CII chia cổ tức 12% và cổ phiếu thưởng 14%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ đông nội bộ của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII - sàn HOSE) vừa hoàn thành mua vào 3 triệu cổ phiếu như đã đăng ký khi cổ phiếu này giảm giá mạnh theo đà giảm của thị trường.
CII chia cổ tức 12% và cổ phiếu thưởng 14%

Báo Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII về tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty.

Lãi suất tăng cao là bất lợi lớn khi tỷ lệ đòn bẩy tài chính của CII ở mức cao với 9.500 tỷ đồng nợ vay dài hạn, bao gồm cả trái phiếu. Ông chia sẻ gì về lo ngại này của thị trường?

Theo luật định, đối với các dự án cơ sở hạ tầng, vốn tự có thường chiếm tỷ lệ 20%, vốn vay chiếm tỷ lệ 80% tổng mức đầu tư của dự án. Do vậy, là doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, trong giai đoạn triển khai đầu tư nhiều dự án lớn, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính của CII đương nhiên phải cao so với các ngành thông thường khác và phù hợp với quy định pháp luật.

Các dự án của công ty triển khai chủ yếu theo hình thức BOT, theo đó, lãi suất vay vốn để tính thời gian thu phí cho dự án được thả nổi theo biến động của thị trường. Vì vậy, dù lãi suất tăng cao (thậm chí cao như giai đoạn 2011 - 2013) hay dự án tạm dừng thu phí (như giai đoạn Covid vừa qua) đều không ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của vốn chủ sở hữu mà CII đã bỏ ra. Mỗi đồng vốn mà CII bỏ ra đều được tính lãi suất định mức cố định theo năm và được tính lãi kép từ năm này sang năm khác.

Như vậy, có thể thấy rằng, với các dự án BOT đã đi vào thu phí sẽ khai thác thu phí đến khi nào trả hết nợ gốc ngân hàng, trả hết lãi vay ngân hàng, thu hồi hết lợi nhuận định mức tính trên vốn chủ sở hữu theo quy định cũng như vốn chủ sở hữu mà CII đã đầu tư vào dự án. Điều đó đồng nghĩa, trong bối cảnh các dự án đang có dòng tiền rất tốt, thì các khoản trái phiếu mà công ty đã phát hành sẽ được đảm bảo thanh toán cho trái chủ khi đến hạn. Lưu ý là hiện nay CII không có dự án BOT đang đầu tư dở dang nên không áp lực đầu tư vốn.

Năm 2022, CII đã đưa vào vận hành dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Dòng tiền của CII được cải thiện như thế nào với các dự án BOT giao thông và cấp nước sạch đang vận hành, thu phí?

Công ty đã hoàn thành đầu tư các dự án trọng điểm như dự án Mở Rộng Xa Lộ Hà Nội và Quốc Lộ 1A, dự án Cao Tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án mở rộng Quốc Lộ 60... bước vào giai đoạn vận hành thu hồi vốn đầu tư. Ước tính nguồn thu phí từ các dự án BOT giao thông và cấp nước sạch là 2.350 tỷ đồng/năm. Đây là nguồn thu ổn định và tăng trưởng hàng năm vì dù kinh tế tăng trưởng cao hay thấp thì nhu cầu nước sạch, nhu cầu đi lại vẫn sẽ gia tăng.

Đối với dự án giao thông, nguồn thu tăng trưởng phụ thuộc vào lưu lượng xe và mức giá thu phí. Lưu lượng xe lưu thông dự báo tăng trưởng khoảng 5%/năm, giá cước thu phí tăng trưởng bình quân 15%/3 năm. Như vậy, doanh số thu phí giao thông tăng trưởng bình quân ít nhất 10%/năm so với năm trước.

Vậy mảng bất động sản của CII như thế nào khi thị trường đang đóng băng và giảm giá thưa ông?

Nhà đầu tư thường nhìn nhận CII là cổ phiếu bất động sản, nhưng đầu tư cơ sở hạ tầng mới là lĩnh vực nền tảng của CII, còn mảng bất động sản chiếm tỷ trọng không đáng kể và thông thường, được CII đầu tư theo phương châm “đánh nhanh rút gọn”. Chính vì vậy, hiện tại CII không còn hàng tồn kho bất động sản, các dự án đều đã khai thác và thu hồi vốn đầu tư, lợi nhuận. Cũng nhờ phương châm “đánh nhanh rút gọn” này mà trong những tháng cuối năm 2022, khi chủ đầu tư bất động sản khác gặp nhiều khó khăn trong việc thu tiền từ khách hàng, thì CII vẫn đều đặn bàn giao sản phẩm và nhận tiền từ khách hàng.

Dự án ở Thủ Thiêm đã có quyết định giao đất (đối với các dự án nhà ở thương mại) nhưng đang còn phải chờ thành phố bàn giao các mặt bằng trống (đối với hạng mục xây dựng hạ tầng) để CII thực hiện xây dựng. Sau khi hoàn thành phần xây dựng hạ tầng thì CII sẽ được nhận đất thực tế để triển khai dự án nhà ở thương mại. Do vậy, hiện nay CII không bị tồn đọng vốn tại dự án Thủ Thiêm.

Dù thị trường bất động sản khó khăn nhưng với vị trí đặc biệt như Thủ Thiêm thì dự án sẽ mang lại hiệu quả cao cho CII khi được nhận đất thực tế để triển khai dự án nhà ở thương mại.

Ông có thể chia sẻ về kết quả kinh doanh dự kiến thực hiện trong năm 2022 và kế hoạch chia cổ tức 12%, chia cổ phiếu thưởng 14% đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông tháng 5/2022 khi nào được triển khai?

Chia cổ tức năm 2022 tỷ lệ 12% dự kiến thực hiện nửa đầu năm 2023. Còn việc chia cổ phiếu thưởng sẽ trình xin ý kiến đại hội cổ đông đầu năm 2023 để đáp ứng hồ sơ phát hành theo yêu cầu Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Về cơ bản, CII đã có nguồn để thực hiện, chỉ chờ thủ tục hoàn tất để chia.

Những năm vừa qua CII trong giai đoạn đầu tư nên cần tập trung nguồn vốn để đưa các dự án về đích. Do vậy, việc chia cổ tức bằng tiền mặt chưa thể thực hiện được. Bắt đầu từ năm 2023 trở đi, CII sẽ có nguồn thu cao và ổn định (cho dù lãi suất có tăng cao, thị trường bất động sản có gặp khó khăn…). Với “tiền bạc rủng rỉnh”, CII sẽ duy trì chính sách chia cổ tức bằng tiền đều đặn và ổn định cho cổ đông như đã từng thực hiện trước đây.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục