CIC Group (CKG): Nhà đầu tư cá nhân bỏ ra khoảng 90 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn

(ĐTCK) Một nhà đầu tư cá nhân đã bỏ thêm khoảng 90 tỷ đồng để mua cổ phần và trở thành cổ đông sở hữu 6,18% vốn tại CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (CIC Group, mã CKG – sàn HOSE).

Ngày 27/9, nhà đầu tư cá nhân Nguyễn Xuân Dũng vừa mua vào thêm 3.786.260 cổ phiếu CKG, nâng sở hữu từ 2,21%, lên 6,18% vốn điều lệ và chính thức trở thành cổ đông lớn tại Công ty CIC Group.

Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 27/9 là 23.800 đồng/cổ phiếu, ước tính ông Dũng đã bỏ ra số tiền khoảng 90 tỷ đồng để nâng sở hữu lên 6,18% vốn điều lệ và chính thức trở thành cổ đông lớn tại Công ty CIC Group.

Được biết, tính tới cuối năm 2022, Công ty CIC Group chỉ có một cổ đông lớn là ông Trần Thọ Thắng, Chủ tịch HĐQT sở hữu 8,31% vốn điều lệ.

Ở chiều ngược lại, từ ngày 3/10 đến 1/11, ông Trần Quốc Trưởng, Phó tổng giám đốc Công ty CIC Group đăng ký bán 200.000 cổ phiếu CKG, giảm sở hữu từ 0,88%, xuống còn 0,67% vốn điều lệ.

Từ ngày 29/9 đến ngày 28/10, bà Trần Thị Mai Hương, Phó tổng giám đốc tại CIC Group cũng đăng ký bán 385.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 0,69%, xuống còn 0,288% vốn điều lệ.

Trong đó, hai giao dịch của bà Trần Thị Mai Hương và ông Trần Quốc Trưởng dự kiến thực hiện bằng phương thức giao dịch thoả thuận.

CIC Group quay trở lại phương án chào bán riêng lẻ 13,4 triệu cổ phiếu

Một diễn biến đáng lưu ý, trước đó, ngày 11/9, CIC Group thông qua việc tiếp tục triển khai phương án chào bán 13.400.219 cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 ngày 19/6/2021 và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 ngày 17/6/2022.

Được biết, ban đầu, CIC Group dự kiến phát hành 13.400.219 cổ phiếu riêng lẻ với giá 15.000 đồng/cổ phiếu để huy động hơn 201 tỷ đồng từ 27 nhà đầu tư. Cổ phiếu phát hành bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày phát hành. Số tiền huy động, Công ty dự kiến dùng 97,3 tỷ đồng thanh toán các khoản nợ phải trả cho các đơn vị thi công; 96,8 tỷ đồng thanh toán các khoản nợ vay đến hạn; và còn lại 6,9 tỷ đồng thanh toán tiền mua vật liệu, tiền lương, tiền công cán bộ nhân viên.

Tuy nhiên, trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 tổ chức ngày 9/6, Công ty trình cổ đông kế hoạch hủy phương án chào bán 13.400.219 cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với lý do phương án phát hành kéo dài quá 2 năm vẫn chưa thực hiện và việc phát hành này không còn phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trong giai đoạn 2023-2025.

Đồng thời, CIC Group trình cổ đông phương án gọi vốn mới từ cổ đông hiện hữu thay cho phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Trong đó, Công ty dự kiến chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 50%, cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới với giá 12.500 đồng/cổ phiếu.

Trong phương án gọi vốn từ cổ đông hiện hữu, CIC Group ước tính sẽ phát hành thêm hơn 47,6 triệu cổ phiếu để huy động 595,37 tỷ đồng. Trong đó, số tiền huy động được dùng chủ yếu 357,61 tỷ đồng thanh toán chi phí cho đơn vị thi công; 218,16 tỷ đồng thanh toán các khoản vay ngắn hạn ngân hàng; và 19,6 tỷ đồng thanh toán chi phí nhân công.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/9, cổ phiếu CKG giảm 200 đồng về 24.000 đồng/cổ phiếu.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục