Cổ đông lớn “thoát hàng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ đông lớn hoặc cổ đông nội bộ bán ra cổ phiếu là yếu tố đáng lưu ý, nhưng cũng cần xem xét trên nhiều khía cạnh.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh trở lại kể từ đầu tháng 8 cho thấy, kênh đầu tư chứng khoán vẫn rất hấp dẫn giới đầu tư. Ảnh: Dũng Minh. Thanh khoản thị trường tăng mạnh trở lại kể từ đầu tháng 8 cho thấy, kênh đầu tư chứng khoán vẫn rất hấp dẫn giới đầu tư. Ảnh: Dũng Minh.

Tranh thủ bán khi giá cao

Chỉ trong 2 tuần đầu tháng 8/2021, giá cổ phiếu DIG của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng tăng khoảng 40%, từ 25.000 đồng/cổ phiếu lên 34.000 - 35.000 đồng/cổ phiếu.

Tranh thủ cơ hội giá đang ở vùng đỉnh mới, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thiên Tân bán ra hơn 6,21 triệu cổ phiếu DIG vào ngày 12/8 (giá đóng cửa phiên này là 32.550 đồng/cổ phiếu). Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của cổ đông trên tại DIG giảm từ 18,34% xuống 16,83% (ngày 10/8 trước đó đã bán ra hơn 5,52 triệu cổ phiếu DIG).

Trong 2 ngày 16 - 17/8, Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam đã thực hiện bán gần 10 triệu cổ phiếu DIG, giảm sở hữu từ mức 21,25% xuống 18,81%. Tạm tính theo mức giá bình quân 33.500 đồng/cổ phiếu trong 2 phiên này, Địa ốc Him Lam thu về khoảng 335 tỷ đồng sau giao dịch.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo DIG cho rằng, việc cổ đông lớn tranh thủ bán ra khi thị trường thuận lợi, giá cổ phiếu tăng là điều bình thường.

Trong khi đó, bản thân một số thành viên Hội đồng quản trị DIG lại đăng ký mua vào. Đối với biến động giá cổ phiếu DIG, đây là diễn biến theo tâm lý kỳ vọng của nhà đầu tư.

Còn về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm 2021, DIG ghi nhận doanh thu 1.116,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 96,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 24,2% và 74% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp xa so với kế hoạch cả năm là doanh thu hợp nhất 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.444 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp thường tập trung vào quý IV.

Với cổ phiếu VHM của Công ty cổ phần Vinhomes, từ ngày 19/8 đến 17/9, Viking Asia Holdings II Pte.Ltd, quỹ thuộc Kohlberg Kravis Roberts (KKR) đăng ký bán hơn 31,94 triệu đơn vị. Nếu giao dịch thành công, quỹ của KKR giảm tỷ lệ sở hữu tại VHM xuống 4,6%, tương ứng hơn 153,8 triệu cổ phiếu.

Được biết, số cổ phiếu trên nằm trong tổng số 6% cổ phiếu VHM mà nhóm nhà đầu tư KKR đã mua thỏa thuận trong tháng 6/2020 với giá 75.000 đồng/cổ phiếu. Với thị giá VHM 108.100 đồng/cổ phiếu hiện nay, quỹ của KKR có thể thu về gần 3.600 tỷ đồng từ việc thoái vốn, tương đương đạt mức lợi nhuận hơn 44%.

Cũng từ ngày 19/8 đến 17/9, Tập đoàn Vingroup - CTCP đăng ký bán 100,48 triệu cổ phiếu VHM.

Về mục đích bán cổ phiếu VHM, Quỹ Viking Asia Holdings II Pte.Ltd muốn có thêm vốn để thực hiện kế hoạch kinh doanh, còn Vingroup muốn tăng nguồn vốn hoạt động và đầu tư vào các công ty con.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, VHM ghi nhận doanh thu 41.711 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 15.629 tỷ đồng, tăng lần lượt 82% và 52% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành 46% và 45% kế hoạch năm 2021 (doanh thu 90.000 tỷ đồng, lợi nhuận 35.000 tỷ đồng).

Tương tự, trong bối cảnh giá cổ phiếu CKG của Công ty cổ phần Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (CKG) đạt đỉnh mới, 2 thành viên Hội đồng quản trị đăng ký bán 1,6 triệu cổ phiếu, từ ngày 19/8 - 17/09.

Cùng với diễn biến khả quan của thị trường chứng khoán, nhất là thanh khoản tăng cao, nhiều cổ phiếu chứng khoán liên tục lập kỷ lục về giá. Gần đây, một số cổ đông lớn đăng ký bán bớt cổ phiếu nhóm này.

Chẳng hạn, Daiwa Securities Group Inc đăng ký bán 15,3 triệu cổ phiếu SSI của Công ty Chứng khoán SSI, từ ngày 18/8 đến 16/9/2021, trong tổng số gần 118,3 triệu cổ phiếu SSI đang sở hữu (chiếm tỷ lệ 17,99%). Giá cổ phiếu SSI hiện có mức tăng trên 80% so với đầu năm 2021, đóng cửa cuối tuần qua tại 62.500 đồng/cổ phiếu.

Công ty Chứng khoán Agribank (AGR) đã hoàn thành việc bán toàn bộ 800.000 cổ phiếu quỹ, với giá bình quân 14.156 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 11 tỷ đồng. Giá cổ phiếu này hiện là 16.100 đồng/cổ phiếu, gấp hơn 5 lần so với mức đáy tháng 4/2020. Trong nửa đầu năm 2021, AGR đạt doanh thu 1.116,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 96,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 24,2% và 74% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều khía cạnh cần xem xét

Động thái đăng ký mua - bán cổ phiếu của cổ đông lớn, nhất là lãnh đạo doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trên thị trường.

Bởi lẽ, họ là người hiểu rõ tình hình nội tại của doanh nghiệp, cơ cấu tài chính, định hướng chiến lược và triển vọng phát triển. Do đó, việc lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký bán ra lượng lớn cổ phiếu khi cổ phiếu tăng giá mạnh phần nào thể hiện mức định giá hiện tại có dư địa tăng thêm không nhiều.

Vì thế, giá cổ phiếu thường có diễn biến giảm trước các động thái thoái vốn của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, dù mục đích bán có thể chỉ nhằm phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân.

Phó tổng đốc một công ty chứng khoán cho rằng, giá cổ phiếu có biến động tiêu cực khi lãnh đạo doanh nghiệp hay cổ đông lớn đăng ký bán ra nên được xem xét trên nhiều khía cạnh. Về mặt tâm lý, đây là thông tin không tích cực, nhưng cũng tuỳ từng trường hợp, nhà đầu tư không nên vội vã bán theo.

Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ xem động thái bán ra của các đối tượng trên xuất phát từ lý do gì, hoạt động đăng ký bán này có tương quan với giao dịch của các cổ đông lớn khác hay không.

Trên thực tế, không phải lúc nào cổ đông nội bộ đăng ký bán ra thì cổ phiếu sẽ có nguy cơ giảm giá. Ngoài ra, có những trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký bán, nhưng cuối cùng không thực hiện, hoặc chỉ bán được với số lượng nhỏ.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho biết, thanh khoản thị trường tăng mạnh trở lại kể từ đầu tháng 8 cho thấy kênh đầu tư chứng khoán vẫn rất hấp dẫn giới đầu tư, dù hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dần bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi đại dịch Covid-19.

Đối với người bán, giá cổ phiếu thời gian qua liên tục tăng, nay thực hiện chốt lời là hợp lý, nhưng cổ phiếu đó không phải đã hết dư địa tăng. Trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp quá tập trung vào việc mua bán cổ phiếu nhằm kiếm lời hơn là phát triển doanh nghiệp thì nhà đầu tư nên thận trọng, trừ khi muốn “lướt sóng”.

Việc bán ra cổ phiếu có thể nhằm chốt lời, phục vụ mục đích cá nhân, hay tái cơ cấu danh mục và thường ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư khác.

Theo Công ty Chứng khoán BIDV, cổ đông nội bộ tại nhiều doanh nghiệp mạnh tay mua vào cổ phiếu trong giai đoạn tháng 3 - 11/2020, khi mặt bằng giá cổ phiếu giảm sâu do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Sau đó, các đối tượng này có động thái bán ra trong quý I/2021 và thời gian gần đây, ở mặt bằng giá cao.

Cổ đông nội bộ là người hiểu rõ về doanh nghiệp, nên họ mua cổ phiếu khi giá giảm và bán khi giá tăng nhằm chốt lời là bình thường, đồng thời là chỉ báo đầu tư cho người khác. Với những cổ phiếu tăng giá mạnh trong thời gian ngắn, động thái chốt lãi không chỉ diễn ra ở nhóm cổ đông nội bộ, mà còn ở các nhóm khác.

Việc bán ra có thể chỉ đơn giản là hiện thực hóa lợi nhuận, nhưng cũng hàm ý giá cổ phiếu vượt qua giá trị thực. Nhà đầu tư cần thận trọng khi mua, nếu đang nắm giữ cổ phiếu thì cũng không nhất thiết phải hành động theo nhóm cổ đông này, nhất là khi số lượng bán ra không nhiều và doanh nghiệp nói riêng, thị trường chứng khoán nói chung vẫn có triển vọng tăng trưởng.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục