Cổ đông bất đắc dĩ

(ĐTCK) Tại ĐHCĐ của Ngân hàng ACB, một cổ đông nhỏ nêu vấn đề tỷ lệ cổ phiếu mà cổ đông hiện hữu được chia trong đợt tăng vốn điều lệ sắp tới là 1,41%, con số chia này rất lẻ, dẫn đến các cổ đông nhỏ thiệt thòi do không thể giao dịch cổ phiếu lô lẻ dưới 100 đơn vị qua sàn Hà Nội. Cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu nhận được 14,1 cổ phiếu mới không thể bán hay cổ đông sở hữu 10.000 cổ phiếu nhận được 141 cổ phiếu mới thì có 41 cổ phiếu không bán được trên sàn. Cổ đông sở hữu 100.000 cổ phiếu nhận 1.410 cổ phiếu mới, dư 10 cổ phiếu lẻ.
Nhà đầu tư không thích thú gì khi quyền lợi bị vơi đi ít nhiều. Nhà đầu tư không thích thú gì khi quyền lợi bị vơi đi ít nhiều.

Theo chính sách của ACB, trường hợp số cổ phiếu được chia có phần lẻ thập phân sẽ được chuyển cho Công đoàn ACB để làm cổ phiếu thưởng cho cán bộ, công nhân viên. Như vậy, số cổ đông sở hữu mỗi người vài ngàn cổ phiếu ACB là số cổ đông chiếm đa số sẽ mất phần "cổ phiếu thập phân" này cho Công đoàn. Theo tỷ lệ 1,41% nêu trên thì các cổ đông sẽ có cổ phiếu lô lẻ trong tài khoản của mình.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB phân trần, việc tăng vốn điều lệ của ACB lần này một phần là lấy từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Làm theo quy định nên ACB không thể chia số tròn hơn, do đó "mong quý vị cổ đông thông cảm".

Như vậy, trong đợt tăng vốn bằng quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ theo tỷ lệ 1,41% này, chỉ có cổ đông nào giữ tròn 1 triệu cổ phiếu sẽ không bị chia cổ phiếu thập phân và không bị cổ phiếu lô lẻ vì nhận được tròn 14.100 cổ phiếu.

Để đảm bảo quyền lợi của cổ đông nhỏ, một cổ đông cho rằng, vào thời điểm đưa cổ phiếu mới lên niêm yết, ACB có thể giao cho CTCK ACBS thu mua lại cổ phiếu lô lẻ với giá bằng giá giao dịch trên thị trường để cổ đông có thể bỏ thêm tiền mua tròn lô 100 cổ phiếu hoặc nếu không có nhu cầu mua thêm thì cổ đông cũng bán được cổ phiếu đúng giá thị trường. Theo nhà đầu tư này, dù tỷ lệ thiệt thòi rất nhỏ, nhưng gộp chung lại quyền lợi của mấy chục ngàn cổ đông thì con số không hề nhỏ. Với lại, nhà đầu tư không thích thú gì khi quyền lợi bị vơi đi ít nhiều.

Nếu để nhiều cổ đông bất đắc dĩ sở hữu cổ phiếu lô lẻ dưới 100 cổ phiếu thì chi phí chăm sóc, gửi tài liệu thường xuyên cho những cổ đông này còn tốn kém hơn chi phí bỏ ra mua lại cổ phiếu lô lẻ theo giá thị trường. Đương nhiên, nếu mua lại cổ phiếu lô lẻ thì ACBS chỉ mất công, chứ cũng không mất nhiều chi phí, vì có thể gom cổ phiếu lại để bán trên sàn. Cổ đông của ACB mở tài khoản ở nhiều CTCK khác nhau, nhưng không hẳn là không có biện pháp xử lý cho tình huống này. Biết đâu, việc ACBS có chính sách mua cổ phiếu lô lẻ bằng thị giá lại thu hút thêm được tài khoản chứng khoán của cổ đông chuyển về (các CTCK thường thu mua cổ phiếu lô lẻ với giá rẻ).

Liên quan đến trường hợp này, một cổ đông của CTCK Sài Gòn (SSI) đã bán hết cổ phiếu SSI bất ngờ nhận được giấy mời họp ĐHCĐ. Hóa ra, trong tài khoản vẫn còn 5 cổ phiếu lẻ được chia không bán được. 5 cổ phiếu SSI trị giá không đáng là bao, xem ra chi phí SSI gửi thư mời, phát tài liệu, tiếp đón mấy cổ đông kiểu này còn tốn kém hơn. Sau khi ACB tăng vốn lần này, chắc cũng có không ít cổ đông bất đắc dĩ sở hữu cổ phiếu lô lẻ như vậy.

Thế nên, nếu bớt đi các cổ đông bất đắc dĩ thì những doanh nghiệp như SSI hay ACB sẽ tiết kiệm được chi phí. Vì người cũng là vì mình.

Xuân Phương
Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục