Cò đất làm náo loạn các vùng quê

(ĐTCK) Đất dự án, đất đô thị rất khó “có cửa” tăng theo ngày, theo tuần, thế nên cò đất và giới đầu cơ luôn chọn những khu vực tranh tối, tranh sáng và càng rẻ càng tốt để… dàn trận.
Săn đất ở Châu Đức. Ảnh: Tăng Triển

Những vùng quê không yên tĩnh

Bảo Lộc (Lâm Đồng), Long Khánh (Đồng Nai), Hớn Quản (Bình Phước), Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), Măng Đen (Kim Tum)… vốn chỉ là những miền quê, thậm chí miền rừng vắng vẻ, thanh bình, được một số người phố muốn “lánh đời” tìm về lập trang trại, nhà vườn, nhưng như vết dầu loang, cơn sốt đất vì những lý do khá “ất ơ” theo cách nói của một môi giới ở Bình Phước, đã phá tan sự yên bình này.

Cuối tuần qua, trong vai nhà đầu tư đi lùng mua đất, chúng tôi đã tìm về các khu vực vùng ven của tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, những nơi được xem là điểm nóng săn đất của giới đầu tư. Một “cò” đất khá chuyên nghiệp tên Sang đưa chúng tôi đi khá nhiều nơi, trong đó Sang giới thiệu khu vực các xã Đá Bạc và Suối Rao thuộc huyện Châu Đức của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với lời rỉ tai, “đây là những khu vực được khách quan tâm nhất hiện nay”.

“Từ đầu năm đến nay, sau khi có thông tin cơ quan chức năng khảo sát khu vực này làm khu công nghiệp, ngày nào cũng có nhiều đoàn nhà đầu tư tìm đến để mua đất, khiến giá tăng nhanh chóng mặt”, “cò” Sang nói và đưa tay chỉ cho chúng tôi một khu đất đang trồng tiêu ở xã Đá Bạc có diện tích 2,06 ha đang được chủ đất kêu bán với giá 13 tỷ đồng.

“Khu này hôm trước Tết có giá chỉ khoảng 7 tỷ đồng, nhưng nay chủ đất nói có người đã đồng ý mua 12 tỷ đồng mà chưa bán, nên chắc giá 13 tỷ đồng, nếu không nhanh tay, ít bữa giá sẽ lại tăng”, Sang “chém”.

Đá Bạc và Suối Rao là 2 xã thuộc huyện vùng bán sơn địa của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phần lớn đất đai ở đây được người dân trồng tiêu, cà phê và các cây công nghiệp khác. Thời gian gần đây, nhiều người tìm đến mua và cơn sốt từ âm ỉ đến sôi trào. Không ít người nông dân quanh năm chỉ biết bám rẫy, bám vườn, bỗng chốc trở thành tỷ phú nhờ bán đất, bỏ hẳn làm rẫy, suốt ngày chơi bời, bia rượu, vì cũng chẳng còn đất mà làm.

Ngoài Đá Bạc, Suối Rao, nhiều khu vực khác của huyện Châu Đức như Ngãi Giao, Kim Long, Bình Ba dọc theo trục Quốc lộ 56, giá đất cũng tăng chóng mặt. Một số khu đất mặt tiền đường Quốc lộ 56 của thị trấn Ngãi Giao giá đất đang được giao dịch với mức 2 tỷ đồng một mét dài, sâu 30 mét; phía bên trong, giá đất đã vượt mức 1 tỷ đồng/1 sào và theo “cò” Sang, so với đầu năm 2020, giá đã tăng gấp đôi.

Không chỉ ở Châu Đức, tại những khu vực nông thôn thuộc các huyện Cẩm Mỹ, Trảng Bom (Đồng Nai), những vùng quê vốn yên bình với nghề làm rẫy, nay cũng không còn yên tĩnh khi dòng người ở nhiều nơi đổ về.

Cảnh quen thuộc ở nhiều miền quê. Ảnh: Tăng Triển

Anh Tính, một người dân ở xã Ông Quế (huyện Cẩm Mỹ) chia sẻ với giọng điệu đầy tiếc nuối khi kể rằng, gia đình anh có 1,2 ha đang trồng cà phê, do kẹt tiền nên năm 2017 đã bán 4 sào (1 sào Nam Bộ tương ứng 1.000 m2), với giá 700 triệu đồng/sào, sau đó lên Bình Dương mua một căn nhà cho con ở học.

“Nhà tôi mua ở Bình Dương giá 2,7 tỷ đồng, giờ cũng tăng thêm được tầm 500 triệu đồng, nhưng giá như hồi đó đừng bán rẫy thì giờ 4 sào này bán được ít nhất 4 tỷ đồng”, anh Tính kể và cho biết, sau khi bán đất, đến giờ người mua vẫn giao anh sử dụng để làm rẫy chứ không thấy có kế hoạch gì.

Theo tìm hiểu, chẳng riêng anh Tính, mà nhiều người dân ở các xã Ông Quế 1, Ông Quế 2 gần đây cũng đua nhau bán đất, có những người chỉ vỏn vẹn sở hữu mấy sào đất cũng bán đứt luôn lấy tiền tiêu xài. Điển hình như trường hợp của ông T. có 3 sào đất của cha mẹ cho để làm nhà và trồng tiêu, đầu năm 2021 đã bán với giá 2,1 tỷ đồng. Hiện ông T. vẫn được chủ đất mới cho ở và canh tác trên mảnh đất này, nhưng hàng xóm kể lại, gia đình gần đây suốt ngày lục đục cãi nhau vì chuyện chia tiền rồi nhậu nhẹt và tiêu xài phóng túng.

Tại Long Khánh, Đồng Nai, kể từ sau cột mốc Long Khánh từ thị xã lên thành phố, mặc dù về cơ bản, hạ tầng đường sá, hay các tiện ích công cộng khác vẫn không có gì thay đổi, nhưng thị trường bất động sản Long Khánh lại chứng kiến cơn sốt đất nóng lên một cách lạ thường. Theo ghi nhận của phóng viên Đầu tư Chứng khoán, giá đất tại nhiều khu vực ở Long Khánh hiện tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với đầu năm nay.

Anh Tuấn, một người dân ở xã Bảo Vinh, Long Khánh cho biết, anh có một mẫu đất rẫy (10.000 m2), cuối năm 2018, có người đặt vấn đề mua 3,2 tỷ đồng nhưng anh không bán, song mới đây khi nghe thông tin anh có ý định bán đất, nhiều người tìm đến hỏi mua và cuối cùng anh đã chốt bán cho một khách hàng ở TP.HCM với mức giá 10 tỷ đồng.

“Sau khi bán đất, tôi mua một căn nhà ở quận Thủ Đức cho con ở học, số tiền còn lại gửi ngân hàng lấy lãi”, anh Tuấn chia sẻ và cho biết, không chỉ riêng anh, mà nhiều người khác ở Long Khánh lâu nay chỉ biết có làm rẫy, làm vườn, bỗng chốc đã trở thành những tỷ phú nhờ bán đất.

Sức nóng của thị trường đất nền không chỉ diễn ra ở Đồng Nai hay Bà Rịa - Vũng Tàu, mà từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều khu vực khác như Bình Phước, Lâm Đồng... cũng trở thành điểm nóng săn đất rẫy, đất vườn, khiến giá đất bị đẩy lên bất thường. Không ít người nông dân tay lấm chân bùn bỗng chốc trở thành tỷ phú, trong đó có người biết tính toán, sử dụng tiền bán đất mua nhà, kinh doanh, trở thành những thị dân, nhưng chắc hẳn có không ít người sẽ trở thành “nông dân không có đất” và chi tiêu không hợp lý, số tiền bán đất nhanh chóng sẽ “bốc hơi”.

Điều gì đang diễn ra?

Có thể nói, chưa lúc nào cơn sốt đất vùng ven diễn ra mạnh mẽ trên diện rộng như thời gian qua. Câu hỏi được đặt ra là vì sao giá đất tăng nhanh đến vậy và cơn sốt này xuất phát từ điều gì?

Lý giải nguyên nhân, theo phân tích của hầu hết chuyên gia, có cả yếu tố thật và yếu tố ảo. Về yếu tố thật, đầu tiên phải kể đến là thời gian qua, tốc độ đô thị hóa của nhiều khu vực nông thôn diễn ra mạnh mẽ, kết hợp với hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng được mở ra, tác động mạnh đến sự phát triển của thị trường bất động sản vùng ven.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Vietnam nhận định rằng, có nhiều nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp tác động đến việc tạo sóng của thị trường đất nền vùng ven. Đầu tiên là quan niệm “đất là vĩnh viễn” vẫn còn ảnh hưởng lớn đến tâm lý người Việt Nam. Hơn nữa, đầu tư đất có lẽ là kênh đầu tư dễ kiếm tiền, phổ biến với nhiều người trong bối cảnh người có tiền không biết làm gì. Trong khi đó, thị trường bất động sản TP.HCM và các khu vực lân cận đang khan hiếm nguồn cung và giá đã được đẩy lên mức cao, cơ hội không còn nhiều là lý do khiến nhiều người đi xa mua đất rẫy vườn để tìm cơ hội mới.

Còn theo ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Ngọc Á Châu, nhìn ở góc độ khách quan, có một số nguyên nhân lý giải vù sao dòng tiền của người dân đang đổ vào bất động sản. Thứ nhất, đồng tiền đang trở nên quá rẻ, lãi suất gửi ngân hàng thấp, trong khi đó các kênh đầu tư khác ẩn chứa nhiều rủi ro. Thứ hai, quan niệm “mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời” vẫn tiềm ẩn trong tâm lý của đại đa số người Việt. Thứ ba, thời gian qua có quá nhiều thông tin liên quan đến quy hoạch từ sân bay, hạ tầng và việc hình thành các đô thị đặc biệt…, trở thành động lực lẫn động cơ của giới đầu tư địa ốc.

Còn ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Asia New Time cảnh báo, xu hướng săn đất rẫy, đất vườn như hiện nay thực tế có nhiều cơ hội, nhưng rủi ro cũng không ít. Cơ hội là nếu thông tin quy hoạch thành hiện thực, nhiều vùng đất nông thôn “lột xác” thành những vùng đất công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân, nhưng rủi ro là nếu thông tin quy hoạch bị bơm thổi, làm giá sẽ để lại nhiều hệ lụy.

Điều đặc biệt lo ngại, theo ông Tiến, là cơn sốt tràn về các vùng nông thôn, nông dân đua nhau bán đất, nguy cơ nhãn tiền là sắp tới nhiều người không còn đất để làm rẫy, còn người ôm đất không có nhu cầu sử dụng sẽ biến đất đai thành hoang hóa. Khi đó, không chỉ nảy sinh tình trạng lãng phí, ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp, mà bất ổn xã hội, các tệ nạn vì “nhàn cư” cũng theo tiền bán đất mà sinh sôi...

Tăng Triển

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục