Clever Group (mã ADG) dồn vốn vào bất động sản

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Nguồn vốn lớn huy động được không đầu tư cho mảng kinh doanh lõi, Công ty cổ phần Clever Group (mã chứng khoán ADG) mang đi mua bất động sản.

Ảnh: Shutterstocks. Ảnh: Shutterstocks.

Tài sản nằm chính ở khoản cho vay và đầu tư bất động sản

Cuối tháng 10 vừa qua, Công ty cổ phần Clever Group đã nộp hồ sơ niêm yết lên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), chưa đầy 2 tháng sau khi hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 82,88 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần tăng vốn từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần và chào bán cổ phần cho người lao động (ESOP).

Trước đó, đầu năm 2020, Clever Group đã chào bán 888.000 cổ phần với giá 78.545 đồng/cổ phiếu cho Yello Digital Marketing Global Pte. Ltd (Hàn Quốc), hiện cũng là cổ đông lớn nhất của Công ty với sở hữu 40,22%, đứng thứ 2 là ông Nguyễn Khánh Trình - Chủ tịch Hội đồng quản trị, với 26,6%.

Tiền thân của Clever Group là Công ty cổ phần Quảng cáo Thông minh, được thành lập năm 2008. Sau 12 năm, Clever Group hiện giới thiệu là đại lý quảng cáo (CleverAds), đối tác cao cấp (Premier Partner) lớn nhất của Google, Facebook tại Việt Nam.

Thông qua các công ty con, Clever Group còn có hoạt động kinh doanh ở một số quốc gia trong khu vực như Indonesia, Philippines và Myanmar.

Trong khoảng 4 năm trở lại đây, lợi nhuận của Công ty duy trì đà tăng trưởng khá tích cực, nhưng tăng trưởng doanh thu đang có dấu hiệu chậm lại. Năm 2018, doanh thu đạt 335 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 20 tỷ đồng, tăng lần lượt 36% và 27% so với 2017.

Mức tăng trưởng lợi nhuận cao của Công ty trong 9 tháng 2020 chủ yếu đến từ hoạt động tài chính

Năm 2019, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 40,6 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm 2018 thì doanh thu chỉ tăng trưởng 8%, đạt 362,6 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt 20,4 tỷ đồng, tăng 29,1% so với cùng kỳ 2019 và doanh thu của Công ty chỉ tăng trưởng 7,5% với 247,5 tỷ đồng.

Mức tăng trưởng lợi nhuận cao của Công ty trong 9 tháng 2020 chủ yếu đến từ hoạt động tài chính với lợi nhuận tài chính đạt 7,98 tỷ đồng, tăng gấp 43,07 lần cùng kỳ năm trước nhờ lãi tiền gửi và cho vay tăng mạnh.

Trong khi đó, phần lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính chỉ tăng 11,9% do các khoản chi phí đặc biệt là chi phí nhân công bán hàng, quản lý đã tăng mạnh 62,6%.

Lợi nhuận tăng nhanh trong 9 tháng, song trong kỳ, vốn chủ sở hữu tăng tới 72,3%, tổng tài sản tăng 83,3% nên hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản, nguồn vốn của Công ty vẫn đang giảm so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng đầu năm nay, mặc dù tiến hành hoạt động tăng vốn khá mạnh, bao gồm cả việc chào bán cổ phần riêng lẻ nhưng dòng tiền của Công ty chủ yếu được dùng để đầu tư vào các tài sản tài chính, bất động sản, thay vì các hoạt động kinh doanh chính.

Tính đến 30/9/3020, Công ty đang có khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn 139,4 tỷ đồng, tăng 82,5% so với đầu năm và hiện chiếm 36% tổng tài sản, chủ yếu là trái phiếu của các doanh nghiệp (94,4 tỷ đồng), còn lại là tiền gửi có kỳ hạn.

Ngoài ra, Công ty còn 4,5 tỷ đồng dưới dạng các khoản cho vay và 74,2 tỷ đồng các khoản cầm cố ký quỹ. Đây là các khoản trái phiếu, tiền gửi được Công ty sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay ngắn hạn. Tổng các khoản tiền gửi, trái phiếu, cho vay này đã tăng gấp 2,7 lần đầu năm và tương ứng 56% tổng tài sản.

Đáng chú ý là trong 9 tháng đầu năm nay, Công ty đã phát sinh thêm khoản đầu tư bất động sản, bao gồm sản phẩm biệt thự hình thành trong tương lai tại khu đô thị Ecopark, Văn Lâm, Hưng Yên (23,15 tỷ đồng) mà theo Clever Group, mục đích của các khoản đầu tư này là nắm giữ chờ tăng giá.

Cùng với hai khoản đầu tư trước đó là sàn dịch vụ thương mại tầng 1 chung cư Bohemia (số 25 Nguyễn Huy Tưởng) với 14,19 tỷ đồng, quyền sử dụng đất biệt thự LK4-SL40, lô TT96-9 khu đất Đông Nam dự án khu đô thị mới Nam An Khánh và phần mở rộng khu B (Vinhome Thăng Long) 8,5 tỷ đồng, tổng giá trị đầu tư bất động sản chờ tăng giá của Công ty đã tăng lên 45,86 tỷ đồng, tương đương 11,8% tổng tài sản.

Sau hơn 1 năm đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM (từ tháng 12/2019), thị giá cổ phiếu ADG đã ghi nhận xu hướng tăng khá đều đặn. Kết thúc phiên giao dịch 27/11/2020 tại mức giá 59.200 đồng/cổ phiếu, vốn hóa của doanh nghiệp đạt trên 1.060 tỷ đồng, gấp 2,7 lần quy mô tài sản. Bội số giá trên thu nhập (P/E) 4 quý gần nhất đạt trên 23 lần.

