CII phát hành trái phiếu để đảo nợ và đầu tư đường cao tốc

0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động kinh doanh chính của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) những năm gần đây thường xuyên ghi nhận dòng tiền âm, Công ty phải liên tục huy động tài chính qua các kênh vay nợ.
Hội đồng Quản trị CII đã công bố thông qua phương án phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu Hội đồng Quản trị CII đã công bố thông qua phương án phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu

Liên tục phát hành trái phiếu đảo nợ

Hội đồng Quản trị CII (mã CII - HoSE) mới đây công bố thông qua phương án phát hành trái phiếu với giá trị huy động tối đa 500 tỷ đồng. Trái phiếu chào bán là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được bảo đảm bằng tài sản. Lãi suất chi trả cố định và không quá 10,5%/năm.

Số tiền thu về được CII dự kiến chi 265 tỷ đồng để thanh toán gốc vay tại VPBank, 235 tỷ đồng đầu tư vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Dự án Xa lộ Hà Nội. Công ty cho biết, đang triển khai các thủ tục để xin ý kiến chấp thuận kế hoạch phát hành với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Kể từ đầu năm đến nay, CII là một trong những doanh nghiệp “chăm chỉ” phát hành trái phiếu. Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên sau soát xét năm 2021 của Công ty cho thấy, trong nửa đầu năm, CII đã thanh toán 776 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu, nhưng có 3 đợt phát hành trái phiếu để vay thêm 1.041 tỷ đồng. Tổng dư nợ trái phiếu của Công ty tính đến thời điểm ngày 30/6/2021 là gần 6.397 tỷ đồng.

Tổng nợ đến ngày 30/6/2021 của CII là hơn 22.450 tỷ đồng, gấp 2,9 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 4.427 tỷ đồng, tăng 1.124 tỷ đồng (tương đương 34%) so với đầu năm; vay và nợ thuê tài chính dài hạn 13.074 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,5% so với đầu năm.

Các chủ nợ lớn nhất của CII tính trên các khoản nợ ngắn hạn là VPBank (692 tỷ đồng), HDBank (401 tỷ đồng), BIDV (225 tỷ đồng). Nghiệp vụ đầu tư chứng khoán cũng được CII rất chú trọng, khi tổng nợ tại các công ty chứng khoán của Công ty lên tới hơn 367 tỷ đồng. Báo cáo tài chính cho thấy, CII có khoản đầu tư tại Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn RiverFront, với giá gốc là 615,6 tỷ đồng, giá trị hợp lý được CII xác định là hơn 800 tỷ đồng.

Về nợ dài hạn, ngoài các khoản vay bằng trái phiếu nói trên, CII còn có các khoản vay tại ngân hàng và một số cá nhân, tổ chức với giá trị là 6.677 tỷ đồng. Trong đó, nợ tại VietinBank là 3.494 tỷ đồng, BIDV là 1.443 tỷ đồng, TPBank 701 tỷ đồng và HDBank 442 tỷ đồng.

Tất cả các khoản vay đều được CII xác định là có khả năng thanh toán.

Nợ vay lớn bào mòn lợi nhuận

Vay nợ lớn không chỉ khiến CII phải thường xuyên đi vay mới để đảo nợ cho các khoản vay cũ, mà còn khiến Công ty nặng gánh trả lãi, dòng tiền kinh doanh thường xuyên âm trong khoảng 4 năm trở lại đây.

Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên của CII cho thấy, dù doanh thu thuần nửa đầu năm của Công ty tăng mạnh 74% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1.965 tỷ đồng, nhưng lãi ròng giảm mạnh 70%, xuống còn 115 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận thuộc về công ty mẹ là 31,75 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 2021, Công ty mới thực hiện được 30% chỉ tiêu doanh thu và 19% chỉ tiêu lợi nhuận sau nửa đầu năm.

Ngoài lý do giá vốn tăng mạnh so với nửa đầu năm ngoái, thì doanh thu từ hoạt động tài chính của CII trong nửa đầu năm cũng giảm mạnh, chi phí tài chính lên tới 680 tỷ đồng trong nửa đầu năm, trong đó chi phí lãi vay là hơn 556 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của CII âm đến 811 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái âm 904 tỷ đồng).

Thế khó của CII không dễ hóa giải khi hoạt động kinh doanh còn chịu sự ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Trong văn bản gửi tới các cổ đông, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII cho biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp và CII không ngoại lệ.

Cụ thể, đối với hoạt động thu phí giao thông, CII đã thực hiện dừng thu phí theo đúng yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc dừng thu phí tuy không ảnh hưởng đến hiệu quả các dự án BOT trong dài hạn, nhưng ảnh hưởng trực tiếp theo chiều hướng giảm tới doanh thu và lợi nhuận CII trong năm tài chính 2021.

Đối với kinh doanh bất động sản, việc giãn cách và dừng thi công các công trình xây dựng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hoàn thiện pháp lý và tiến độ thi công. Do vậy, việc hạch toán doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch trong năm 2021 gần như bắt buộc phải chuyển sang năm 2022.

Đây là những thách thức rất lớn đối với CII trước đợt phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu, bởi nguy cơ “vỡ kế hoạch” kinh doanh cả năm 2021 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thu xếp dòng tiền.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục