Cổ đông mất quyền

Tôi là một NĐT, rất bức xúc về việc DN mà mình sở hữu cổ phần hạn chế quyền chuyển nhượng của cổ đông và ban lãnh đạo DN công khai không muốn công ty trở thành đại chúng do lo ngại mất quyền lực hoặc không muốn minh bạch hóa hoạt động của công ty.
Cổ đông bị hạn chế chuyển nhượng CP vì nhiều DN không muốn trở thành công ty đại chúng. Cổ đông bị hạn chế chuyển nhượng CP vì nhiều DN không muốn trở thành công ty đại chúng.

Trên thực tế, cổ phần được coi là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu tài sản này được thực hiện trọn vẹn những quyền sở hữu của mình (chiếm hữu, sử dụng và định đoạt). Quyền định đoạt ở đây thể hiện là được phép tặng, cho, chuyển nhượng. Tuy nhiên, trên thực tế, các chủ sở hữu cổ phần lại bị hạn chế quyền này, vậy việc hạn chế đó có trái với quy định của pháp luật hay không?

Theo quy định, DN là công ty đại chúng khi đáp ứng một trong các điều kiện:

- Đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng.

- Có cổ phiếu niêm yết tại Sở GDCK.

- Có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên.

Như vậy, DN chỉ cần đáp ứng 1 trong 3 điều kiện trên thì đương nhiên trở thành công ty đại chúng. Trong 3 điều kiện đó, hai điều kiện (1 và 2) thuộc vào trường hợp DN chủ động trở thành công ty đại chúng, bởi việc đăng ký niêm yết hoặc chào bán là do quyết định của DN, DN có thể kiểm soát được điều này. Trường hợp 3, về số cổ đông thì DN hoàn toàn không kiểm soát được, bởi các cổ đông thường xuyên chuyển nhượng cổ phần, giao dịch diễn ra liên tiếp có thể đẩy số lượng cổ đông của CTCP lên con số 100 và khi đó, dù có muốn hay không thì DN vẫn đương nhiên trở thành công ty đại chúng.

Tuy nhiên, một số DN chưa sẵn sàng trở thành công ty đại chúng trong khi họ đã đầy đủ điều kiện khách quan về vốn, một giải pháp mà các DN này sử dụng là hạn chế chuyển nhượng cổ phần hoặc quy định chuyển nhượng cổ phần có điều kiện để khống chế số lượng cổ đông dừng lại ở con số dưới 100.

Tại điểm d khoản 1, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định về quyền của cổ đông phổ thông, một trong các quyền đó là quyền tự do chuyển nhượng cổ phần. Như vậy, vậy quy định về hạn chế chuyển nhượng cổ phần đối với cổ đông không thuộc đối tượng bị cấm hoặc hạn chế chuyển nhượng theo quy định của pháp luật đã xâm phạm đến quyền chủ sở hữu tài sản (quyền định đoạt) của các cổ đông.

Điều này gây ra các hệ lụy là các cổ đông vẫn tiến hành giao dịch, nhưng công ty không chứng nhận cho những giao dịch này và gây ra những tranh chấp về quyền chủ sở hữu cổ phần trong công ty, không những thế các cổ đông sẽ không tiếp cận được thông tin về tình hình hoạt động của công ty, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền cổ đông.

Bên cạnh đó, sự tồn tại của những công ty về bản chất là đại chúng rồi những trên giấy tờ thì chưa là đại chúng gây rất nhiều khó khăn cho việc quản lý của cơ quan nhà nước, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của nền kinh tế nói chung.

Giải quyết vấn đề này cần sự can thiệp của các cơ quan nhà nước và cần hơn hết là ý thức tự giác tuân thủ pháp luật của các DN và sự am hiểu của các cổ đông khi thực hiện quyền đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình.

Nguyễn Minh Tú, Quận 1, TP. HCM
Nguyễn Minh Tú, Quận 1, TP. HCM