Rủi ro ngành nghề lõi

Mặc dù hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ quảng cáo qua các nền tảng kỹ thuật số đang được đánh giá có tốc độ tăng trưởng cao và lấn át các kênh quảng cáo truyền thống (có thể đạt mức tăng trưởng trung bình 21,6% theo báo cáo năm 2019 của Mordor Intelligence), nhưng dịch bệnh Covid-19 được đánh giá đã và đang gây ra những khó khăn nhất định cho nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Nhiều doanh nghiệp tiết giảm chi phí, bao gồm cả các chi phí quảng cáo, truyền thông sẽ ảnh hưởng bất lợi cho kết quả kinh doanh của Clever Group.

Kết quả thực hiện 9 tháng của ADG dù tăng trưởng tốt so với cùng kỳ nhưng vẫn còn cách khá xa mục tiêu 498,6 tỷ đồng doanh thu và 55,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm nay.

Về dài hạn, nguồn thu chủ yếu đến từ mảng làm đại lý quảng cáo cho các nền tảng công nghệ lớn tiềm ẩn rủi ro phụ thuộc lớn vào sự thay đổi trong các chính sách của đối tác. Chưa kể, Công ty đang chịu sức ép cạnh tranh lớn từ các đối thủ cùng ngành.

Báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Stanley Brothers (SBSI) đánh giá, ngành quảng cáo kỹ thuật số tại Việt Nam có tính cạnh tranh khá cao khi số lượng doanh nghiệp lớn và đồng đều về năng lực.

Nguồn thu chủ yếu đến từ mảng làm đại lý quảng cáo cho các nền tảng công nghệ lớn tiềm ẩn rủi ro phụ thuộc lớn vào sự thay đổi trong các chính sách của đối tác.

Áp lực giá từ nhà cung cấp với các công ty trong ngành ngày một tăng do số nhà cung cấp ít và tập trung vào các tập đoàn lớn như Google, Facebook… Áp lực giá từ khách hàng cũng có xu hướng tăng do các doanh nghiệp có xu hướng tập trung ngân sách marketing vào đúng đối tượng mục tiêu, thay vì dàn trải như trước.

Ngoài ra là áp lực từ những đối thủ mới gia nhập do đặc thù ngành nghề không yêu cầu về đầu tư tài sản cố định, có tốc độ quay vòng vốn nhanh và phụ thuộc nhiều vào năng lực của mỗi cá nhân trong doanh nghiệp.

Đây sẽ là những khó khăn với bài toán duy trì tăng trưởng của Clever Group. Trước đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (Yeah1) cũng đã “nếm trái đắng” do bị đối tác YouTube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung liên quan tới mảng YouTube Adsense từ ngày 31/3/2019, chỉ 9 tháng sau khi niêm yết khiến thị giá cổ phiếu YEG trên thị trường giảm mạnh cho thấy rủi ro doanh nghiệp phải đối mặt khi phụ thuộc lớn vào một đối tác bên ngoài.

Đến nay, sau nhiều nỗ lực tái cấu trúc, kết quả hoạt động kinh doanh của YEG vẫn chưa thể trở lại như thời hoàng kim.

Mua được các bất động sản giá tốt nên đầu tư để kiếm lời

Ông Nguyễn Khánh Trình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Clever Group đã chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán.

Với tiềm năng của thị trường lớn như hiện nay, vì sao tốc độ tăng trưởng doanh thu của Công ty chậm lại?

9 tháng đầu 2020, không riêng CleverGroup, phần lớn doanh nghiệp chỉ thực sự hoạt động được 4-5 tháng. Covid-19, giãn cách xã hội… ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của tất cả các doanh nghiệp, CleverGroup cũng nằm trong số đó.

Tháng 4/2020, Công ty chỉ còn 20% doanh số, tháng 5 là 40%, tháng 6 là 60%, tháng 7 là 80% thì tháng 8 lại gặp dịch đợt 2… Vậy nên, kết quả kinh doanh vẫn tốt hơn cùng kỳ năm ngoái là một kỳ tích.

9 tháng đầu năm, Công ty tăng vốn khá mạnh, nhưng tại sao chủ yếu dùng để đầu tư vào các tài sản tài chính, bất động sản, thay vì các hoạt động kinh doanh chính?

Năm 2020 liệu có thể đầu tư vào đâu trong toàn bộ chu trình kinh doanh online để đảm bảo sinh lời, không có rủi ro? Câu hỏi này là câu hỏi chung của rất nhiều doanh nghiệp. CleverGroup có lượng vốn dồi dào, tái đầu tư liên tục (M&A, mở mới doanh nghiệp…) nhưng vẫn dư tiền mặt.

Chúng tôi mua được các bất động sản giá tốt nên đầu tư để kiếm lời. Đây cũng là một hoạt động bình thường. Năm 2021, lượng vốn dư sẽ tiếp tục được dùng để M&A thêm 1-2 doanh nghiệp trong ngành nữa.

Công ty có các phương án dự phòng rủi ro như thế nào khi phụ thuộc lớn vào 1 đối tác bên ngoài?

Chúng tôi là đối tác của nhiều hãng công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước Google, Facebook, Amazon, Alibaba, Tiktok, Zalo, VCCorp… Rủi ro lớn nhất của CleverGroup là các thiên tai địch họa như những gì thế giới đang được chứng kiến với Covid-19. Hy vọng rằng chúng ta sẽ không phải chứng kiến nó dài hơn nữa.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục