự. Ông Yasuhiro Saitoh, đương kim Chủ tịch Hội đồng quản trị, chia sẻ bên lề với báo chí rằng, ông không còn làm việc tại SMBC và không nắm rõ chiến lược của SMBC là gì. Ông được cho là đại diện cho một nhóm nhà đầu tư trong nước với tư cách cá nhân.

Nói một cách hình ảnh, SMBC đã “buông tay” Eximbank. Một chuyên gia tư vấn trong thương vụ FE Credit - SMBC đề nghị không nêu tên, cho biết có thể SMBC đang tìm đối tác thích hợp để chuyển nhượng 15% cổ phần ở Eximbank càng sớm càng tốt. Ông nhận xét “SMBC đã quá “mệt mỏi” với những “trục trặc” nội bộ của Eximbank nhiều năm nay”.

"Thế trận" cơ cấu cổ đông

Trong đại hội cổ đông thường niên 2020 diễn ra ngày 26/4/2021, ngay trước đại hội cổ đông thường niên 2021, lần đầu tiên số cổ đông Eximbank có mặt đại diện cho 94,6% cổ phần - một tỷ lệ kỷ lục. Nhưng đại hội bất thành vì các cổ đông đại diện cho 54,6% cổ phần trong tổng số 94,6% cổ phần đã không đồng ý thông qua quy chế đại hội. 54,6%/94,6% tương đương với hơn 51%/100% cổ phần Eximbank.

Theo quy định trong lĩnh vực ngân hàng Việt Nam, một đối tác tài chính nước ngoài không thể cùng lúc là cổ đông chiến lược sở hữu 15% cổ phần/mỗi ngân hàng của hai tổ chức tín dụng.

Theo quan sát nhiều năm của người viết bài này và sau khi tham vấn với một quan chức Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong cơ cấu 54,6% cổ phần EIB đề cập ở trên có thể có 15% cổ phần của SMBC cộng với số cổ phần của các nhóm nhà đầu tư nhận chuyển nhượng lại cổ phần từ nhóm nhà đầu tư liên quan đến Ngân hàng TMCP Nam Á. Tổng số cổ phần của các nhóm nhà đầu tư này (tạm gọi là F1) khoảng 37% - 38% cổ phần Eximbank.

Ở một chiều khác, nhóm nhà đầu tư có liên quan đến một doanh nhân phía Bắc, nhóm nhà đầu tư tập hợp xung quanh bà Ngô Thu Thuý, Quỹ đầu tư VOF do VinaCapital quản lý và một số cổ đông nước ngoài khác đang sở hữu tổng cộng khoảng 40% cổ phần EIB.

Hiện Vietcombank đang nắm giữ 4,82% cổ phần Eximbank. Đại diện Vietcombank cho biết sẽ chuyển nhượng số cổ phần này, nhưng thời điểm nào thì chưa xác định và khi bán phải đảm bảo mang lại hiệu quả cao nhất cho Vietcombank.

Trong một nỗ lực tái cơ cấu Eximbank, trước đây NHNN đã thông qua số cổ phần EIB mà Vietcombank sở hữu và chỉ đạo Vietcombank đưa người tham gia vào Hội đồng quản trị EIB. Song ngay cả khi Vietcombank đã đưa người vào Hội đồng quản trị Eximbank, Hội đồng quản trị ngân hàng cũng không tìm được tiếng nói chung trên nhiều phương diện. Nguyên nhân là do hầu hết thành viên Hội đồng quản trị Eximbank đều không thực sự sở hữu tỷ lệ cổ phần đủ lớn để quyết liệt tái cơ cấu ngân hàng. Họ chủ yếu đại diện cho nhóm nhà đầu tư nọ, nhóm nhà đầu tư kia và không phải tất cả họ đều có kinh nghiệm trong quản trị ngân hàng.

Giá nào cho 15% cổ phần của SMBC?

Do các nhóm nhà đầu tư hiện đang sở hữu một tỷ lệ cổ phần tương đương nhau (với cơ cấu cổ đông cô đặc, tỷ lệ cổ phiếu EIB trôi nổi bên ngoài không nhiều. Giá trị khớp lệnh trung bình mười phiên gần nhất của EIB chưa đầy 1,18 triệu đơn vị/phiên so với hàng triệu, hàng chục triệu đơn vị khớp lệnh/phiên của các ngân hàng trên HoSE), nhóm nào mua được cổ phần SMBC đang nắm giữ, nhóm đó sẽ có tỷ lệ cổ phần chi phối ở Eximbank và kiểm soát ngân hàng.

Hơn nữa, việc giao dịch cổ phần của SMBC sẽ mở room ngoại tại Eximbank nếu người mua không phải là nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một yếu tố tạo sức hấp dẫn cho cổ phiếu EIB.

Cách đây hơn 10 năm, năm 2010, Dragon Capital đã chuyển nhượng hơn 8,3% cổ phần của VPB mà họ đầu tư từ năm 1996 (một trong những khoản đầu tư đầu tiên của Dragon Capital) cho nhóm nhà đầu tư trong nước với giá 28.000 đồng/cổ phiếu, gấp đôi thị giá VPB trên thị trường lúc bấy giờ. SMBC hoàn toàn có khả năng đàm phán một mức giá chuyển nhượng tương tự, đặc biệt trong bối cảnh việc định giá cũng như giá trị vốn hoá của các ngân hàng Việt đang biến động mạnh hiện nay.

Tính theo giá đóng cửa ngày 14/5/2021, giá trị vốn hoá của Eximbank đạt 33.194 tỷ đồng, tương đương 1,43 tỷ USD, bằng một nửa giá trị của FE Credit, thuộc loại tương đối rẻ trên thị trường (ngân hàng Việt có giá trị rẻ nhất trên thị trường hiện nay, theo giới chuyên gia tài chính dựa trên mọi tiêu chí từ vốn chủ sở hữu, lợi nhuận, EPS, P/E, ROA, ROE, nợ xấu… là OCB với giá trị vốn hoá 26.301 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD). Từ năm 2014 đến nay, Eximbank không chia cổ tức và cũng không tăng vốn.

Eximbank, theo khảo sát của người viết bài này, đã “chảy máu” khá nhiều chất xám trong thời gian qua khi đội ngũ nhân viên chuyển đi nơi khác làm việc. Nhóm chuyên gia người Nhật của SMBC do một giám đốc phụ trách việc tái cơ cấu đang làm việc với hội sở là những gì còn sót lại của dấu ấn 13 năm đối tác chiến lược của SMBC tại đây. Hơn bao giờ hết, Eximbank cần củng cố bộ máy nhân sự và đặc biệt là sự hiện diện của một nhóm cổ đông - “ông chủ” thật của ngân hàng - nhằm tháo gỡ triệt để những “lục đục” nội bộ.

(Còn nữa)

Hải Lý
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục