CNTT Việt Nam: tâm điểm mới thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Chỉ chưa đầy một tháng, đã có tới 3 đoàn doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đó là minh chứng thực tế nhất cho những nhận định tốt đẹp về tiềm năng của thị trường CNTT-TT của Việt Nam.

Lần đầu tiên, 29 doanh nghiệp CNTT-TT và điện tử của Đan Mạch đã có 2 cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Theo đại diện của Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA), mục tiêu của các DN Đan Mạch là tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Việt Nam bằng cách tiếp cận các doanh nghiệp có tiềm năng trong cùng ngành ở Việt Nam.

Cũng theo vị đại diện này, 29 doanh nghiệp Đan Mạch đã có khoảng 400 cuộc gặp gỡ với 100 doanh nghiệp Việt Nam. Đó là những doanh nghiệp có khả năng hợp tác về thương mại, sẵn sàng tiếp nhận bí quyết và công nghệ chuyển giao từ các doanh nghiệp Đan Mạch. Tại Hà Nội, các doanh nghiệp được đối tác Đan Mạch tiếp xúc nhiều nhất là INET, IFI, MITEC, Tinh Vân, FPT Software, SmartOSC.

Cuối tháng 5 này, việc thành lập dự án liên doanh lâu dài giữa doanh nghiệp Đan Mạch và doanh nghiệp Việt Nam sẽ được công bố. Dự kiến, mỗi dự án liên doanh lâu dài giữa doanh nghiệp Việt Nam và Đan Mạch sẽ được Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp tài trợ 850.000 USD.

Còn về phía Hàn Quốc, Đoàn doanh nghiệp CNTT gồm các công ty hoạt động trong lĩnh vực phần mềm, phần cứng thuộc Hiệp hội KOIVA Hàn Quốc cũng đã có những buổi làm việc và thảo luận với các doanh nghiệp CNTT Việt Nam. Bước khởi đầu cho sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc là việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa KOIVA và Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC). Theo bản ghi nhớ này, VDC và KOIVA sẽ hợp tác trong lĩnh vực xây dựng mạng Internet tốc độ cao, triển khai các dịch vụ Internet và truyền số liệu như VoIP, E-learning, thương mại điện tử, chính phủ điện tử, game online...

Theo Cơ quan Xúc tiến CNTT Hàn Quốc (KIPA), các doanh nghiệp phần mềm Hàn Quốc đã và đang ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam, đặc biệt là ngành công nghiệp giải trí trực tuyến. Còn theo nhận định của ông Ik-ki Park, Giám đốc Hợp tác doanh nghiệp của Hiệp hội Công nghiệp phần mềm Hàn Quốc (KOSA), CNTT Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng trong khu vực ASEAN hiện nay.

Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) cho biết, cuối tháng 5 này, sẽ có một đoàn gần 30 công ty phần mềm của Anh tới Việt Nam để gặp gỡ các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam và tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Đánh giá về thị trường CNTT Việt Nam, ông Phạm Mạnh Lâm, Phó viện trưởng Viện Chiến lược bưu chính - viễn thông và CNTT cho rằng, với tốc độ tăng trưởng bình quân 20 - 30%/năm, công nghiệp CNTT Việt Nam đang trở thành tâm điểm mới trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

 

Huyền Anh
Huyền Anh

Tin cùng chuyên mục