Cổ đông MTM tìm cách đòi tiền

(ĐTCK) Trong ngày 30/9, có nhiều thông tin đáng chú ý với cổ đông CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (mã UPCoM MTM).
Điều quan tâm nhất của cổ đông MTM hiện tại là lấy lại được số tiền đầu tư Điều quan tâm nhất của cổ đông MTM hiện tại là lấy lại được số tiền đầu tư

Đầu tiên, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của MTM đã không thể tiến hành bởi không đủ tỷ lệ cổ phần tham dự theo quy định tại Luật Doanh nghiệp. Theo đó, kết quả kiểm tra tư cách cổ đông cho thấy có hơn 20 cổ đông đại diện cho 22% cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, đại hội không đủ điều kiện để tổ chức. Tuy nhiên, các cổ đông không ra về ngay.

Ông Chu Danh Phương, một cổ đông rất tích cực trong việc đưa những khuất tất trong vụ việc MTM ra trước cơ quan chức năng, cho biết, sẽ sớm có thông báo về việc triệu tập ĐHĐCĐ lần thứ 2.

Tiếp đó, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã công bố lệnh truy nã đối với Trưởng Ban Kiểm soát Công ty Phùng Thành Công. Bất kỳ người nào cũng có quyền bắt giải ngay người đang bị truy nã đến cơ quan Công an, Viện Kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất.

Như vậy, lệnh truy nã này đã trả lời cho câu hỏi của các cổ đông đến dự ĐHĐCĐ sáng 30/9 về trách nhiệm của Ban Kiểm soát Công ty, cũng như thắc mắc tại sao ông Công không đến Đại hội dù có tên trong danh sách nhân sự bầu làm thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2016 – 2020.

Trước đó, vào ngày 19/9 vừa qua, Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Trần Hữu Tiệp, Chủ tịch HĐQT MTM để phục vụ điều tra. Ông Trần Hữu Tiệp bị bắt tại trụ sở Văn phòng Công ty tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ngay sau đó, Cơ quan điều tra cũng tiến hành khám xét, tịch thu tài liệu của Công ty và máy tính cá nhân của ông Tiệp dưới sự chứng kiến của công an phường, tổ dân phố.

Được biết, MTM đăng ký và được chấp thuận giao dịch UPCoM vào tháng 4/2016. Chỉ khoảng 2 tháng sau đó, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội bất ngờ thông báo ngừng giao dịch cổ phiếu này. Các cổ đông sau đó đã tìm thấy nhiều kết quả bất ngờ về hoạt động của doanh nghiệp này như Công ty đã ngừng hoạt động và bị Tổng cục Thuế thông báo rằng chưa làm thủ tục đóng mã số thuế, trụ sở chính của Công ty là quán ăn, hình ảnh nhà máy, dây chuyển sản xuất bị đánh cắp từ một công ty khác...

Dù cuộc họp không thể tiến hành, song các nhân sự được đề cử bầu làm thành viên HĐQT, thành viên Ban Kiểm soát đã có trao đổi với các cổ đông về tình hình doanh nghiệp và phương hướng làm việc sắp tới.

Điều quan tâm nhất của cổ đông là có lấy lại được tiền không? Và những ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi để cổ phiếu của một công ty không còn hoạt động vẫn giao dịch bình thường trên UPCoM?

Theo ông Chu Danh Phương, đại diện 15% cổ phần, thành viên HĐQT, trước đây ông đã từng gửi đơn thư kiến nghị tới nhiều nơi nhưng đều rất khó làm việc. Do đó, cổ đông phải tham gia vào Ban lãnh đạo, Ban điều hành doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, có con dấu thì mới có thể đơn thư, công văn đề nghị các cơ quan Nhà nước giải quyết. Đây là lý do phải tổ chức đại hội bầu lại toàn bộ HĐQT, Ban Kiểm soát.

Liên quan đến khả năng thu hồi vốn cho các cổ đông, ông Chu Danh Phương cho biết, dưới sức ép của cổ đông, HĐQT cũ đã cho ông tham gia vào Công ty dưới chức danh Kế toán trưởng. Qua xem xét và lập lại BCTC, nhận thấy Công ty không có hoạt động gì, cũng không có tài sản.

“Công ty có nhiều vấn đề góp vốn rất ảo, toàn nợ xấu. Nhiệm vụ trọng tâm của Ban lãnh đạo mới là xử lý tồn tại cũ”, ông Phương nói và cung cấp thêm thông tin chi tiết hơn. Theo đó, đến hết ngày 31/12/2015, MTM có tổng tài sản 241 tỷ đồng, nguồn vốn 269 tỷ đồng. Tất cả nằm ở công nợ phải thu. Trên sổ sách giấy tờ có dây chuyền sản xuất 5 tỷ đồng nhưng thực tế là tài sản ảo, qua kiểm tra không thấy dây chuyền sản xuất nào, nên khoản này xác định là mất.

Hai tài sản lớn nhất của MTM là công nợ 120 tỷ đồng chuyển sang CTCP Khoáng sản và luyện kim Bắc Kạn, mà theo Ban lãnh đạo cũ là khoản đầu tư. Tuy nhiên, ông Phương cho biết, điều này không đúng. Nếu là khoản đầu tư thì phải được HĐQT hoặc ĐHĐCĐ thông qua, phải có hợp đồng hợp tác đầu tư, có tiến độ góp vốn. Nhưng kiểm tra sổ sách thì chỉ có 12 lệnh chuyển tiền. Như vậy, có cơ sở pháp lý để đòi lại số tiền này từ Công ty Bắc Kạn. 

Ngoài ra, còn các khoản công nợ khác với 5 đối tác, tổng số tiền là 115 tỷ đồng. Đây là các công nợ có đầy đủ hóa đơn chứng từ, MTM sẽ có cơ sở để đòi nợ.

“Có khoản tiền bị chiếm dụng 165 tỷ đồng. Đây là tiền mặt đáng lẽ sau khi rút từ ngân hàng về thì phải tồn ở quỹ nhưng khi tôi vào (làm Kế toán trưởng – PV) thì hoàn toàn không có. Tiền này là tài sản của Công ty, của tất cả cổ đông, không phải của cá nhân nào. Chúng tôi phải yêu cầu nộp trả lại khoản tiền này và nếu cần đề nghị cơ quan công an làm rõ”, ông Phương nói và thừa nhận, đây là công việc trường kỳ khó khăn. Số tiền thu được sẽ chia cho cổ đông, nhưng chưa thể nói trước kết quả.            

Điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông (Điều 141 Luật Doanh nghiệp)

Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết.

Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành thì được triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn 30 ngày. Cuộc họp triệu tập lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 33% tổng số phiếu biểu quyết.

Trường hợp cuộc họp triệu tập lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành thì được triệu tập họp lần thứ ba trong thời hạn 20 ngày. Trường hợp này, cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục