Với vụ mua bán và sáp nhập (M&A) này, GIC nghiễm nhiên trở thành một trong những chủ kho chứa hàng công nghiệp lớn nhất ở Mỹ. Có trụ sở chính tại Chicago, IndCor hiện sở hữu các kho hàng có tổng diện tích 117 triệu feet2 (tương đương gần 11 triệu m2) tại 29 bang của Mỹ. Dự kiến, thương vụ M&A này sẽ hoàn tất mọi thủ tục pháp lý vào quý I/2015.
Nhiều nhà phân tích nhận xét, vụ M&A liên quan đến 3 bên (GIC, IndCor và Blackstone) và theo cảm nhận ban đầu, cả 3 doanh nghiệp này đều thể hiện sự vui mừng, hài lòng với thương vụ được đánh giá là “win - win” (tất cả đều thắng) này.
Trước hết, về phía người bán. Blackstone là một trong những tập đoàn đầu tư nhân lớn của Mỹ (hiện quản lý và kinh doanh các loại tài sản có tổng trị giá 266 tỷ USD, trong đó riêng bất động sản là 80 tỷ USD). Hạng mục đầu tư của Blackstone rất đa dạng, song phải đảm bảo nguyên tắc là thu được lợi nhuận tối đa có thể.
Blackstone thành lập IndCor vào năm 2010, với mục tiêu mua gom các tài sản là nhà kho công nghiệp do nhiều chủ lâm vào tình trạng khủng hoảng phải bán đi với giá rẻ. IndCor đã mua được một số kho giá rẻ như bèo của ProLogis, Lehman Brothers (tập đoàn tài chính - ngân hàng Mỹ đã bị phá sản)… Sau khi đầu tư tân trang, “vỗ béo” IndCor, nay đã đến chu kỳ Blackstone muốn bán đi để lấy tiền đầu tư vào khoản khác. Bán được IndCor, với khoản lợi nhuận như kỳ vọng, đương nhiên, Blackstone có lý do để vui mừng thực sự.
Tiếp đến là IndCor. Chỉ trong vòng hơn 4 năm tồn tại, lãnh đạo Indcor, trước hết là ông Tim Beaudin, Giám đốc điều hành (CEO) đã thực hiện thành công tổng cộng 18 vụ M&A lớn, nhỏ. Nay ông chủ đích thực (là Blackstone) không còn muốn nuôi tiếp, buộc IndCor phải chủ động tìm mọi cách để tồn tại. Một trong số những cách đó là trở thành công ty đại chúng. Tháng 9/2014, IndCor đã lập hồ sơ thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và gửi lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) chờ xét duyệt. Nay triển vọng tồn tại và phát triển của IndCor trở nên sáng sủa hơn, khi có chủ mới mua lại. Vì thế, IndCor mừng cũng phải. Giữa tuần này, IndCor đã rút hồ sơ IPO từ SEC về.
Về phía người mua, GIC cũng mừng như mua được món hàng có giá trị với giá hời. Singapore có 2 tập đoàn quản lý và kinh doanh vốn nhà nước là GIC và Temasek Holdings và cả hai đều có trong tay rất nhiều tiền.
Theo số liệu thống kê của Sovereign Wealth Fund Institute (chuyên theo dõi các quỹ, tập đoàn đầu tư của nhiều quốc gia trên thế giới), GIC hiện quản lý khoảng 320 tỷ USD, trong đó bất động sản chiếm 7% (khoảng 22 tỷ USD). Sở hữu nguồn tài chính dồi dào, GIC phải tìm mọi cách để đầu tư cho sinh lời. Do thị trường bất động sản Singapore đã khá chật chội, nên gần đây, GIC đã nhắm tới nhiều thị trường nước ngoài. Cụ thể, GIC mua lại nhiều toà nhà văn phòng tại Tokyo (Nhật Bản), toà nhà Broadgate ở London (Anh) và đầu tư vào nhiều dự án bất động sản ở Australia. Lãnh đạo GIC thống nhất chủ trương đa dạng hoá danh mục đầu tư trong lĩnh vực bất động sản nhằm mang lại lợi nhuận khá, giảm thiểu rủi ro…
Thâu tóm IndCor, GIC có chỗ đúng vững vàng ngay tại thị trường Mỹ. Hơn nữa, theo một số nguồn tin, do GIC và Blackstone có quan hệ đối tác lâu năm, nên thương vụ này được nhượng lại theo cách thức khá “hữu nghị”. “Hữu nghị” ở đây phải hiểu theo nghĩa là Blackstone không chào bán rộng rãi IndCor, bởi nếu chào bán rộng rãi, thì rất có thể, nhiều quỹ quản lý và kinh doanh vốn nhà nước khác như China Investment Corp (CIC của Trung Quốc), Kuwait Investment Authority (Kuwait), Abu Dhabi Investment Authority (Các tiểu Vương quốc Ả - rập thống nhất: UAE) đều rất rủng rỉnh tiền, sẵn sàng nhập cuộc, thì cơ hội thành công của GIC sẽ không cao.
Vậy thì GIC cũng cảm thấy vui vì mua được đống tài sản quý với giá phải chăng. Điều còn lại lúc này là, làm sao GIC phải khai thác có hiệu quả để biến IndCor trở thành “cỗ máy kiếm tiền”.
Ông Tim Beaudin sẽ tiếp tục được GIC trọng dụng, bởi ông là người thạo việc và có kinh nghiệm kinh doanh lâu năm trong lĩnh vực bất động sản ở Mỹ.
Ông có 2 bằng cử nhân về kinh tế và quản trị kinh doanh của Đại học Westmont. Ông là CEO và Chủ tịch IndCo từ tháng 1/2011 đến nay. Trước đó, ông là Chủ tịch Aimco (từ tháng 2/2009 đến 1/2011); Phó chủ tịch Catellus Development Corp. (từ năm 1995 đến 2005); Phó chủ tịch, phụ trách dịch vụ tài chính của CB Commercial Real Estate Group (nay là CBRE Group) từ năm 1990 đến 1995.