Cơ chế đặc thù - “xa lộ” lớn cho Đà Nẵng

0:00 / 0:00
0:00
Những cơ chế đặc thù dành cho Đà Nẵng được xem như xa lộ lớn đưa Thành phố phát triển bứt phá trong tương lai.
Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị mang lại động lực phát triển cho Đà Nẵng. Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị mang lại động lực phát triển cho Đà Nẵng.

Động lực từ Nghị quyết 43-NQ/TW

Năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết này được chính quyền và người dân Đà Nẵng chờ đợi, bởi sau nhiều năm phát triển mạnh mẽ, Đà Nẵng đang gặp nhiều trở ngại. Vai trò động lực, sức lan tỏa trong liên kết, phát triển vùng của Đà Nẵng chưa đạt được như kỳ vọng; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, với GRDP chỉ chiếm khoảng 1,55% của cả nước. Ngoài ra, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập; các nguồn lực cho đầu tư phát triển của Thành phố có chiều hướng thu hẹp…

Những vướng mắc, khó khăn nêu trên trở thành “điểm nghẽn” cho sự phát triển của TP. Đà Nẵng. Chính vì vậy, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đã giải quyết được yêu cầu bức thiết đó, có tính chất “cởi trói” để Đà Nẵng bứt tốc.

Nghị quyết 43/NQ-TW tạo cơ chế, chính sách đặc thù tập trung vào 3 lĩnh vực chính.

Thứ nhất, cho Đà Nẵng được thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương...

Thứ hai, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất tại Đà Nẵng theo hướng tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ ba, cho phép Đà Nẵng được xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của Thành phố và quy định của pháp luật.

Theo các chuyên gia, Nghị quyết số 43-NQ/TW sẽ giúp Đà Nẵng phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn theo hướng sinh thái, thông minh, có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội bảo đảm cho một thành phố biển năng động, đầy sức cạnh tranh, hiện đại ở tầm vực quốc tế; trở thành trung tâm du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao...

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU về chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW và thành lập Tổ công tác tham mưu, giúp Thành ủy triển khai thực hiện Nghị quyết.

Tiếp đó, Đà Nẵng chỉ đạo xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù trên một số lĩnh vực về quy hoạch, thực hiện mô hình chính quyền đô thị, xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất, quản lý đầu tư và thu hút đầu tư, tài chính - ngân sách, tín dụng và thuế, chính sách tiền lương, phát triển du lịch, quản lý và phát triển đô thị, thực hiện các công trình trọng điểm có tính chất liên vùng. Khi ban hành Nghị quyết 43-NQ/TW, Bộ Chính trị đã yêu cầu sự vào cuộc của các cơ quan Trung ương để cùng với TP. Đà Nẵng sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Chính vì vậy, Nghị quyết 43-NQ/TW là văn kiện có ý nghĩa lịch sử cho sự phát triển của Đà Nẵng, một chính sách đặc thù, tạo động lực mới cho sự tăng trưởng của Thành phố.

Những cơ chế chính sách đặc thù sẽ tạo điều kiện để Đà Nẵng phát triển mạnh hơn.
Những cơ chế chính sách đặc thù sẽ tạo điều kiện để Đà Nẵng phát triển mạnh hơn.

Mô hình chính quyền đô thị

Trong kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 6/2020, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng nhận định, chính sách này giúp Đà Nẵng có thêm một động lực mới để phát triển. Trong Nghị quyết có một nội dung được cử tri Đà Nẵng rất quan tâm là vấn đề nguồn lực tài chính.

Theo đó, Nghị quyết giao Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách Đà Nẵng; đồng thời cho phép Đà Nẵng được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn thừa của ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, được giữ lại 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Đà Nẵng. Nội dung chủ yếu của Nghị quyết là, kể từ ngày 1/7/2021, cho phép Đà Nẵng - địa phương thứ hai sau Hà Nội - được thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

“Có thể nói, với Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù của Quốc hội khóa XIV, Đà Nẵng sẽ giảm được một số công chức do không còn tổ chức HĐND ở các quận và các phường, từ đó tiết kiệm được một khoản tiền thuế mà người dân đóng góp vào ngân sách Thành phố. Nhưng đó cũng chưa phải là điều chủ yếu mà Đà Nẵng được hưởng lợi từ việc thí điểm này. Điều thuận lợi chủ yếu là mô hình chính quyền đô thị sắp thí điểm cho phép chính quyền Đà Nẵng quản lý thành phố một cách ‘đô thị’ hơn, phù hợp với đặc điểm phân cấp quản lý ‘hết sức đặc thù’ của một đô thị”, ông Tiếng đánh giá.

Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng cho biết, với việc thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Quốc hội cho phép TP. Đà Nẵng thí điểm tổ chức chính quyền đô thị theo mô hình một cấp chính quyền địa phương (ở cấp thành phố) và hai cấp hành chính (quận, phường).

Chính quyền Thành phố được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương, gồm HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở các quận thuộc TP. Đà Nẵng là UBND quận (không tổ chức HĐND quận). UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND Thành phố. Chính quyền địa phương ở các phường là UBND phường.

Sau khi Quốc hội thông qua, TP. Đà Nẵng tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sớm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Nghị quyết quan trọng này.

Đánh giá về những cơ chế đặc thù mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã ban hành dành cho Đà Nẵng, Bí Thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa khẳng định: “Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quốc hội đã thông qua và ban hành Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng; cùng Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ là những công cụ, hành trang quan trọng để TP. Đà Nẵng bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025 hứa hẹn nhiều kỳ vọng và thành công”.

Ba vấn đề mấu chốt trong Nghị quyết 43-NQ/TW

Ba vấn đề mấu chốt trong Nghị quyết 43-NQ/TW có ý nghĩa rất quan trọng với Đà Nẵng.

Thứ nhất, Trung ương nhìn nhận Đà Nẵng là một vùng đô thị (như vùng đô thị Hà Nội, TP.HCM), bao gồm chuỗi đô thị từ Lăng Cô, Điện Bàn, Hội An mà hạt nhân lan tỏa là đô thị Đà Nẵng. Với quan điểm này, Đà Nẵng không bị bó hẹp trong dải đất hẹp, mà được nhìn nhận như vùng đô thị rộng lớn, tiềm năng.

Thứ hai, thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Thứ ba, xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất.

Cơ chế đặc thù như vậy sẽ bổ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư, nên Đà Nẵng sẽ có sức hút đầu tư rất lớn, biến nơi này thành trung tâm khởi nghiệp của Việt Nam.

Anh Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục