CII bung thêm 500 tỷ đồng trái phiếu, gánh nặng nợ gia tăng

Việc chuẩn bị phát hành thêm 1 đợt 500 tỷ đồng trái phiếu tiếp tục tạo áp lực gia tăng tỷ lệ nợ với Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII - sàn HOSE).
Theo báo cáo tài chính công ty mẹ quý III/2019, nợ phải trả của CII là hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 23,4% so với hồi đầu năm 2019.

6 đợt, hơn 3.000 tỷ đồng trái phiếu

Trái phiếu chuẩn bị phát hành của CII thực hiện theo hình thức phát hành riêng lẻ, ngày phát hành dự kiến là 24/10/2019.

Trái phiếu có kỳ hạn 24 tháng, không chuyển đổi và không có tài sản đảm bảo. Lãi suất dự kiến năm đầu là 11%/năm, từ năm thứ hai trở đi được tính bằng trung bình cộng lãi suất thường áp dụng cho cá nhân kỳ hạn 12 tháng trả lãi cuối kỳ của TPBank cộng biên độ 4%/năm. Lãi trái phiếu được thanh toán 3 tháng một lần.

Như vậy, nếu đợt phát hành này hoàn tất, CII tiếp tục là một trong những doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất trong thời gian qua. Đây sẽ là đợt phát hành lần thứ 6 trong năm 2019 của CII, với tổng giá trị phát hành từ đầu năm đến nay lên tới 3.150 tỷ đồng (tính cả 6 đợt).

Hồi tháng 2/2019, CII đã phát hành 370 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 9%/năm, trả lãi mỗi năm một lần. Tiếp đó, Công ty bung tiếp đợt phát hành 1.150 tỷ đồng trái phiếu vào tháng 3/2019, kỳ hạn 10 năm, lãi suất 7,2%/năm. Đợt phát hành thực hiện thông qua tư vấn của Công ty Chứng khoán Techcombank và được GuarantCo bảo lãnh thanh toán.

Đến tháng 6, CII thực hiện 2 đợt phát hành trái phiếu: một đợt trái phiếu 1 năm có quy mô 30 tỷ đồng, lãi suất cố định 10%/năm thanh toán vào ngày đáo hạn; một đợt trái phiếu 3 năm quy mô 300 tỷ đồng, lãi suất thả nổi với lãi trong 2 kỳ tính lãi đầu tiên là 11%/năm (mỗi kỳ 6 tháng), kỳ tính lãi tiếp theo là lãi suất 12 tháng của TPBank cộng 3,5%.

Cuối tháng 8/2019, CII tiếp tục phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 12 tháng 1 ngày, lãi suất 9,5%/năm.

Áp lực lên gánh nặng nợ

Việc liên tục thực hiện các đợt phát hành trái phiếu đương nhiên tạo sự gia tăng áp lực lên gánh nặng nợ đối với CII. Trong khi đó, cơ cấu nợ hiện tại của CII cho thấy, đại gia ngành xây dựng hạ tầng đã khá nặng gánh về nợ nần, với quy mô nợ đã lớn hơn nhiều lần so với vốn chủ sở hữu.

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ quý III/2019, nợ phải trả của CII là hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 23,4% so với hồi đầu năm 2019. Quy mô nợ của CII đã cao gấp 2,4 lần so với vốn chủ sở hữu.

Các đợt phát hành trái phiếu thường làm tăng nợ dài hạn, theo đó áp lực trả nợ tuy chưa “sát sườn” như nợ ngắn hạn, nhưng thực chất quy mô nợ ngắn hạn của CII cũng không nhỏ, với giá trị tại thời điểm 30/9/2019 là 4.386 tỷ đồng, lớn hơn con số 3.700 tỷ đồng nợ dài hạn.

Ngoài ra, các đợt phát hành trái phiếu của CII tuy được coi là vay dài hạn về mặt lý thuyết, nhưng đa phần chỉ là vay 2 năm, nên chỉ sau 1 năm là các khoản vay này sẽ chuyển thành nợ ngắn hạn.

Thậm chí, có khoản vay tuy tính là vay dài hạn trên lý thuyết khi phát hành, nhưng chỉ sau vài ngày là trở thành nợ ngắn hạn (như khoản phát hành 800 tỷ đồng kỳ hạn 12 tháng 1 ngày hồi tháng 8/2019).

Bù lại nhờ lợi nhuận

Áp lực nợ là vậy, nhưng cổ đông của CII cũng vẫn có lý do để xả áp lực nhờ sự tăng trưởng mạnh từ kết quả lợi nhuận của doanh nghiệp.

Quý III/2019, công ty mẹ của CII đạt lợi nhuận sau thuế lên tới 306,9 tỷ đồng, tăng gấp hàng trăm lần so với 3,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế quý III/2018. Lợi nhuận sau thuế lũy kế đến ngày 30/9/2019 đạt 375,6 tỷ đồng, tăng 362,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Giải thích về sự bùng nổ của lợi nhuận quý III/2019, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII, trong văn bản giải trình với cổ đông, đã cho biết, lý do chính là lợi nhuận được chia từ các công ty con tăng cao (tăng 158,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước).

Ngoài ra, trong kỳ vừa qua, Công ty còn có khoản thu nhập từ thoái vốn đầu tư.

Một số dự án của CII

Dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội giai đoạn II, tổng mức đầu tư 5.735 tỷ đồng

Dự án Cầu Sài Gòn 2, tổng mức đầu tư 1.311,9 tỷ đồng

Dự án Cầu Bình Triệu 1, phần 1, giai đoạn II, tổng mức đầu tư 230,66 tỷ đồng

Dự án Cầu Rạch Chiếc, tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng

Dự án Mở rộng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua TP. Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), tổng mức đầu tư 548 tỷ đồng

Dự án Đầu tư hạ tầng trong Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện trục Bắc - Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tổng mức đầu tư 2.641 tỷ đồng.

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục