Cơ chế đặc thù TP.HCM: Ngay từ cái nhìn đầu tiên

TP.HCM cần cơ chế đặc thù để nhanh chóng trở thành một trung tâm kinh tế tài chính hàng đầu quốc gia, một đô thị thông minh. Vậy điều đầu tiên Thành phố nhất thiết chuyển tải là gì? Xin gửi tới bạn đọc bài viết của GS-TS Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM) bàn về vấn đề này.
TP.HCM vốn đại diện cho bản sắc của vùng đất phương Nam hào phóng, ấm áp tình người, luôn là một thành phố đáng sống từ bao đời nay. TP.HCM vốn đại diện cho bản sắc của vùng đất phương Nam hào phóng, ấm áp tình người, luôn là một thành phố đáng sống từ bao đời nay.

Từ cái nhìn đầu tiên

Vào trang tìm kiếm Google tìm từ khóa “TP.HCM tăng thuế phí”, có gần 2 triệu kết quả và “Cơ chế đặc thù cho TP.HCM” có gần 1,6 triệu kết quả. Kết quả sơ bộ này cho thấy đâu mới chính là vấn đề người dân quan tâm nhiều nhất.

Cũng điểm qua hàng loạt giải thích của lãnh đạo TP.HCM với báo chí, ta thấy có rất nhiều cách tóm lược khác nhau trên các tựa báo về cơ chế đặc thù, như “Cơ chế đặc thù: làm gì cũng hỏi ý dân”; “Cơ chế đặc thù giúp Thành phố chạy nhanh hơn”.

Tất cả điều này cho dù thú vị, nhưng dường như vẫn là cái gì đó xa xăm. Trong khi đó, chỉ cần duy nhất tựa đề của một bài báo “TP.HCM bàn cách tăng thuế, phí” là mọi người hiểu ngay điều gì sắp xảy ra.

Những nhận thức chưa đúng mức về tác động của thuế, phí

Cơ chế đặc thù để TP.HCM nhanh chóng trở thành một trung tâm kinh tế tài chính hàng đầu quốc gia, một đô thị thông minh, vậy điều đầu tiên Thành phố nhất thiết chuyển tải là gì? Không gì khác, đó phải là nơi có chi phí giao dịch cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư ở mức thấp tương đối so với các địa phương khác.

Với việc Chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mà TP.HCM nhận được bao năm qua vẫn còn ở mức khiêm tốn, thì Thành phố càng nên thận trọng khi bàn chuyện tăng thuế, phí. Có thể còn nhiều điều phức tạp phía trước vẫn chưa thể lường hết.

Trước câu hỏi của báo chí về mục đích của chính sách  thuế, phí mà Thành phố dự kiến triển khai, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND Thành phố giải thích: “Thành phố muốn phát triển một ngành nào đó, hạn chế một ngành nào đó thì không thể dùng quy định hành chính để cấm, vì như vậy sẽ vi phạm quyền tự do kinh doanh. Thay vào đó, Thành phố sẽ dùng thuế, phí như công cụ kinh tế để điều tiết”.

Cần hiểu thế nào cho đúng về luận điểm này?

Điều đầu tiên ta cần biết, cải cách thuế luôn là một vấn đề được đặt ở tầm vĩ mô để phân tích tác động của chúng, vì vậy phải được nghiên cứu trong một thời gian dài, giải trình, tranh luận, thăm dò dư luận và thường qua nhiều khâu phức tạp để thuyết phục Quốc hội.

Trong phạm vi một địa phương, một vài sắc thuế như thuế tài sản, thuế tiêu thụ đặc biệt và các khoản phí do chính quyền địa phương ban hành, thì tầm tác động của chúng cũng không vì thế mà bị xem nhẹ so với các loại thuế, phí ở cấp độ quốc gia.

Trước hết, nguyên tắc tính trung lập của thuế (tax neutrality) nên được ưu tiên xem xét trong các kế hoạch tăng thuế, phí (nếu có) của chính quyền Thành phố.

Nguyên tắc tính trung lập của thuế nói rằng, thuế không nên làm thay đổi hành vi của các doanh nghiệp, hoặc các cá nhân - chẳng hạn như không làm họ từ bỏ loại nước giải khác này chuyển sang loại nước giải khát khác, hoặc từ bỏ nơi ở này chuyển sang nơi ở khác chỉ vì thuế.

Chính quyền không thể dùng thuế để tạo ra “kẻ thắng người thua” bằng cách (vô tình) tạo ra một ưu thế ngành này so với ngành khác, hay một tầng lớp thu nhập này so với tầng lớp thu nhập khác.

Các khoản thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thêm đánh vào rượu, bia, thuốc lá mà Quốc hội trao thẩm quyền cho Thành phố (dự kiến mức tăng thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành) có thể làm phát sinh tình trạng buôn lậu, lách thuế giữa các tỉnh, thành phố lẫn nhau, làm rối loạn hoạt động thương mại liên vùng.

Ngoài ra, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu và đặc biệt có tính lũy thoái rất cao. Nộp thêm vài ngàn đồng cho một gói thuốc lá, một chai rượu, tính trên mức thu nhập thì gánh nặng thuế của người nghèo lớn hơn nhiều so với người giàu.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, người nghèo thường uống rượu, bia, hút thuốc lá nhiều hơn hẳn so với người giàu.

Muốn hạn chế họ sử dụng các mặt hàng này, chính quyền cần sử dụng các biện pháp tuyên truyền khác chứ đâu thể thu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn mặt bằng thuế chung của cả nước.

Với việc Chỉ số PCI mà TP.HCM nhận được bao năm qua vẫn còn ở mức khiêm tốn, thì Thành phố càng nên thận trọng khi bàn chuyện tăng thuế, phí.   

Như vậy, giả dụ trong tương lai, Thành phố chủ trương tăng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, thì chẳng những vi phạm vào tính trung lập của thuế, mà còn phá vỡ nguyên tắc tính công bằng của thuế.

Đối với các khoản phí, ở vài địa phương trong một quốc gia trên thế giới, chính quyền cũng sử dụng các khoản phí như một nguồn thu (nhỏ) cho ngân sách địa phương.

Về một ý nghĩa nào đó, tăng các khoản phí cũng không khác gì tăng thuế (vô hình). Điểm khác nhau giữa thuế và phí nằm ở chỗ người nộp phí thanh toán trực tiếp ngay cho các dịch vụ mà mình thụ hưởng như phí cầu đường, phí đậu xe ô tô chẳng hạn.

Nếu thành phố dự định tăng một loại phí nào đó thì cần chú ý đến 2 nguyên tắc cơ bản của phí là nguyên tắc “có khả năng chi trả” và nguyên tắc “có nhận được lợi ích” (các nguyên tắc này không đề cập phí phạt do vi phạm giao thông...).

Kế hoạch tăng phí ở quán bar hay đề án thu phí vào trung tâm Thành phố có khả năng đã vi phạm nguyên tắc 2 (thậm chí cả nguyên tắc 1). Về lý thuyết kinh tế, người nộp phí đâu có nhận được lợi ích gì từ các khoản phí này, sao họ lại phải chi trả (nguyên tắc 2).

Ngoài ra, các khoản phí luôn có tính lũy thoái. Cùng một khoản chi, so về thu nhập thì gánh nặng thuế của người nghèo luôn cao hơn so với người giàu (lại vi phạm thêm nguyên tắc tính công bằng).

Đâu là điểm bắt đầu tốt?

Những điều trên cho thấy quan điểm của lãnh đạo Thành phố dùng thuế, phí như một công cụ điều tiết các hoạt động kinh tế rất dễ phạm vào các nguyên lý cơ bản của thuế, phí. Điều này vừa dẫn đến bất bình đẳng và có khả năng tác động đến tăng trưởng dài hạn của Thành phố.

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, việc cố tình làm cho thuế không mang tính trung lập có khi lại là điều đáng mơ ước. Thay vì hướng đến tăng thuế, phí, Thành phố nên đưa ra những chính sách giảm thuế, phí liên quan đến xã hội hóa các dịch vụ y tế, giáo dục trình độ cao hay phát triển công nghiệp 4.0.

Đây nên là hướng ưu tiên hàng đầu trong chính sách thuế, phí và các chính sách thu hút nguồn lực của một thành phố đặc thù và thông minh.

Điều cần lưu ý là, những nguyên tắc thuế, phí trên đây không thể lúc nào cũng được áp đặt một cách cứng nhắc. Chúng lại càng không thể bao quát hết thực tế phát sinh, nhất là đối với một đô thị đặc thù như TP.HCM. Dù vậy, đó vẫn là điểm bắt đầu tốt để thiết kế các chính sách thuế, phí phù hợp.

Một điểm lưu ý thêm nữa là, không nhất thiết cứ thuế, phí cao là xấu và ngược lại thuế, phí thấp là nơi đó có môi trường đầu tư thuận lợi. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, có những doanh nghiệp chọn một địa phương nào đó là do mức thuế, phí thấp.

Nhưng cũng có những doanh nghiệp không quan tâm nhiều đến thuế, phí. Điều họ quan tâm là hệ thống giáo dục, giao thông, trình độ lao động lành nghề, tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương đó thuận tiện cho việc kinh doanh của họ đến mức nào.

Điều cuối cùng, bây giờ ta thử dẹp bỏ những lý luận về thuế, phí ra khỏi những tranh luận. Có một điều còn trên cả các tranh luận này, đó là TP.HCM, vốn đại diện cho bản sắc của vùng đất phương Nam hào phóng, ấm áp tình người, luôn là một thành phố đáng sống từ bao đời nay, nhưng nếu những thông tin dồn dập về tăng thuế, phí cứ tiếp diễn như thời gian qua, thì tự nó cũng đã nói lên rất nhiều điều.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục