Cổ đông ngân hàng ngóng cổ tức tiền mặt

(ĐTCK) Nếu như 2 năm trước, nhà đầu tư vui khi được trả cổ tức bằng cổ phiếu do thị giá cao thì năm nay, tiền mặt lại là vua.
Ngày 21/3/2023, TPBank sẽ chốt danh sách cổ đông hưởng cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 25%

Qua thời “nhịn” cổ tức tiền mặt…

Là một nhà đầu tư “ôm” nhiều cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm 2022 đến nay, ông Trần Mạnh Trung (TP.HCM) cho hay, giá cổ phiếu ngành này giảm mạnh nên ông rất trông chờ vào cổ tức. Năm nay, nhiều ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt khi chủ trương của nhà điều hành không còn yêu cầu chia cổ tức bằng cổ phiếu như các năm trước, đây là một trong những tin vui đối với cổ đông, nhà đầu tư nói chung và ông Trung nói riêng khi cổ phiếu “vua” chưa khởi sắc.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân và cập nhật kết quả kinh doanh quý IV cũng như cả năm 2022 mới đây, VPBank cho biết, Ngân hàng sẽ triển khai bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược thông qua phát hành cổ phiếu trong năm 2023, qua đó củng cố nguồn vốn và là cơ sở để thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt. Năm 2022, VPBank đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 21.200 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2021.

Trước đó, trong cuộc họp đại hội cổ đông năm 2022, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank Ngô Chí Dũng thông báo, nền tảng vốn đạt được năm 2022 không những đủ cơ sở để đảm bảo Ngân hàng tăng trưởng cao theo kế hoạch 5 năm tới, mà Hội đồng quản trị còn dự kiến sẽ trình đại hội chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm.

Nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên VPBank tiến hành trả cổ tức bằng tiền mặt kể từ sau khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán năm 2017.

VIB đã quyết định chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ hơn 35%, bao gồm bằng tiền mặt và cổ phiếu, tổng giá trị hơn 2.107,6 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 10% vốn điều lệ. Nguồn vốn sử dụng để chia cổ tức là lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 30/9/2022; trong đó, lợi nhuận để lại từ các năm trước chưa sử dụng là 565 tỷ đồng và lợi nhuận thuần lũy kế 3 quý đầu năm 2022 là hơn 1.542 tỷ đồng. Trong năm 2022, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.580 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021.

Ngày 21/3/2023, TPBank sẽ chốt danh sách cổ đông hưởng cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 25%. Ngày thanh toán là 3/4/2023, nguồn vốn chi trả lấy từ lợi nhuận chưa phân phối, sau khi trích lập các quỹ theo báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán (hơn 5.486 tỷ đồng). Với khoảng 1,58 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Ngân hàng sẽ chi 3.955 tỷ đồng để trả cổ tức.

Trong năm 2022, TPBank đạt 6.260,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 30% so với năm 2021. Lợi nhuận còn lại và các quỹ thặng dư lũy kế đến hết năm 2022 của TPBank là hơn 13.364 tỷ đồng.

ACB có kế hoạch trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ tương tự năm 2021 là 25%; trong đó, dự kiến chia 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Trong năm 2022, ACB đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 17.114 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2021.

... và tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu

Hội đồng quản trị VPBank dự kiến sẽ trình đại hội cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm.

Khác với 3 năm trước, khi dịch Covid-19 hoành hành, Ngân hàng Nhà nước luôn yêu cầu các nhà băng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, dành nguồn lực xử lý nợ xấu, thì năm nay không còn “siết” việc chia cổ tức bằng tiền mặt đối với ngân hàng được xếp hạng cao.

Thay vào đó, cơ quan quản lý chỉ khuyến khích ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường... Đây là điều kiện để ngân hàng thực hiện kế hoạch chia cổ tức bằng tiền sau nhiều năm chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Tuy nhiên, bên cạnh việc chia cổ tức bằng tiền mặt, không ít nhà băng cũng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng thêm vốn điều lệ. Chẳng hạn, ngày 20/2/2022 là ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 20% của Eximbank. Với hơn 1,229 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Eximbank sẽ phát hành gần 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, nâng vốn điều lệ lên 14.814 tỷ đồng.

“Năm 2022, Eximbank thực hiện vượt kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận tăng 280% so với năm 2021. Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 sắp tới, chúng tôi sẽ chốt kết quả kinh doanh và dự kiến chia cổ tức ở mức cao”, bà Tú chia sẻ.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, Hội đồng quản trị Eximbank đã công bố mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2022; tổng tài sản đến cuối năm nay đạt khoảng 210.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.

Cổ đông Sacombank kỳ vọng, năm nay, Ngân hàng sẽ chia cổ tức. Tại đại hội cổ đông thường niên 2022, trước mong mỏi của cổ đông về cổ tức, lãnh đạo Sacombank cho biết, lợi nhuận hợp nhất giữ lại đến cuối năm 2021 là gần 9.000 tỷ đồng, gần bằng một nửa vốn điều lệ. Đây là số tiền có thể dùng để chia cổ tức cho cổ đông.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank Dương Công Minh cho hay, Ngân hàng muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nhưng chưa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Dự kiến, trong nửa đầu năm 2023, Sacombank có thể sẽ chia cổ tức.

Hiện tại, vốn điều lệ của các ngân hàng có sự thay đổi rõ nét. Sau các đợt tăng vốn, quy mô vốn chủ sở hữu hợp nhất của VPBank tính đến cuối năm 2022 đạt hơn 103.000 tỷ đồng; trong đó, vốn điều lệ hơn 67.000 tỷ đồng, lớn nhất hệ thống. Các ngân hàng có vốn điều lệ cao tiếp theo lần lượt là BIDV với 50.585 tỷ đồng, VietinBank với 48.057 tỷ đồng, Vietcombank với 47.325 tỷ đồng, MB với 45.339 tỷ đồng; Techcombank và SHB có vốn điều lệ trên 30.000 tỷ đồng; ACB, HDBank, VIB có vốn điều lệ trên 20.000 tỷ đồng…

Tuy nhiên, thứ hạng trên được dự báo sẽ có nhiều thay đổi và kỷ lục mới được xác lập sau cuộc đua tăng vốn, sau mùa đại hội cổ đông năm 2023.

Mở đầu “phát súng” tăng vốn năm 2023 là Vietcombank. Đại hội đồng cổ đông bất thường mới đây của ngân hàng này đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2018. Theo đó, Vietcombank sẽ phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ thêm 58,4%, từ hơn 47.325 tỷ đồng lên trên 75.000 tỷ đồng.

Thực tế, Vietcombank vẫn còn dư địa phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Dù vậy, lãnh đạo Vietcombank cho rằng, việc tìm kiếm nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính phù hợp với mục tiêu của Ngân hàng và sẵn sàng đầu tư vào thời điểm hiện nay là khá thách thức. Do đó, chia cổ tức bằng cổ phiếu vẫn là giải pháp ưu tiên, giúp Ngân hàng nhanh chóng tăng vốn. Hiện tại, vốn điều lệ của Vietcombank đang ở mức thấp nhất trong số các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối, thậm chí thấp hơn một số ngân hàng thương mại cổ phần.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023, lãnh đạo 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đều đề xuất sớm được tăng vốn. Trong thời gian qua, các ngân hàng tích cực tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, song so với các ngân hàng trong khu vực, bộ đệm vốn nhìn chung vẫn mỏng. Mặt khác, trong khi ngân hàng các nước trong khu vực đã thực hiện Basel III, hoặc một phần Basel III, thì Việt Nam mới thực hiện Basel II.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục