Cienco4 (C4G) - “bảo chứng” cho những công trình trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh hầu hết các tổng công ty xây dựng công trình giao thông gặp khó và gần như “vắng bóng” sau cổ phần hóa, Cienco4 vẫn giữ vững được thương hiệu trên nhiều công trình lớn của đất nước.
Cienco4 đang triển khai cọc khoan nhồi tại cầu Xóm Bóng Nha Trang. Cienco4 đang triển khai cọc khoan nhồi tại cầu Xóm Bóng Nha Trang.

Sự thay đổi linh hoạt

Là đơn vị có truyền thống lâu đời của ngành giao thông - vận tải, Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 (C4G - UPCoM) là một trong những doanh nghiệp uy tín nhất trong ngành xây dựng Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình phát triển của Tập đoàn cũng có nhiều giai đoạn thăng trầm.

Có thời điểm, dự án giao thông gặp khó, Cienco4 là một trong những tổng công ty đầu tiên của Bộ Giao thông - Vận tải dấn thân vào loại hình đầu tư BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) và xem đây là ngành cốt lõi, bệ đỡ cho Tập đoàn sau cổ phần hóa. Tuy nhiên, tình hình đã có những chuyển biến không ngờ khi các dự án BOT gặp nhiều vướng mắc.

Đơn cử, Dự án BOT Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Chợ Mới dù đã hoàn thành, đưa vào khai thác hơn 4 năm, nhưng doanh nghiệp dự án vẫn không thể thu phí để hoàn vốn. Cùng với đó, 2 năm Covid-19 khiến lượng xe lưu thông giảm mạnh cũng ảnh hưởng tới các dự án BOT giao thông, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Đứng trước thử thách trên, bằng sự năng động, sáng tạo, đội ngũ lãnh đạo Tập đoàn đã nhanh chóng thay đổi chiến lược để chèo lái con tàu Cienco4 vượt qua sóng cả, vươn lên mạnh mẽ. Theo đó, Cienco4 chuyển hướng sang tập đoàn đa ngành dựa trên “kiềng 3 chân”: xây dựng hạ tầng giao thông, bất động sản và kinh doanh tài chính.

Trong đó, Tập đoàn xác định, ngành truyền thống hạ tầng giao thông vẫn là ngành chủ lực, nên đẩy mạnh đầu tư với tầm nhìn đến năm 2030 tiếp tục duy trì vị trí số 1 trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông tại thị trường Việt Nam, tiến tới hội nhập và tiệm cận quốc tế trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng.

Với chiến lược đó, Cienco4 đã tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài có công nghệ xây dựng tiên tiến, hiện đại như Nhật Bản, Hàn Quốc, vừa để tận dụng nguồn vốn, vừa học hỏi và chuyển giao công nghệ.

Dù được trui rèn qua nhiều công trình, nhưng trong giai đoạn đầu tiếp cận các công nghệ xây dựng mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam, như công nghệ thi công hầm, công nghệ thi công tường vây Barrette, công nghệ cọc SPSP, cọc ván thép thi công hạ tầng trên các khu vực nước lớn…, đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật của Cienco4 không khỏi bỡ ngỡ, lúng túng. Tuy nhiên, với trình độ được đào tạo bài bản và kinh nghiệm triển khai qua nhiều dự án hạ tầng giao thông, cũng như sự ham học hỏi, rất nhanh chóng, họ đã nắm bắt, làm chủ công nghệ do các đối tác nước ngoài chuyển giao.

Cái tên “bảo chứng” cho nhiều dự án lớn

Cienco4 đang triển khai hầm Thần Vũ đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía đông.

Cienco4 đang triển khai hầm Thần Vũ đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía đông.

Với việc làm chủ công nghệ hiện đại mà ít doanh nghiệp xây lắp trong nước có được, Cienco4 liên tiếp trúng thầu các dự án trọng điểm, mang tính biểu tượng của quốc gia trên cả nước. Có thể kể đến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, Dự án PPP Diễn Châu - Bãi Vọt, Cầu Bạch Đằng 2 (Đồng Nai), cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng), Dự án nút giao phía Tây cầu Trần Thị Lý (Đà Nẵng), đường Vành đai 3 trên cao Hà Nội, hầm chui Nguyễn Trãi - Thanh Xuân (Hà Nội).

Ngoài ra, còn có hàng loạt gói thầu xây dựng sửa chữa đường cất, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Phú Bài, Đà Nẵng, Pleiku…, với tổng giá trị các gói thầu lên tới 15.000 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2022, giá trị trúng thầu của Cienco4 khoảng 6.890 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý là, trong khi đa số các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam kéo dài tiến độ, thì các dự án do Cienco4 thực hiện đều hoàn thành và vượt tiến độ, là một trong những Cienco hiếm hoi xác lập nhiều kỷ lục tại những công trình trọng điểm, tưởng chừng như người Việt Nam khó có thể làm. Điều này càng thêm chứng minh tầm vóc của doanh nghiệp mạnh tại Việt Nam trong lĩnh vực xây lắp hạ tầng giao thông.

Có thể nói, với tiềm lực sẵn có, Cienco4 cũng đang hiện diện là một trong những nhà thầu uy tín, được “chọn mặt gửi vàng”, là “bảo chứng” tại các dự án hạ tầng lớn đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao trên cả nước.

Giá trị Backlog từ các dự án trúng thầu thời gian qua chính là của để dành của Cienco4 trong thời gian tới và là cơ sở để Tập đoàn hoàn thành đạt và vượt mục tiêu kinh doanh năm 2022 vốn đầy tham vọng: doanh thu 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, tăng 386% so với thực hiện trong năm 2021.

Trong quý II/2022, Cienco4 ghi nhận doanh thu đạt 951,72 tỷ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 52,06 tỷ đồng, tăng 126,1% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Cienco4 ghi nhận doanh thu 1.378,92 tỷ đồng, tăng 33,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 84,35 tỷ đồng, tăng 85,8% so với cùng kỳ năm trước.

Thiên Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục