Chuyện về Top 10 doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt

(ĐTCK) Thị giá các cổ phiếu trên sàn phiên cuối cùng của năm 2016 chỉ làm củng cố thêm thứ bậc của 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, còn vị trí của họ đã được xác lập từ hàng chục phiên trước đó. Phía sau những con số kếch xù hàng nghìn tỷ đồng, là rất nhiều câu chuyện đáng nói.
Chuyện về Top 10 doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt

Đáng chú ý nhất trong bảng xếp hạng này là vị trí của người số 1, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC), cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần Xây dựng FLC (Faros).

Từ một công ty thành lập năm 2011 với số vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng, trong vòng 5 năm, vốn điều lệ của ROS đã tăng lên tới 4.300 tỷ đồng.

Sau nhiều năm giữ vị trí quán quân, năm nay, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup rơi xuống vị trí thứ 2. Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng còn có vợ ông là bà Phạm Thu Hương và em gái vợ ông là bà Phạm Thúy Hằng. Sự nổi tiếng và con đường vươn lên ngôi vị tỷ phú USD của ông Vượng được giới doanh nhân hàng đầu Việt Nam công nhận và không ít người cho biết, học được nhiều điều từ phong cách điều hành của ông Vượng. Dù Vingroup là đối thủ lớn của nhiều tập đoàn tư nhân trong nước, nhưng ông Vượng giành được thiện cảm của phần lớn những người đứng đầu các tập đoàn, qua các câu chuyện bên lề mà họ trao đổi với nhau.

Cực kỳ kín tiếng trên truyền thông, bà Phạm Thu Hương và Phạm Thuý Hằng là hai nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn tại Vingroup. Bà Hương vốn là sinh viên xuất sắc của Khoa tiếng Pháp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và được tuyển chọn học Luật quốc tế tại Kiev. Bà và ông Vượng cùng học với nhau 1 năm tiếng Nga. Bà luôn là cánh tay phải sát cánh cùng chồng trong sự nghiệp kinh doanh, từ những ngày đầu lập nghiệp tại Ukraine.

Có một điều  thú vị là cả 3 doanh nhân này đều làm việc trái ngành trái nghề so với những gì đã được đào tạo trong trường đại học. Ông Phạm Nhật Vượng tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất, bà Phạm Thu Hương học Luật quốc tế, bà Phạm Thúy Hằng học chuyên ngữ tiếng Nga.

Một gương mặt đã xuất hiện nhiều lần trong bảng xếp hạng là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. Cuối năm 2015, Hòa Phát ồn ào trên thị trường chứng khoán khi đa dạng hóa thêm danh mục đầu tư vào ngành chăn nuôi, một số công ty chứng khoán đã phân tích rằng, đây chính là lý do kéo giá cổ phiếu HPG xuống thấp vào đầu năm 2016. Tại cuộc gặp giới phân tích, nhà đầu tư hồi quý II/2016, ông Long đã phải nói: “Mời quý vị hỏi tôi về thép, đừng hỏi tôi về nuôi heo nữa”. Thông điệp mà ông muốn chuyển tải ra thị trường là Hòa Phát vẫn tập trung vào thép và sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư cho lĩnh vực này ở quy mô lớn, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Ngoài bản thân giữ vị trí thứ ba, vợ ông Long là bà Vũ Thị Hiền cũng có tên trong bảng xếp hạng này.

Gương mặt mới toanh là ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Tập đoàn Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc No va. Cổ phiếu NVL sau phiên tăng kịch biên độ từ 50.000 đồng/cổ phần ngày chào sàn 28/12 lên 60.000 đồng/cổ phần, chỉ nhích 100 đồng vào phiên đóng cửa của năm. Làm nhiều, vay nhiều, có lẽ vậy, nên một trong những điểm lưu ý mà giới phân tích chứng khoán chốt lại là tỷ lệ vay nợ/trên tổng tài sản của Novaland (trong khoảng 24.000 tỷ đồng/35.000 tỷ đồng). Với sự biến động rất nhanh của thị trường bất động sản, có lẽ giới đầu tư cần nhiều thông tin hơn về chiến lược kinh doanh của ông Nhơn và các cộng sự để yên tâm “kê cao gối”.

Gương mặt nữ có vai trò “một tay” tạo dựng cơ nghiệp là bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn. Đầu năm 2016, bà Khanh đã có bước chuyển giao thế hệ kế nhiệm khá thành công vị trí tổng giám đốc cho bà Nguyễn Ngô Vi Tâm.

Đây là nhân vật “có duyên” với Vĩnh Hoàn khi còn là nhân viên tập sự tại một hãng luật đã tham gia hợp tác với công ty trong vụ kiện chống bán phá giá cá basa tại Mỹ. Sự chuyển giao thành công đã góp phần đưa kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn tăng mạnh, giúp giá cổ phiếu của Công ty này tiệm cận 60.000 đồng/cổ phiếu.

Vào tháng 9/2016, cổ phiếu TCH của Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy lên sàn đã đưa ông Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch Tập đoàn, trở thành gương mặt mới trong top người giàu nhất sàn chứng khoán. Trước đó, Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS), một doanh nghiệp do ông Hạ làm chủ tịch cũng đã niêm yết trên HOSE.

“Vua ôtô đầu kéo” là biệt danh thị trường vẫn thường gọi ông Hạ dù ông rất ngại xuất hiện trên truyền thông. Bên lề các sự kiện lớn của Tập đoàn, ông thường nhường cho các đối tác trả lời phỏng vấn. Không phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, “dục tốc bất đạt”, là những triết lý kinh doanh mà ông và 3 con trai thường áp dụng trong điều hành doanh nghiệp.

Anh Việt – Ngọc Tuấn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục