Cơ cấu CPI 2 tháng đầu năm: Niềm tin tiêu dùng chưa được cải thiện

(ĐTCK) Đầu tuần này, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số CPI tháng 2/2014, tháng Tết, với mức tăng 0,55% so với tháng trước đó, thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, con số này phản ánh niềm tin của người tiêu dùng vẫn chưa được cải thiện.
HSBC hạ dự báo lạm phát năm 2014 của Việt Nam xuống còn 7,3%. HSBC hạ dự báo lạm phát năm 2014 của Việt Nam xuống còn 7,3%.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI trong tháng 2 chỉ tăng 1,24% so với tháng 12/2013 và  tăng 4,65% so với cùng kỳ năm trước.

Bản báo cáo về kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2 của Khối Nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng HSBC nhận định, số liệu lạm phát tháng 2 yếu hơn dự báo đã cho thấy các hoạt động kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng bởi yếu tố lòng tin của người tiêu dùng.

“Dịp Tết Nguyên đán, không chỉ nhu cầu thực phẩm, mà cả giao thông vận tải và một số mặt hàng cốt lõi khác thường tăng vọt. Nhưng lạm phát toàn phần đã tăng theo tháng trong tháng Giêng và tháng Hai năm nay thực chất là do giá cả thực phẩm cao hơn dẫn dắt. Điều này có nghĩa là, người tiêu dùng chỉ dành tiền tiêu vào những sản phẩm thiết yếu, trong khi cắt giảm chi tiêu cho những mặt hàng gia dụng và may mặc”, Trinh Nguyen, chuyên viên kinh tế Ngân hàng HSBC phân tích.

Trao đổi với ĐTCK, TS. Vũ  Đình Ánh, chuyên gia kinh tế bình luận, chỉ số CPI tháng 2 năm nay thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Trừ tháng 2/2001, CPI tăng 0,4%, còn các năm khác đều phải trên 1%. Thậm chí, năm 1995, CPI tháng 2 đã tăng tới 3%. Tuy nhiên, ông Ánh cho biết, ông không quá ngạc nhiên về con số này, bởi đã có thể dự báo từ trước.

Viện dẫn những số liệu thống kê về nhu cầu lao động bán chuyên nghiệp đang tăng do dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao trong thời gian qua, nhưng nhu cầu lao động ở khu vực DN vừa và nhỏ vẫn còn yếu, ước tính chiếm khoảng 23,5% tổng lực lượng lao động và 82% người lao động không có bảo hiểm xã hội, các hộ gia đình có thể bị ảnh hưởng lớn trước những cú sốc kinh tế, bà Trinh Nguyen nhận xét: “Điều này giải thích cho hành vi tiêu dùng cẩn trọng của người Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua”.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế tiếp tục giữ quan điểm, tốc độ cải cách của nền kinh tế khá chậm chạp đã không tạo được lòng tin cho người tiêu dùng trong tương lai. Trong khi Chính phủ đã thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD, chịu trách nhiệm giải quyết cho những khoản nợ xấu trong hệ thống tài chính hay tái cơ cấu các TCTD, thì những cải cách then chốt trong đầu tư công và DN Nhà nước vẫn còn mờ nhạt.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DN Nhà nước 2014 - 2015, Báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN đã thừa nhận, phê duyệt Đề án Tái cơ cấu còn chậm, chủ yếu được thực hiện trong năm 2013. DN Nhà nước vẫn dàn trải trong nhiều ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, nhiều DN quy mô vẫn còn nhỏ. Kết quả cổ phần hóa, sắp xếp DN đạt thấp so với yêu cầu, một số địa phương, bộ, tập đoàn chưa cổ phần hóa được DN nào. Trong tổng số 4.164 tỷ đồng vốn Nhà nước được thoái trong năm 2013, chỉ có 267 tỷ đồng bán ra bên ngoài, còn lại 3.894 tỷ đồng là thoái vốn trong nội bộ.

Báo cáo của HSBC dự báo, sức cầu trong nước tiếp tục thấp, việc giá xăng tăng trong thời gian qua sẽ có tác động đến chỉ số lạm phát, nhưng chỉ ở mức độ khá nhỏ, quanh mức tăng 1%. HSBC kỳ vọng lạm phát toàn phần sẽ tăng nhẹ trong quý II/2014 do mặt bằng giá cả không thuận lợi và chi phí năng lượng có tiềm năng tăng cao hơn. HSBC hạ dự báo lạm phát năm 2014 của Việt Nam xuống còn 7,3%.

“Nhìn lại diễn biến lạm phát từ đầu năm tới nay, có thể thấy có khá nhiều điểm tương đồng với các năm 2000, 2001. Lạm phát của tháng 1/2014 là 0,69%, tháng 1/2000 là 0,4% và lạm phát tháng 1/2001 là 0,3%. Lịch sử CPI tháng 3 âm có thể lặp lại, nếu như không có việc Chính phủ tăng giá xăng dầu thời gian qua”, TS. Ánh bình luận.    

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục