Tập đoàn ANA đẩy mạnh chiến lược đa thương hiệu nhằm tận dụng sức mạnh của thương hiệu ANA và thúc đẩy nhu cầu của những thị trường chưa phát triển dịch vụ hàng không truyền thống, đồng thời mở rộng thị phần của tập đoàn với những giá trị nâng cao. ANA sở hữu đội máy bay khoảng 240 chiếc, khai thác tới 88 điểm đến và vận chuyển khoảng 47 triệu lượt hành khách. Hiện nay, ANA là hãng hàng không hàng đầu Nhật Bản về doanh thu và sản lượng hành khách.
Tầm nhìn của ANA là “trở thành tập đoàn hàng không hàng đầu thế giới trong việc mang lại sự hài lòng cho khách hàng và sáng tạo nên giá trị”. Hãng này còn đặt ra các mục tiêu cần thiết để cải thiện hiệu suất hoạt động, tài chính, môi trường kinh doanh và công bố kế hoạch giới thiệu tàu bay mới vào đội tàu của hãng - Airbus A380.
Trong 5 năm tới, ANA cũng đặt ra nhiều kế hoạch tham vọng như doanh thu hành khách và hàng hóa quốc tế tăng trưởng đạt 40% và doanh thu từ hoạt động hàng không giá rẻ tăng gấp 3 lần. Mở rộng đội tàu bay với số lượng khoảng 300 tàu, trong đó 3/4 sẽ là những dòng máy bay tiết kiệm nhiên liệu…
Vietnam Airlines ở đâu trong chiến lược của ANA?
Không phải ngẫu nhiên ANA lựa chọn Vietnam Airlines để trở thành cổ đông chiến lược. Với con số kinh doanh ấn tượng trong hơn 20 năm qua, tổng doanh thu của Vietnam Airlines (VNA) đạt 622.000 tỉ đồng, tăng trưởng bình quân 15,97%/năm, tổng lợi nhuận trước thuế gần 12.500 tỉ đồng, 20 năm liên tục có lãi.
Hợp tác với Vietnam Airlines là thương vụ đầu tư quan trọng ở thị trường châu Á và là số tiền đầu tư có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của ANA. Lợi ích thu được từ việc phát triển hơn ở châu Á cũng có ý nghĩa rất lớn với ANA.
Hiện tại, mạng đường bay của Vietnam Airlines kết nối tới 20 điểm nội địa, 29 điểm đến quốc tế và hiện đang khai thác 66 chuyến bay mỗi tuần tới Nhật Bản bao gồm: sân bay Narita, Haneda (Tokyo), sân bay Chubu (Nagoya), sân bay Kansai (Osaka) và sân bay Fukuoka. Châu Á là thị trường trọng điểm của ANA trong chiến lược mở rộng quy mô hoạt động quốc tế và Vietnam Airlines là đối tác lý tưởng bởi hai bên có những tương đồng về trình độ phát triển ở mức cao, cách thức tiếp cận khách hàng và hoạt động hiệu quả. Hợp tác với Vietnam Airlines sẽ giúp ANA tăng cường mạng bay của ANA giữa châu Á và Bắc Mỹ, tận dụng được sự phát triển của thị trường châu Á.
Ở khía cạnh khác, việc bán cổ phần chiến lược cho một tập đoàn hàng đầu Nhật Bản cũng khẳng định vị thế chủ lực của Vietnam Airlines với tư cách hãng hàng không quốc gia, coi trọng hiệu quả kinh tế đi đôi với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ... Việc học hỏi những kinh nghiệm quản trị tiên tiến cũng giúp Vietnam Airlines phấn đấu đạt mục tiêu trở thành hãng hàng không tiên tiến, thuộc nhóm hãng hàng không đứng đầu khu vực ASEAN về quy mô, giữ vị trí chủ chốt trong vận tải hàng không tiểu vùng CLMV (Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam), xây dựng Vietnam Airlines thành thương hiệu có uy tín trên thị trường quốc tế.
Đặc biệt, những định hướng chiến lược của ANA cũng phù hợp với phương châm kinh doanh “khách hàng là trung tâm” của Vietnam Airlines. Sự hợp tác này cũng góp phần đẩy mạnh việc kết hợp các yếu tố dịch vụ với các yếu tố văn hóa, tinh thần nhằm tạo ra bản sắc văn hóa trong dịch vụ Vietnam Airlines, khác biệt rõ nét với các hãng cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2020, Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không được ưa chuộng ở châu Á về chất lượng dịch vụ trên không và mặt đất.