Cơ chế trần lãi suất bó tay ngân hàng

(ĐTCK) Ngay từ khi là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Luật Dân sự, bà Dương Thu Hương, nay là Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đã phản đối quy định lãi suất cho vay tối đa bằng 150% lãi suất (LS) cơ bản, với lý luận rằng làm như vậy là không phù hợp với cơ chế thị trường. Nay thực tế cho thấy yêu cầu bức thiết của việc các ngân hàng cần phải được "cởi trói" về trần LS, để đồng vốn dễ dàng ra thị trường hơn. Trong cuộc họp giữa các hiệp hội mới đây, bà Hương đã nhắc lại việc cần thiết phải sửa đổi quy định trên. ĐTCK trao đổi với bà Dương Thu Hương xung quanh vấn đề này.
Bà Dương Thu Hương.

Từng tham gia chấp bút đóng góp ý kiến cho Luật Dân sự, theo bà, vận dụng quy định của Luật vào guồng quay thực tế trên thị trường tiền tệ như hiện nay có phù hợp?

Quy định của Luật Dân sự áp LS cho vay tối đa bằng 150% LS cơ bản không phù hợp với bản chất của nền kinh tế thị trường. Mục tiêu của các nhà làm luật là chống cho vay nặng lãi, vì thế cần hiểu rằng, chỉ vận dụng quy định này để xử lý lúc có tranh chấp, áp dụng giữa dân với dân, không áp dụng cho tổ chức tín dụng. Giữa người dân và ngân hàng, nếu thực hiện quan hệ tín dụng, tranh chấp đã có hợp đồng và mặt bằng LS, lấy đó làm căn cứ xử lý, áp dụng chung trong điều hành thì không nên, cách hiểu pháp luật như vậy là máy móc.

Việc áp dụng mức LS trần chung cho tất cả các loại hình tín dụng là không hợp lý, vì một món vay nhỏ cho cá nhân, hộ gia đình, tốn chi phí quản lý gấp nhiều lần so với chi phí bình quân cho số tiền vay đó, nếu là dự án lớn hàng trăm tỷ đồng, khách hàng ở mỗi nơi, mỗi vùng lại có những đặc thù khác nhau. Mức LS cho DN hiện nay khoảng 15% - 16%/năm có thể đã là cao, nhưng các khoản cho vay tiêu dùng thì LS có thể đến 20%/năm (ví dụ lãi suất áp dụng cho khách hàng vay nợ chi tiêu qua thẻ tín dụng).

Liệu có phải cơ chế trần LS như hiện nay khiến các ngân hàng phải đánh đồng nhiều khoản vay dẫn đến các sản phẩm tín dụng không hấp dẫn được khách hàng?

Cơ chế LS thỏa thuận sẽ phản ánh đúng quy luật thị trường, cung - cầu về vốn. LS thỏa thuận tạo cơ hội cho thị trường đưa ra những tín hiệu đúng để phân bổ cho các nguồn lực trong nền kinh tế và tránh những tác động tâm lý bất lợi mỗi lần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải điều chỉnh tăng hay giảm LS cơ bản. Tuy nhiên, nếu đổ lỗi rằng do cơ chế trần LS mà các ngân hàng không giải phóng được vốn thì cũng không đúng. Thực tế hiện nay, các DN thấy thị trường co hẹp, làm ăn khó khăn nên họ chững lại nghe ngóng.

Giai đoạn 2006 - 2007, các ngân hàng vẫn thực hiện cơ chế LS thỏa thuận, dù Luật Dân sự quy định trần LS cho vay đã có hiệu lực. Vậy giờ đây cần làm gì để các ngân hàng có thể linh hoạt hơn trong ấn định LS cho vay?

Lúc làm Luật Dân sự, tôi đã có ý kiến rằng, quy định như vậy sẽ bế tắc cho các ngân hàng thương mại. Được biết, NHNN cũng đã có tờ trình xin Quốc hội chỉnh sửa nhưng không được chấp thuận. Tại Diễn đàn của 3 hiệp hội: Ngân hàng, Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Chứng khoán mới đây, tôi cũng đề nghị nên nhanh chóng sửa 2 điều luật của Luật Dân sự, cách chỉnh sửa như thế nào là ở các nhà làm luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể đứng ra giải thích quy định này áp dụng giữa dân với dân, không áp dụng cho tổ chức tín dụng.

Cuộc khủng hoảng tài chính trên thị trường Mỹ cho thấy nguyên nhân trực tiếp là do các ngân hàng đã quá dễ dãi trong cho vay, lạm phát cao tại Việt Nam thời gian qua cũng xuất phát từ một trong những lý do là tăng trưởng tín dụng bùng nổ. Bà nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, quay trở lại cơ chế LS thỏa thuận thời điểm này là một sự mạo hiểm?

Như tôi đã nói, LS thỏa thuận phản ánh cung - cầu về vốn theo thị trường, nhưng không kiểm soát, cho vay dễ dãi sẽ phải trả giá, khủng hoảng kinh tế Mỹ là một bài học và nước Mỹ đang phải trả giá cho nó. Khả năng quản trị của các ngân hàng Mỹ tốt như thế mà tự do hóa còn để lại những hậu quả nặng nề, với Việt Nam lại càng cần thận trọng. Chỗ này theo tôi cần đến vai trò quan trọng của Nhà nước. Trước mắt, Luật Dân sự chưa được sửa thì cơ quan điều hành phải điều tiết, sử dụng các công cụ, chính sách tiềt tệ thật linh hoạt để hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng.

Thủy Nguyễn thực hiện.
Thủy Nguyễn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục