Theo cách thông thường, CII sẽ định giá lại tài sản dự kiến chuyển nhượng, còn CII B&R sẽ đi vay, phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi hoặc cổ phiếu, bao gồm cả phát hành cho CII, để lấy tiền mua tài sản từ CII.
Tuy nhiên, theo tài liệu cuộc họp đã được công bố, mục tiêu của CII là làm sao chuyển nhượng được dự án mà không phải đóng thuế, vì nếu làm như cách vừa nêu thì CII sẽ phải đóng hơn 190 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp ngay lập tức, do giá chuyển nhượng cao hơn giá vốn.
Để đạt mục tiêu này, CII dự kiến chuyển nhượng vốn của các dự án với giá chuyển nhượng bằng giá vốn, đổi lại CII B&R sẽ bán cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi cho CII với giá thấp để CII có thể bán lại với giá cao hơn, qua đó thu hồi toàn bộ phần lợi ích của mình.
Cách làm của CII nghe qua có vẻ hợp lý, nhưng có một số vấn đề rất đáng để xem xét. Thứ nhất, như đã nói, mục tiêu của CII là không phải đóng thuế, trong khi CII mua cổ phiếu của CII B&R với giá 10.000 đồng/CP để sau đó bán đấu giá với giá thấp nhất là 16.500 đồng/CP thì phần chênh lệch này chắc chắn sẽ phải đóng thuế. Tuy nhiên, câu hỏi lớn ở đây là, liệu CII có thể đấu giá thành công với khối lượng cổ phần và giá bán như dự kiến hay không?
Tương tự, CII mua trái phiếu chuyển đổi của CII B&R với giá chuyển đổi là 10.000 đồng/CP, khi chuyển đổi, giả sử giá thị trường của cổ phiếu CII B&R lúc đó là 18.000 đồng/CP, nếu CII chuyển đổi toàn bộ số trái phiếu để lấy cổ phiếu và bán ra thì phần chênh lệch cũng phải đóng thuế. Còn nếu CII không thể bán cổ phiếu với giá 18.000 đồng/CP thì coi như CII chưa thu hồi đủ lợi nhuận từ việc chuyển nhượng dự án cho CII B&R.
Theo tính toán của CII, tổng lợi nhuận CII sẽ thu về từ cách đi lòng vòng này là 1.372,7 tỷ đồng. Với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành là 22% thì CII sẽ phải đóng 302 tỷ đồng tiền thuế khi tất toán các giao dịch. Con số này cao hơn rất nhiều so với tiền thuế 190 tỷ đồng theo ước tính của CII nếu làm theo cách thông thường. Phải chăng còn điều gì khác mà CII muốn giành lại để giải thích cho cổ đông tại cuộc họp hôm nay?
Thứ hai, phương án của CII còn mơ hồ và cổ đông chờ CII giải trình thêm tại cuộc họp để cổ đông có đủ thông tin quyết định. Hiện tại, theo tờ trình, CII chỉ cho biết giá vốn của các dự án dự định chuyển nhượng là 1.955 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị được định giá lại là bao nhiêu không thấy nói đến.
Đưa ra con số hơn 190 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng nhưng CII không cho biết nó được tính như thế nào. Để ra con số này, chắc chắn CII đã có giá trị định giá của các dự án, vậy giá này do tổ chức nào thẩm định, hay đơn thuần chỉ là tính toán của CII?
Nói chung, các thông tin CII công bố trước thềm đại hội về cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi trong phương án chưa đủ để cổ đông của cả CII và CII B&R ra quyết định. CII cần phải công bố thêm giá trị dự án dự định chuyển nhượng đã được định giá bởi một tổ chức độc lập, hoặc ít nhất CII cũng cần đưa ra cơ sở thuyết phục nếu tự mình định giá.
Cuối cùng, giá trị tài sản mà CII dự kiến chuyển nhượng, ngay cả khi được định giá lại thì giá trị của chúng chẳng qua là dòng tiền tương lai của các dự án được chiết khấu về hiện tại, trong khi CII đang đối xử với chúng như thể chúng đã là của ngày hôm nay. Cụ thể, CII B&R bỏ tiền mua các dự án này thực chất là mua nguồn thu của chúng, còn CII hiện tại phải đóng thuế từ việc mua đi bán lại cổ phiếu và trái phiếu.
Nếu CII thực sự muốn tiết kiệm tiền thuế phải đóng, CII sao không thể chờ thêm khi thuế suất phổ thông thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm từ 22% hiện nay xuống còn 20% kể từ ngày 1/1/2016?
Nhìn một cách đơn thuần, nếu giữ nguyên như hiện tại, sẽ chẳng có đồng thuế chuyển nhượng tài sản nào phát sinh. Trong khi đó, nếu làm theo cách chuyển nhượng lòng vòng mà CII đang toan tính, cổ đông CII chưa hiểu lợi lộc là gì và tính khả thi ra sao. Chính vì thế, cách đi lòng vòng của CII có thể gây hiểu lầm hoặc khiến một số người không hiểu lãnh đạo của CII đang toan tính điều gì? Hy vọng những vấn đề còn chưa rõ sẽ được làm rõ tại cuộc họp hôm nay.