Nợ xấu đã có đầu ra
Có thể thấy, năm 2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế về xử lý nợ xấu. Điều này thể hiện khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) được Quốc hội thông qua và ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.
Với Nghị quyết 42/2017, pháp lý cho quá trình xử lý khối tài sản bảo đảm đằng sau những khoản nợ xấu được hoàn thiện, giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động mua bán nợ của Công ty Quản lý nợ của các TCTD (VAMC), đồng thời cho phép các ngân hàng linh hoạt phân bổ lãi dự thu và chênh lệch khi mua bán nợ xấu.
Theo đại diện NHNN, từ khi Nghị quyết 42/2017 có hiệu lực, các TCTD đã tích cực rà soát toàn bộ các khoản nợ, phân loại nợ, phối hợp với các đơn vị có liên quan để xử lý nợ xấu và bước đầu đạt được kết quả tích cực. Cùng với đó, chất lượng tài sản hệ thống các TCTD đã được cải thiện rõ rệt.
Thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD tính đến cuối năm 2017 đạt khoảng 9,5%, giảm đáng kể so với mức 11,9% vào cuối năm 2016. Các TCTD cũng hạn chế bán nợ cho VAMC, mà nỗ lực tự xử lý thông qua việc đẩy mạnh phát mại tài sản đảm bảo...
Tuy nhiên, theo NFSC, kết quả trên tuy tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng do hoạt động bán nợ xấu theo giá thị trường còn rất hạn chế, quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và ngân hàng được mua “0 đồng” còn chậm.
Cùng với đó, việc triển khai cũng như phối hợp từ các ngành, các cấp còn chậm và thiếu đồng bộ; các ngân hàng vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu giữ tài sản do khách hàng thiếu hợp tác hoặc sự phản kháng của bên bảo đảm, bên vay.
Chẳng hạn, việc xử lý nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản phụ thuộc vào việc giải quyết tài sản đảm bảo, nhưng này vẫn còn gặp nhiều khó khăn như khách hàng thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư với chủ đầu tư để thực hiện dự án bất động sản không phải trực tiếp là chủ dự án, trong khi dự án lại chưa được hoàn thiện nên ngân hàng không thể áp dụng biện pháp thu giữ tài sản để xử lý.
Việc giải quyết phải thông qua biện pháp khởi kiện, trong trường hợp có bản án thì việc thi hành án để phát mại tài sản là quyền tài sản cũng gặp khó khăn...
Để triển khai quyết liệt việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN tập trung chỉ đạo các TCTD triển khai hiệu quả Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Đồng thời, Thống đốc yêu cầu các TCTD cần tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nội dung, giải pháp tại phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt, đảm bảo theo đúng lộ trình; xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh việc triển khai áp dụng chuẩn mực vốn Basel II, các nguyên tắc quản trị rủi ro theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế đi đôi với việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động...
Ngân hàng chủ động "tự cứu mình"
Nỗ lực xử lý nợ xấu thời gian qua, Vietcombank cho biết, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng đã giảm dần. Tính đến 31/12/2017, nợ xấu của Vietcombank còn khoảng 1,1%, thấp nhất trong số các ngân hàng quy mô dẫn đầu hệ thống. Số dư quỹ dự phòng của Vietcombank đạt khoảng 8.113 tỷ đồng, cao hơn 1,3 lần tổng dư nợ xấu.
Một trong những nguyên nhân giúp nợ xấu giảm mạnh thời gian qua là do Vietcombank sớm mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC để tự xử lý. Cụ thể, năm 2016, Vietcombank đã mua lại toàn bộ 4.300 tỷ đồng nợ xấu từ VAMC để chủ động xử lý.
Sau Vietcombank, thị trường ghi nhận thêm trường hợp VIB mua lại 30% số nợ đã bán cho VAMC. Năm 2017, VIB tiếp tục mua lại một số khoản nợ đã bán, khoảng 1.000 tỷ đồng. VIB cho biết, mục tiêu đến giữa năm 2018, VIB sẽ mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC. Tính đến hết năm 2017, tỷ lệ nợ xấu của VIB được kiểm soát ở mức 2,49%, dưới mức 3% theo quy định.
Đến nay, hầu hết ngân hàng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2018 với mục tiêu kỳ vọng cao. Bởi điều kiện thuận lợi hiện tại sẽ giúp các ngân hàng tất toán được nhiều trái phiếu từ bán nợ xấu cho VAMC, từ đó sẽ giảm gánh nặng trích lập dự phòng, cải thiện biên lợi nhuận.
Tại OCB, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho biết, kết thúc năm 2017, tỷ lệ nợ xấu của OCB đã giảm xuống 1,48% (bao gồm cả trái phiếu VAMC giá trị 728 tỷ đồng, chiếm 2,16% tổng dư nợ). OCB dự kiến trích lập dự phòng năm 2018 là 500 tỷ đồng (bao gồm 20% nợ xấu tại VAMC trích theo quy định và nội bảng).
"Dẫu vậy, nhiều khả năng OCB sẽ thu hồi được 728 tỷ đồng trái phiếu VAMC và không phải trích dự phòng. Ban điều hành OCB chưa đưa điều này vào dự toán lợi nhuận trước thuế 2.000 tỷ đồng năm 2018. Năm nay, OCB quyết xóa hết các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC từ những năm trước còn tồn đọng để làm sạch nợ ngoại bảng", ông Tuấn nhấn mạnh.
"Năm 2017, SCB đã xử lý và thu hồi được khoảng 4.000 tỷ đồng nợ xấu. Mục tiêu của Ngân hàng trong năm 2018 là tiếp tục xử lý và thu hồi khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng nợ", ông Văn nói.
Tại VPBank, lãnh đạo ngân hàng này cho hay, trong năm 2017, Ngân hàng đã thu hồi gần 3.000 tỷ đồng nợ, trong đó có gần 1.100 tỷ đồng từ các khoản nợ đã xử lý rủi ro ngoại bảng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng của riêng Ngân hàng mẹ trong năm 2017 (tính theo quy định tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN) được giữ ở mức 2,33% và tỷ lệ nợ xấu hợp nhất là 2,89%.
Có thể xử lý sớm nợ xấu tại VAMC
Các chuyên gia tài chính nhìn nhận, Nghị quyết 42/2017 tuy đã mở "cánh cửa" thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp không có sự hợp tác của con nợ, nhưng chưa đưa cho người chủ nợ quyền định đoạt mang tính chất tuyệt đối, pháp luật vẫn nghiêng về bảo vệ người đi vay. Vì thế, khó khăn vẫn treo lơ lửng trên đầu các ông chủ ngân hàng. Để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, cũng như số lượng nợ xấu được thu hồi, rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng có liên quan như tòa án, cơ quan điều tra...
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cần nhanh chóng thành lập thị trường mua bán nợ xấu để xử lý nhanh, xử lý thực chất vấn đề nợ xấu. Thực tế cho thấy, nhiều người muốn mua bán nợ, nhưng khó thực hiện do vướng quy chế. Ông Lực cho rằng, cần bổ sung các chủ thể tham gia, cũng như phương thức mua bán nợ, thậm chí là chứng khoán hóa nợ xấu.
"Bộ Tài chính nên đứng ra làm đầu mối để thúc đẩy các chủ thể như hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp mua bán nợ, doanh nghiệp nhận ủy thác mua bán nợ từ phía nhà đầu tư nước ngoài... tham gia thị trường mua bán nợ.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần xúc tiến phát triển thị trường thứ cấp, các ngân hàng cần tăng năng lực cho các công ty mua bán nợ (AMC) của mình... để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, bảo đảm thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu theo phương án đã được phê duyệt", ông Lực khuyến nghị.
Đánh giá được đưa ra từ TS-LS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng, trong 3 năm qua, tốc độ thu hồi nợ so với tổng dư nợ VAMC đã mua lại từ các TCTD còn hạn chế do gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách. Vì vậy, các ngân hàng muốn mua lại nợ đã bán để chủ động xử lý hơn là trông chờ vào VAMC.
"Trên thực tế, nợ xấu do các TCTD tự xử lý đạt 57,2% và 42,8% còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và những tổ chức, cá nhân khác). Trong khi đó, hầu hết khoản nợ đã mua của VAMC đều có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay. Với dự báo thị trường bất động sản sẽ tiếp tục diễn biến tích cực, các ngân hàng hoàn toàn có khả năng xử lý những khoản nợ của mình trong thời gian tới", ông Tín nhìn nhận.
Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, sớm hay muộn, Quốc hội và Chính phủ cũng sẽ buộc các ngân hàng phải đưa nợ xấu về một sổ, thay vì đặt nội bảng và ngoại bảng (gửi VAMC) như hiện nay. Vì vậy, việc mua lại nợ xấu từ VAMC sẽ giúp các ngân hàng giảm được áp lực dự phòng rủi ro sau này.