Xin ý kiến vội vàng trước kỳ nghỉ lễ
Trong công văn xin ý kiến cổ đông do Chủ tịch Hội đồng quản trị Machino, ông Trịnh Xuân Thiêm ký ngày 20/1/2017, có 3 nội dung lớn xung quanh việc xin chấp thuận bàn giao nguyên trạng tại thời điểm bàn giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của hai tài sản đảm bảo tại số 133 Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội và tại số 444 Hoàng Hoa Thám, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội cho Công ty cổ phần Hội tụ 300 kể từ ngày 1/2/2017.
Cụ thể, Công ty cổ phần Hội tụ 300 thực hiện hỗ trợ bằng tiền cho Machino 2 tỷ đồng; Machinco được toàn quyền sử dụng tầng 15 tòa nhà Machinco Building tại 444 Hoàng Hoa Thám đến hết đời dự án và nghĩa vụ, trách nhiệm với công nợ giữa Machinco và Hội tụ 300.
Nội dung trên sẽ không gây bức xúc cho cổ đông, nếu như thời gian xin ý kiến không rơi đúng vào kỳ nghỉ lễ. Ngày ký trên tài liệu xin ý kiến cổ đông là 20/1/2017, tức ngày 24 tháng Chạp, đến tay cổ đông vào khoảng 25, 26 tháng Chạp, tức là ngay trước Tết. Trong khi đó, ngày cuối cùng xin ý kiến cổ đông là 6/2, tức ngày làm việc đầu tiên của năm mới Đinh Dậu.
Nghi vấn "rút ruột"
Trước cách lựa chọn thời điểm lấy ý kiến cổ đông một cách bất thường của Hội đồng quản trị Machinco, nhiều cổ đông đã tỏ ra khá bức xúc. Một nhóm cổ đông đã gửi thư đề nghị Ban lãnh đạo Machinco làm rõ một số vấn đề, vì cho rằng có sự rút ruột, tẩu tán tài sản Công ty trong giao dịch bàn giao tài sản để gán nợ này.
Phiếu lấy ý kiến cổ đông của Machinco
Nhóm cổ đông này đặt câu hỏi: vì sao Hội đồng quản trị không đề xuất phương án thu hồi công nợ đang có và trả nợ, mà lại tập trung vào việc gán các tài sản là hai tòa nhà 133 Thái Hà và 444 Hoàng Hoa Thám? Theo nhóm cổ đông này, việc bàn giao là vấn đề lớn, cần phải được đưa ra tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên để các cổ đông cùng bàn thảo, nhưng Hội đồng quản trị lại tổ chức xin ý kiến vào kỳ nghỉ lễ.
Trước đó, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngay cuối năm 2016, Machinco đã vấp phải phản ứng gay gắt của các cổ đông liên quan đến phương án thu hồi, xử lý công nợ. Hiện tại, Công ty cũng chưa công bố biên bản cuộc họp này, nhưng lại cấp tập lấy ý kiến vào kỳ nghỉ lễ, càng khiến cổ đông cảm thấy khó hiểu.
“Việc xin ý kiến phải gửi trước cho cổ đông tối thiểu là 15 ngày, đương nhiên không tính ngày nghỉ. Vậy nhưng, từ ngày Chủ tịch Hội đồng quản trị ký đến khi hết hạn lại là khoảng thời gian nghỉ Tết, nên rõ ràng có sự mờ ám ở đây”, một cổ đông tên H. nói. Quan trọng hơn, việc xin ý kiến này lại để thông qua một việc mà Hội đồng quản trị đã làm, là bàn giao tài sản từ ngày 1/2/2017, trong khi ngày hết hạn xin ý kiến là 6/2/2017.
Không chỉ cảm thấy bất an vì thời điểm xin ý kiến không bình thường, cổ đông Machinco còn cảm thấy e ngại bởi sự mập mờ trong công bố thông tin giao dịch hai tài sản, trong khi đây gần như là toàn bộ những gì có khả năng sinh lời của Công ty.
Tờ trình xin ý kiến cổ đông chỉ vỏn vẹn nội dung xin ý kiến, mà không bao gồm tài liệu liên quan đến định giá hai tòa nhà. Trong bản công bố thông tin của thoái vốn của SCIC, nhà và quyền sử dụng đất của hai tòa nhà nói trên được ghi giá trị sổ sách là 81,838 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2015.
Tuy nhiên, đây là giá vốn hạch toán và thực tế, hai tài sản này có khả năng mang lại doanh thu cho thuê phòng tới gần 28 tỷ đồng/năm (theo kế hoạch năm 2015). Cộng thêm vị trí đẹp ở trung tâm Thủ đô, các cổ đông cho rằng, Machinco có thể được định giá hàng trăm tỷ đồng cho 2 tòa nhà nói trên, nên việc vội vàng bàn giao cho chủ nợ là không bình thường.
Thua lỗ khủng, cổ đông mất trắng?
Vốn điều lệ 50 tỷ đồng, đến cuối năm 2015, Machinco ghi nhận lỗ lũy kế tới 226,258 tỷ đồng, đưa vốn chủ sở hữu về âm 165,796 tỷ đồng. Thế nhưng, trong năm 2015, ông Trịnh Xuân Thiêm vẫn thực hiện mua vào cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu lên mức trên 20% vốn điều lệ.
Các tài sản của Công ty, sau khi cấn trừ hai tòa nhà cho chủ nợ sẽ chủ yếu là những khoản phải thu khó đòi mà Công ty có từ giai đoạn trước và số cổ phần hoán đổi công nợ cũng không biết ngày nào mang lại hiệu quả. Trong thư gửi Hội đồng quản trị Công ty, các cổ đông cho rằng, cần phải xem xét trách nhiệm cá nhân đối với các khoản nợ đọng này, trong đó bao gồm: dự án xi măng Dầu khí Nghệ An, dự án xi măng Bắc Giang (66 tỷ đồng), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu máy Hà Nội, Công ty cổ phần Đồng Xanh…
Không giải quyết được triệt để vấn đề thu hồi công nợ, gán đi tài sản có giá trị nhất của Công ty để giải quyết nợ một cách chưa rõ ràng, cổ đông Machinco cho rằng, sau thương vụ này, họ bị mất trắng tài sản tại đây.
Điều gì đang diễn ra tại Machinco? Đây là những câu hỏi không chỉ cổ đông đặt ra với Ban lãnh đạo Machinco.