Giá vàng trong ngày 28/7 ghi nhận mức cao kỷ lục mới 1.628 USD/ounce, trước khi giảm nhẹ trở lại. Mặt hàng kim loại quý này đã tăng gần 9% trong tháng 7 do những bất ổn gia tăng về vấn đề nợ công của châu Âu và nguy cơ vỡ nợ của Mỹ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Nhóm phân tích Sacombank - SBJ, vàng có thể sẽ chịu áp lực giảm giá trong ngắn hạn khi NĐT bán ra để bù đắp các khoản thua lỗ trên TTCK và các thị trường khác. Đồng thời, theo các nhà phân tích, khả năng vỡ nợ của Mỹ rất khó có thể xảy ra, nếu các cơ quan lập pháp Mỹ đạt được sự đồng thuận về việc cắt giảm ngân sách thì đồng USD sẽ tăng giá trở lại và vàng tạm thời bị thoái lui. Mặt khác, khả năng chốt lời cũng ở mức cao khi mà giá vàng đang duy trì ngưỡng cao kỷ lục từ trước đến nay.
Trên thị trường nội địa, theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ, trước sức nóng của vàng khi chạm tới ngưỡng 39 triệu đồng/lượng, không ít người nắm giữ vàng muốn tranh thủ lãi suất tiền đồng đang ở mức cao nên đã bán vàng để chuyển vốn sang gửi tiết kiệm ngân hàng. Nhưng sau khi vàng tiếp tục lên giá và tiến sát mức 40 triệu đồng/lượng, lực mua đã tái xuất hiện.
Trên thực tế, bỏ vốn vào vàng được đánh giá là an toàn, nhất là trước áp lực lạm phát vẫn khá gay gắt. Nhiều năm gần đây, giá vàng năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10 - 15%, tạo ra sức hấp dẫn với nguồn tiền nhàn rỗi. Theo nhận định từ một chuyên gia cấp cao của Hội đồng Vàng thế giới tại Việt
Song trước áp lực lạm phát, lãi suất tiền đồng đang được đẩy lên cao, với mức lãi suất thực mà không ít ngân hàng trả cho người gửi tiền lên đến 18 - 19%/năm, thậm chí, mức lãi suất còn cao hơn đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm giá trị lớn. Do đó, kênh tiết kiệm cũng có sức hấp dẫn riêng.
Lãi suất tiền đồng đang cao hơn nhiều so với lãi suất ngoại tệ. Đồng thời, tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới. Nhưng do áp lực lạm phát, đồng VND mất giá và lòng tin vào thị trường cũng như khả năng ổn định kinh tế vĩ mô thấp. Theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, tuy tỷ giá chính thức tương đối ổn định và có sự dịch chuyển từ USD sang tiền đồng, nhưng thường với thời hạn gửi ngắn. Vì thế, áp lực lên tỷ giá vẫn cao do lạm phát cao và thâm hụt thương mại lớn.
Do đó, kênh đầu tư vàng vẫn được nhiều người lựa chọn, vì áp lực lạm phát sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng của vàng. Nhận định được đưa ra từ Nhóm tư vấn tiền tệ Eximbank, vàng vẫn ở vùng giá cao này cho đến khi vấn đề nợ của Mỹ được giải quyết. Về dài hạn, giá vàng vẫn có cơ hội tiếp tục đi lên.
Mặt khác, theo thông lệ, giá vàng thường tăng mạnh trong quý IV. Tuy nhiên, với mốc giá hiện tại, các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư "lướt sóng" vàng là khá rủi ro, một khi thông tin trần nợ của Mỹ được thỏa thuận trong tuần sau, dẫn đến một đợt bán tháo chốt lời có thể xảy ra khiến giá vàng quốc tế điều chỉnh giảm trong ngắn hạn.