Tận dụng thế mạnh
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, giá trị giải ngân đạt 216.000 tỷ đồng, bằng 28,63% kế hoạch vốn được giao và 30,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Mức giải ngân này tăng hơn 65.000 tỷ đồng (+43%) so với cùng kỳ 2022, tập trung tại các dự án giao thông chuyển tiếp từ giai đoạn trước.
Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng nhanh hơn trong nửa cuối năm 2023, khi các dự giao thông sẽ được đốc thúc đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kế hoạch Chính phủ đã giao. Các dự án hạ tầng giao thông quan trọng giai đoạn 2021-2025 tiếp tục quá trình chuẩn bị thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện trong các tháng tới. Dự kiến, có 8 dự án trọng điểm được đẩy mạnh triển khai trong năm nay gồm dự án chuyển tiếp cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 và giai đoạn 2; sân bay quốc tế Long Thành...
Là doanh nghiệp có bề dày 61 năm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 đã chứng minh được năng lực thi công tại hàng loạt dự án hạ tầng trên khắp cả nước, đặc biệt là các án dự khó, đòi hỏi kỹ thuật cao như cao tốc (TP.HCM - Trung Lương, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Long Thành - Dầu Giây), hệ thống đường cất hạ cánh các các sân bay (Tân Sân Nhất, Nội Bài, Phú Bài, Cam Ranh, Thọ Xuân, Pleiku...), nhà ga metro (Bến Thành - Suối Tiên), hầm qua núi, hầm đô thị…
CIENCO4 cũng sở hữu và làm chủ được hầu hết công nghệ thi công trong lĩnh vực xây lắp hạ tầng giao thông đòi hỏi kỹ thuật thi công ở trình độ cao mà rất ít đơn vị thi công ở Việt Nam có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, Tập đoàn còn tích cực chuẩn bị nguồn lực tài chính nhằm đảm bảo các điều kiện tham gia đấu thầu tại các dự án.
Theo đó, CIENCO4 đã liên tiếp trúng thầu tại nhiều dự án trọng điểm gần đây, trong đó có thể kể đến là cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh với giá trị trúng thầu hơn 1.800 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang - Cà Mau giá trị hơn 1.700 tỷ đồng; Gói thầu XL03: Thi công xây dựng đoạn Km54+500-Km68+854,48 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) dự án thành phần 2 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 với giá trị gói thầu hơn 2.992 tỷ đồng; Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội giá trị gần 900 tỷ đồng; Vành đai 3 vùng TP.HCM giá trị 1.417 tỷ đồng...
Chi phí nguyên vật liệu tăng cao được nhìn nhận là một trong những lý do dẫn đến chậm giải ngân tại nhiều dự án hạ tầng trong giai đoạn đầu năm 2023. Tuy nhiên, theo lãnh đạo CIENCO4, vấn đề này đã và đang được Chính phủ giải quyết thông qua cấp phép khai thác các mỏ mới, giúp giảm giá nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng như cát, sỏi, đá, xi măng…
Sẵn sàng tăng tốc
Ở thời điểm hiện tại, CIENCO4 đã và đang chuẩn bị đầy đủ cả về năng lực thi công lẫn tài chính để tham gia các dự án lớn. CIENCO4 đã chào bán thành công gần 112,4 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ lên 3.370 tỷ đồng. Song song với phát triển bền vững, Ban lãnh đạo CIENCO4 đặt mục tiêu tích lũy tiềm lực, nâng cao sức mạnh nội lực, hạn chế tối đa việc dùng đòn bẩy vốn vay... Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng mối quan hệ với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước nhằm huy động dòng vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi, phục vụ các mảng đầu tư chiến lược.
Nguồn vốn huy động được sẽ giúp Tập đoàn đáp ứng đủ nguồn tài chính để triển khai các dự án theo kế hoạch. Đây là nền tảng để CIENCO4 tự tin đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 330 tỷ đồng, tăng lần lượt 60% và 171% so với thực hiện năm 2022.
CIENCO4 vẫn đang bám sát các dự án mục tiêu, đặc biệt là những dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, các dự án cao tốc...; đàm phán mở rộng thị trường, liên danh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để tham gia đấu thầu có trọng tâm, trọng điểm các dự án có vốn nước ngoài (như JICA, WB, ADB...), vốn trái phiếu, ngân sách nhà nước được ưu tiên cấp vốn…
“Hiện CIENCO4 đã bắt tay vào việc, thậm chí ‘làm ngày làm đêm’ để sẵn sàng tăng tốc mạnh mẽ hơn trong những quý tới”, lãnh đạo CIENCO4 nhấn mạnh.