Co bớt mục tiêu xây dựng đường cao tốc Bắc Nam trong vòng 5 năm tới xuống còn 467 km

Giới hạn về nguồn lực khiến Bộ Giao thông - Vận tải phải co bớt mục tiêu xây dựng đường cao tốc Bắc Nam trong vòng 5 năm tới, từ 1.372 km xuống vỏn vẹn 467 km.
Co bớt mục tiêu xây dựng đường cao tốc Bắc Nam trong vòng 5 năm tới xuống còn 467 km

Chọn phương án thấp

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Tờ trình số 1646/TTr - BGTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Điểm nhấn đáng chú nhất trong tờ trình xin thẩm định bước nghiên cứu đầu tiên của đại công trình hạ tầng có quy mô lớn nhất trong 5 năm tới (2017 - 2022) chính là việc Bộ GTVT lựa chọn phương án 1 - chỉ đầu tư xây dựng 467 km đường cao tốc Bắc Nam với các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Vinh (Nghệ An); Cam Lộ (Quảng Trị) - Túy Loan (Thừa Thiên Huế); Phan Thiết (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng Nai).

"Nếu không có một số cơ chế đặc thù cho dự án, thì chỉ có thể trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2017 và khởi công dự án sớm nhất vào năm 2020" - Bộ GTVT.

Trong các phân đoạn được lựa chọn ưu tiên đầu tư, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn sẽ đầu tư bằng vốn ngân sách; đoạn Mai Sơn - Vinh và Bình Thuận - Đồng Nai được đầu tư theo cơ chế PPP, loại hợp đồng BOT; đoạn Cam Lộ - Túy Loan sẽ đầu tư theo hình thức BT.

Đối với Dự án Dầu Giây - Phan Thiết, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến với Ngân hàng Thế giới về việc dừng triển khai theo mô hình thí điểm PPP để triển khai theo cơ chế PPP chung với các dự án đường cao tốc Bắc - Nam.

Bộ GTVT sẽ đàm phán với Bitexco theo các phương án: không tiếp tục tham gia dự án và hoàn trả phần kinh phí Bitexco đã thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư từ trước đến nay (khoảng 150 tỷ đồng) và một khoản chi phí cơ hội hợp lý; hoặc Bitexco tham gia với tỷ lệ phù hợp hoặc tham gia với tư cách nhà đầu tư độc lập, được hưởng ưu đãi 5% khi tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Với phương án này, tổng mức đầu tư cho 3 phân đoạn cao tốc Bắc Nam trong giai đoạn I là 102.837 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 41.414 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng toàn dự án theo quy mô quy hoạch với tổng chiều dài 1.204 km - 27.422 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng công trình 13.992 tỷ đồng - tương ứng 23,5% tổng đầu tư); vốn BT trả bằng ngân sách (thanh toán cho các đoạn Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan) khoảng 23.525 tỷ đồng; nguồn vốn của nhà đầu tư khoảng 37.898 tỷ đồng.

Tính toán của Bộ GTVT cho thấy, nếu Nhà nước hỗ trợ 63.000 tỷ đồng để xây dựng 916 km cao tốc (phương án trung bình), thì Chính phủ sẽ phải lấy từ nguồn dự phòng ngân sách 21.586 tỷ đồng để bù cho các dự án quan trọng, cấp bách khác. Con số này sẽ tăng lên 28.586 tỷ đồng nếu đầu tư theo phương án Nhà nước hỗ trợ 70.000 tỷ đồng để xây dựng khoảng 1.015 km cao tốc (phương án cao).

Theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI)- đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trước đây, trong Đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP.HCM, Bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2022 hoàn thành đầu tư xây dựng 1.372 km để nối thông toàn tuyến.

Trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng chỉ thành lập một hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định cả nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi tất cả các Dự án; rút ngắn thời gian thẩm định mỗi Dự án. 

Khi đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ dành một gói ngân sách riêng khoảng 70.000 tỷ đồng để hỗ trợ các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam thực hiện bằng cơ chế PPP. Tuy nhiên, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ GTVT chỉ được phân bổ khoảng 70.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ trong 5 năm (2016 - 2020) cho tất cả dự án, bao gồm một số đoạn tuyến của cao tốc Bắc - Nam.

“Do ngân sách eo hẹp, nên Bộ GTVT chỉ có thể chi tối đa 41.414 tỷ đồng cho Dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam. Phần kinh phí còn lại sẽ phải san sẻ đầu tư để duy trì năng lực tối thiểu của hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có, trong đó dự kiến chi cho các dự án đường sắt cấp bách 7.000 tỷ đồng; các dự án giao thông cấp bách khác 21.586 tỷ đồng”, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Cần cơ chế đặc thù

Theo Bộ GTVT, việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đang rất cấp bách, không thể trì hoãn. Tuy nhiên, nếu triển khai tuần tự theo các quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật hiện hành, thì từ thời điểm hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đến thời điểm trình Quốc hội mất khoảng 9 tháng; từ thời điểm Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đến thời điểm có thể khởi công công trình tối thiểu là 35 tháng.

“Như vậy, nếu không có một số cơ chế đặc thù cho dự án, thì chỉ có thể trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2017 và khởi công dự án sớm nhất vào năm 2020”, Bộ GTVT cho biết.

Phân kỳ đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam

Giai đoạn I (từ năm 2017 đến năm 2022): xây dựng 467 km, tổng mức đầu tư 102.837 tỷ đồng.

Giai đoạn II (từ năm 2023 đến năm 2028): xây dựng 905 km, để nối thông cao tốc Bắc Nam, với tổng mức đầu tư 142.157 tỷ đồng, gồm đoạn Vinh – Cam Lộ (Quảng Trị) và Quảng Ngãi – Phan Thiết (Bình Thuận) quy mô 4 làn xe.

Giai đoạn III (sau năm 2028): Hoàn chỉnh tuyến theo quy mô 
phù hợp với quy hoạch, với tổng mức đầu tư khoảng 69.123 tỷ đồng.

Để có thể khởi công Dự án vào năm 2018, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Quốc hội, cho phép trong bước nghiên cứu tiền khả thi chỉ sơ bộ đánh giá tác động môi trường; việc lập, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thực hiện trong bước nghiên cứu khả thi.

Bên cạnh đó, trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng chỉ thành lập một hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định cả nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi tất cả các dự án; rút ngắn thời gian thẩm định mỗi dự án. Đồng thời, cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật và tư vấn thẩm tra thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình đối với các dự án triển khai đầu tư trong giai đoạn I, trong đó chỉ định cho Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm tra tổng mức đầu tư và thẩm tra dự toán xây dựng công trình để nâng cao chất lượng.

Để thống nhất chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ GTVT đề xuất thành lập Ban chỉ đạo quốc gia để chỉ đạo triển khai đầu tư Dự án Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam với Trưởng ban là Phó thủ tướng Chính phủ; Phó trưởng ban thường trực là Bộ trưởng Bộ GTVT; các Phó trưởng ban là Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Ủy viên là Thứ trưởng các bộ liên quan (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, GTVT, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước) và Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố có dự án đi qua.

Để bảo đảm tiến độ triển khai Dự án, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định Dự án theo quy định. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng, các thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành theo quy định, mời thêm các chuyên gia có kinh nghiệm về kinh tế, kỹ thuật.

Về phương án đầu tư, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT chỉ đạo Tư vấn hoàn thiện 2 phương án (Nhà nước hỗ trợ 63.000 tỷ đồng và 70.000 tỷ đồng), báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ quyết định trước khi trình Quốc hội. Nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước dành chủ yếu cho giải phóng mặt bằng và một phần cho đầu tư, phần còn lại (khoảng 70% tổng mức đầu tư) huy động từ nguồn xã hội hóa.

Liên quan tới phương án tài chính của các hợp phần đầu tư theo cơ chế PPP, đối với phần lợi nhuận của nhà đầu tư, Bộ GTVT đang tạm tính tỷ suất lợi nhuận khoảng 14%/năm cho phần vốn chủ sở hữu; 10,37%/năm cho phần vốn vay; mức thu giá dịch vụ là 1.500 đồng/PCU/km (bắt đầu từ thời điểm Dự án đưa vào khai thác), dự kiến 3 năm điều chỉnh 1 lần, mỗi lần tăng khoảng 12%/3 năm. Với các yếu tố đầu vào này, các nhà đầu tư có thể hoàn vốn dự án sau 24 năm.

Ngoài các ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật, Bộ GTVT kiến nghị cho phép nhà đầu tư được kinh doanh các dịch vụ giá trị gia tăng dọc hai bên tuyến đường trong phạm vi giải phóng mặt bằng của Dự án.

Đối với trạm dừng nghỉ, do không thể xác định trước được doanh thu trong quá trình vận hành khai thác, nên không xác định trong nguồn thu của Dự án để tính toán phương án tài chính; toàn bộ chi phí liên quan đến giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng do nhà đầu tư tự cân đối và được kinh doanh khai thác tương ứng với thời gian hoàn vốn dự án, cơ quan nhà nước hỗ trợ trong việc tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng cùng với Dự án.

Mặc dù đều có tính khả thi tài chính, nhưng theo Bộ GTVT, việc huy động vốn tín dụng cho các dự án BOT cao tốc Bắc Nam được dự báo là rất khó khăn. Hiện dư nợ tín dụng dài hạn của các tổ chức tín dụng đang ở mức cao. Tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã ở mức giới hạn theo quy định, trong khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương giảm dần tỷ lệ này nên khả năng huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước rất khó khăn.

“Thực tế, vừa qua, dù một số dự án khả thi về tài chính, nhưng các ngân hàng thương mại trước đây cam kết cung cấp tín dụng đã có văn bản từ chối”, ông Nhật cho biết.

Chính vì vậy, để khơi được nguồn vốn vay trong nước, Bộ GTVT kiến nghị cho phép các tổ chức tín dụng không tính trong tỷ lệ huy động nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn; không tính trong tỷ lệ giới hạn tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng thương mại lớn cũng được hình thành gói tín dụng riêng cho dự án để huy động được nguồn vốn trong nước theo hướng cho vay một khách hàng vượt quá 15% vốn điều lệ và một nhóm khách hàng vượt quá 25% vốn điều lệ để đầu tư dự án.

“Đây chỉ là giải pháp tình thế và ngắn hạn vì rất khó khăn để huy động được nguồn vốn lớn, đồng thời tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống tín dụng”, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục