Bật lên như lò xo
Nghị quyết 136 tiếp tục trao cho Đà Nẵng hàng loạt chính sách vượt trội và chưa từng có tiền lệ, mở ra chương mới cho sự phát triển của Thành phố.
Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu, việc nghiên cứu cho phép thực hiện cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù sẽ là cơ hội để Đà Nẵng bứt phá, là “lò xo bật ra và Đà Nẵng phát triển tốt”.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, Thành phố hiện có quy mô nền kinh tế nhỏ, dư địa phát triển không còn nhiều, cơ cấu kinh tế bộc lộ những điểm chưa phù hợp. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của địa phương. Những năm qua, Thành phố còn phải tập trung giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc của kết luận thanh tra, bản án, kiểm toán liên quan đến đất đai… Trong khi đó, Nghị quyết số 119/2020/QH14 chủ yếu tập trung vào thí điểm mô hình chính quyền đô thị, còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá, có tính động lực, lan tỏa. Những điểm nghẽn đó khiến nền kinh tế của Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa tạo được bứt phá.
Trong bối cảnh ấy, Quốc hội thông qua Nghị quyết 136, tạo nên xung lực và không gian phát triển mới cho Thành phố. Nghị quyết gồm 4 chương, 18 điều, quy định về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng; đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết mới của Quốc hội đã mở ra cơ chế cho danh mục ngành, nghề, dự án ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Đà Nẵng, bao gồm đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm dữ liệu, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) gắn với đào tạo; đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 2.000 tỷ đồng trở lên. Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghệ chip bán dẫn, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp quốc phòng, danh mục và sản phẩm công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có quy mô vốn đầu tư từ 4.000 tỷ đồng trở lên.
Đồng thời, đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm: Khu thương mại - dịch vụ có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên; Trung tâm logistics gắn với Cảng biển Liên Chiểu có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên; Khu sản xuất có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên…
Nhà đầu tư chiến lược sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi khi đầu tư vào các lĩnh vực này tại Đà Nẵng. Từ đó giúp Đà Nẵng thu hút dòng vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp trong và ngoài nước.
“Thành phố đã nghiên cứu, đề xuất và được Quốc hội chấp thuận ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng với 30 nội dung chính sách, có tác động rộng lớn trên nhiều lĩnh vực, được kỳ vọng tạo điều kiện hơn nữa cho Thành phố khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển và phát huy hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình đối với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với cả nước”, ông Lê Trung Chinh khẳng định.
Hiện thực hóa Khu thương mại tự do
Một chính sách mới, chưa có tiền lệ mà Nghị quyết 136 của Quốc hội dành cho Đà Nẵng là thành lập Khu thương mại tự do.
Theo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Thành phố đã mạnh dạn đề xuất và được Chính phủ ủng hộ thí điểm thành lập Khu thương mại tự do nhằm phát huy, khai thác hết tiềm năng từ điều kiện, vị trí địa lý đến con người. Khu thương mại tự do không phải là mô hình mới, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện thành công. Khu thương mại tự do sẽ tạo ra sức hút, năng lực cạnh tranh rất lớn trong đầu tư, mở rộng thương mại, dịch vụ và nhiều lĩnh vực khác.
Đặc biệt, chính sách đặc thù này áp dụng cho Đà Nẵng còn gắn với lộ trình phát triển trong tương lai của cảng biển Liên Chiểu và cả sân bay. Hiện Đà Nẵng đang triển khai xây dựng cảng biển Liên Chiểu và kêu gọi nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư hạ tầng các bến cảng, sân bay Đà Nẵng - một trong những đầu mối về thương mại để hội nhập, xúc tiến các hoạt động logistics. Cùng với khu thương mại tự do thì đây là điều kiện tiên quyết để Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế, góp phần thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Thành phố và vùng động lực miền Trung.
Không những thế, khu thương mại tự do còn là cơ hội để nâng cao giá trị gia tăng của ngành du lịch, thương mại vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung nói chung, TP. Đà Nẵng nói riêng, tạo ra chuỗi các sản phẩm dịch vụ cao cấp, lan tỏa sự phát triển và dẫn dắt hoạt động du lịch vùng tiếp cận dần đẳng cấp quốc tế.
Theo ông Lê Trung Chinh, Nghị quyết 136 được Quốc hội thông qua, Đà Nẵng có cơ sở pháp lý để xây dựng khu thương mại tự do, vướng mắc lớn nhất đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, Thành phố vẫn phải xác định vị trí, diện tích, ranh giới của một khu đất cụ thể để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Khu thương mại tự do. Sau đó, mời gọi và lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực để xây dựng và phát triển. Năng lực của nhà đầu tư không chỉ thể hiện ở số vốn cam kết, tốc độ xây dựng hạ tầng, mà còn ở khả năng tìm và mời được nhiều nhà đầu tư thứ cấp đến xây dựng nhà máy, trung tâm logistics, cơ sở dịch vụ - thương mại. Nói cách khác, nhanh chóng lấp đầy khu vực được hưởng quy chế đặc biệt này.
Trong quá trình đó, cần cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội bằng các văn bản quy định pháp luật khác. Do đó, Đà Nẵng sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, các văn bản hướng dẫn cần thiết của các bộ, ngành Trung ương để hiện thực hóa các chính sách đối với Khu thương mại tự do.
Dù vậy, đây là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế, mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gắn với thể chế và hệ thống pháp luật.
“Vẫn còn đó những thách thức lớn. Tuy nhiên, với khát vọng phát triển, sự năng động, sáng tạo vốn có của Đảng bộ chính quyền và nhân dân Đà Nẵng, tôi tin rằng sẽ thực hiện thành công chính sách này nói riêng và Nghị quyết của Quốc hội nói chung, đưa Đà Nẵng phát triển bền vững trong giai đoạn mới”, ông Lê Trung Chinh chia sẻ.
Nói về khu thương mại tự do, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, đây là một trong những đột phá, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm trong việc thử nghiệm một mô hình đã được thế giới khẳng định, nhưng chưa có tiền lệ, chưa có thực tiễn ở Việt Nam.
“Do đó, chúng tôi cũng xác định, việc này có rủi ro, nhưng chúng tôi chấp nhận rủi ro. Nếu thành công, đây sẽ là nền tảng nhân rộng cho cả nước, còn rủi ro thì Thành phố sẽ gánh chịu”, ông Quảng khẳng định.