Cổ đông lớn “đảo hàng” ngoạn mục

0:00 / 0:00
0:00
Dù có hay không thể đong đếm bằng tiền, thì những cú “đảo hàng” của cổ đông lớn thời gian qua đã thu hút sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư.
CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân - một cổ đông lớn của DIC Corp mua vào 38 triệu cổ phiếu DIG (tương đương 50,7% lượng cổ phiếu phát hành). CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân - một cổ đông lớn của DIC Corp mua vào 38 triệu cổ phiếu DIG (tương đương 50,7% lượng cổ phiếu phát hành).

Thiên Tân mua lại cổ phiếu DIG với giá bằng 2/3 giá bán ra

Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG - HoSE) vừa hoàn tất việc phát hành riêng lẻ 75 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, huy động 1.500 tỷ đồng để đầu tư Dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu.

Đáng chú ý nhất trong đợt phát hành lần này là động thái mua vào 38 triệu cổ phiếu DIG (tương đương 50,7% lượng cổ phiếu phát hành) của CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân - một cổ đông lớn của DIC Corp.

Trước khi mua vào lượng cổ phiếu trên, Thiên Tân liên tục bán ra cổ phiếu DIG để giảm sở hữu. Cụ thể, ngày 10/8 bán ra 5,52 triệu cổ phiếu; ngày 12/8 bán ra 6,21 triệu cổ phiếu; ngày 27/8 bán ra 2,48 triệu cổ phiếu; ngày 31/8 bán ra 3 triệu cổ phiếu; ngày 29/9 bán ra hơn 2 triệu cổ phiếu. Sau các giao dịch bán liên tục, Thiên Tân chỉ còn sở hữu 13,6% vốn điều lệ tại DIC Corp.

Điểm đáng lưu ý là, các thời điểm mà Thiên Tân thực hiện bán cổ phiếu, giá cổ phiếu DIG hầu như giao dịch ở mức giá trên 30.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, Thiên Tân lại được mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ với giá 20.000 đồng/cổ phiếu.

Mặc dù lượng cổ phiếu mới mua vào này bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm, nhưng cổ phiếu DIG được giới đầu tư nhận định là vẫn rất tiềm năng trong thời gian tới.

Bằng chứng là, bất chấp việc liên tục bị các cổ đông lớn, gồm Thiên Tân và Him Lam, “chốt lời”, cổ phiếu DIG vẫn liên tục tăng giá, phá vỡ đỉnh cũ sau hơn 10 năm niêm yết trên sàn. Đi kèm với đó là thanh khoản được cải thiện đáng kể, có những phiên khớp lệnh trên 22 triệu đơn vị, trung bình 10 phiên trở lại đây khoảng 7 triệu đơn vị/phiên.

Về hoạt động kinh doanh, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng khá lớn đến hầu hết các lĩnh vực nói chung và ngành xây dựng bất động sản nói riêng, nhưng DIC Corp vẫn ghi nhận những dấu hiệu tích cực.

Lũy kế nửa đầu năm 2021, DIC Corp ghi nhận doanh thu thuần tăng 26% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.117 tỷ đồng và lãi ròng tăng 26%, đạt 92 tỷ đồng. Công ty đặt mục tiêu khá tham vọng trong năm 2021 với kế hoạch doanh thu thuần 2.800 tỷ đồng, lãi trước thuế 1.444 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 60% so với thực hiện năm 2020.

Trong tương lai, DIC Corp còn nhiều tiềm năng phát triển khi sở hữu quỹ đất sạch hơn 8.000 ha ở các vị trí đắc địa tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Hậu Giang, Hà Nam…

Bên cạnh đó, Công ty cũng có lượng lớn “của để dành”. Tại thời điểm cuối tháng 6/2021, DIC Corp có 2.088 tỷ đồng ghi nhận trong khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn. Nếu đảm bảo đúng tiến độ bàn giao, “của để dành” sẽ được ghi nhận vào doanh thu, lợi nhuận của Công ty.

HDI môi giới PVI cho thành viên WB giúp giá cổ phiếu tăng mạnh

Một trường hợp khác cũng thu hút sự chú ý của thị trường thời gian qua là các giao dịch mua/bán liên tục đối với cổ phiếu PVI của HDI Global SE - cổ đông lớn nhất của của Công ty cổ phần PVI (mã PVI - HNX).

Trước đó, HDI Global SE bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt vi phạm hành chính với các lỗi liên quan đến việc quỹ này đã thực hiện một hoặc một số giao dịch nhằm che giấu quyền sở hữu thực sự đối với cổ phiếu PVI để trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin. Đồng thời, HDI Global SE đã vi phạm tỷ lệ nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu PVI.

Cùng với hình phạt về tiền với 185 triệu đồng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước còn buộc HDI Global SE “phải chuyển nhượng cổ phiếu trong thời hạn tối đa 60 ngày để giảm tỷ lệ nắm giữ theo đúng quy định”.

Sau động thái thực hiện chuyển nhượng bớt 13,8 triệu cổ phần PVI cho Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC), HDI Global SE lập tức mua lại hơn 9,2 triệu cổ phần PVI cũng từ chính HSC. Điều này được giới theo dõi thị trường cho là động tác “nhờ giữ hộ” nhằm giải quyết dứt điểm lệnh phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Một giao dịch cũng đáng chú ý không kém của HDI Global SE đối với cổ phiếu PVI diễn ra ngày 6/8/2021, khi quỹ này “sang tay” hơn 14 triệu cổ phiếu PVI cho Công ty Tài chính quốc tế (IFC) - một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) với giá 35.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, HDI Global SE và IFC đã ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của PVI.

Sau giao dịch này, cổ phiếu PVI đã vượt mốc 40.000 đồng/cổ phiếu và duy trì đà tăng tích cực từ đó đến nay. Đỉnh điểm, trong phiên giao dịch ngày 23/9, cổ phiếu PVI khớp lệnh giá cao nhất 52.000 đồng/cổ phiếu.

Không dễ đong đếm bằng tiền như trường hợp “đảo hàng” của Thiên Tân với cổ phiếu DIG, nhưng có thể nói, động thái liên tục đảo hàng của HDI Global SE với cổ phiếu PVI đã giúp quỹ này giải quyết dứt điểm lùm xùm trước đó, đồng thời kêu gọi được một đối tác rất mạnh là IFC cùng tham gia đầu tư vào PVI.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.02 -6.16 -0.48% 108,400 tỷ
HNX 243.11 -0.8 -0.33% 977 tỷ
UPCOM 91.55 0.07 0.07% 353 tỷ