“Cổ đất” sẽ giảm vai trò dẫn dắt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù “lên bổng, xuống trầm” và có những giai đoạn tưởng như không thể gượng dậy, nhưng 2023 vẫn là năm cổ phiếu bất động sản cho thấy vị thế “đầu kéo” của mình. Bà Trần Thị Lan Anh - Trưởng phòng Tư vấn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam có những chia sẻ khi nhìn lại diễn biến “cổ đất” thời gian qua.
“Cổ đất” sẽ giảm vai trò dẫn dắt

Chỉ còn hơn một tháng nữa là hết năm 2023, nhìn lại thị trường thời gian qua và chọn ra từ khóa, theo bà đó là gì?

Theo tôi, “bất động sản” có lẽ là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên các công cụ tra cứu, không chỉ riêng thị trường bất động sản mà cả trên thị trường chứng khoán.

Một điều dễ nhận thấy là thị trường trải qua 12 tháng từ tháng 11/2022 đến tháng 11/2023 với một nhịp tăng mạnh, khi chỉ số VN-Index tăng từ 874 điểm lên 1.245 điểm và dẫn dắt đợt tăng giá này chính là sự phục hồi ấn tượng của nhóm cổ phiếu bất động sản, sau khi mất đến 80-90% thị giá trong nửa cuối năm 2022.

Nhìn chung, các đợt tăng - giảm của VN-Index trong năm 2023 đều đi theo sự biến động của nhóm cổ phiếu này. Vì vậy, tôi cho là nhóm bất động sản là nhóm dẫn dắt thị trường chứng khoán trong suốt 12 tháng qua.

Còn về nhóm ngành, bà ấn tượng với nhóm ngành nào nhất?

Như tôi đã chia sẻ ở trên, trong 12 tháng qua, chỉ số VN-Index diễn biến theo sự tăng - giảm của nhóm cổ phiếu bất động sản. Đây là nhóm ngành mà những nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm, nhạy bén với thị trường đã thu được lợi nhuận tốt.

Đứng ở góc độ đầu tư dài hạn, nhóm cổ phiếu bất động sản không phải là nhóm mục tiêu nắm giữ vì câu chuyện kinh doanh của nhóm này hầu như không có tăng trưởng, nhưng đây lại là nhóm được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ và chính sách này sẽ còn kéo dài.

Hiện tại, sự quan tâm của Chính phủ tới thị trường bất động sản là rất lớn khi các chỉ đạo gỡ khó liên tục được đưa ra. Theo bà, cổ phiếu nhóm này sẽ chuyển biến thế nào trong thời gian tới?

Theo số liệu thống kê cập nhật đến ngày 30/9/2023, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022 và chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế, cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này trong nền kinh tế.

Chính phủ đã và đang hết sức nỗ lực hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, nhưng theo quan điểm của tôi, trong ngắn hạn, dư địa chính sách không còn nhiều nên chúng ta không nên quá kỳ vọng.

Liệu có cơ hội cho dòng tiền lớn chảy vào nhóm cổ phiếu này khi gần đây có nhiều hơn thông tin về các thương vụ M&A dự án?

Theo tôi, câu chuyện M&A dự án sẽ không tác động nhiều tới thị giá cổ phiếu, bởi bản chất cổ phiếu tăng giá cần dựa vào nội lực của chính doanh nghiệp. Bởi vậy, trong ngắn hạn cũng như cả năm 2024, cơ hội tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận của ngành bất động sản nói chung không được đánh giá cao.

Theo đó, trong năm tới, cổ phiếu nhóm này sẽ chỉ tăng giá dựa theo đà tăng của thị trường, tức không còn là nhóm dẫn dắt như giai đoạn vừa qua. Đây là điều các nhà đầu tư cần lưu ý.

Vậy hiện tại có lẽ là lúc thích hợp cho các dự báo về triển vọng thị trường cuối năm 2023?

Đứng ở góc nhìn dài hạn, tôi cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một đáy 2 dài hạn tại tuần đầu tiên của tháng 11/2023 (lưu ý đáy 1 dài hạn được thiết lập ở mốc 874 điểm tháng 11/2022). Nhìn rộng ra, chúng ta có một đáy đôi dài hạn được kéo dài trong 12 tháng, nên có thể lạc quan về thị trường trong 2-3 năm tới, đặc biệt trước triển vọng nâng hạng từ thị trường mới nổi lên thị trường cận biên vào năm 2025.

Xa hơn chút nữa, năm 2024 thì sao?

Nhìn thị trường gần hơn từ nay đến hết quý I/2024, tôi kỳ vọng chỉ số VN-Index dao động quanh biên độ 1.080-1.220 điểm.

Thành Nguyễn thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục